Dù nổi tiếng trên thế giới về võ thuật nhưng ít ai biết rằng Thiếu Lâm Tự còn sở hữu cả một cửa hàng trực tuyến, thậm chí còn làm Game.
Sư trụ trì Thiếu Lâm tự bị tố quan hệ tình dục với ni cô
Các tiểu tăng Thiếu Lâm Tự luyện Kungfu như thế nào?
Nói đến Thiếu Lâm Tự, hẳn không ít người sẽ nhớ ngay đến hình ảnh ngôi chùa nổi tiếng cùng môn phái võ Thiếu Lâm Tự. Nhưng liệu rằng, bạn có thực hiểu Thiếu Lâm Tự là gì và hoạt động ra sao chưa? Phải chăng Thiếu Lâm Tự đơn giản chỉ là một ngôi chùa hay còn “kinh doanh” nhiều mặt hàng khác? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đi tìm câu trả lời.
Thiếu Lâm Tự – nơi môn sinh theo học võ thuật
Chùa Thiếu Lâm hay Thiếu Lâm Tự – tọa lạc tại Tung Sơn, xã Đăng Phong, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Chùa nổi tiếng từ lâu vì sự kết hợp giữa Phật giáo Thiền tông và võ thuật. Là cái nôi của Thiền tông Trung Hoa, đây được cho là một cơ sở Phật giáo nổi tiếng nhất nhì với phương Tây.
Theo một số tài liệu cổ, chùa Thiếu Lâm được xây dựng ở phía Bắc Tung Sơn vào năm 477. Vị trụ trì đầu tiên của chùa là thiền sư Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ. Thiền sư đến Trung Quốc vào năm 464 nhằm truyền bá tư tưởng Phật giáo. Bồ Đề Đạt Ma cũng là người sáng lập nên võ phái Thiếu Lâm quyền pháp trong chùa.
Ngôi chùa hiện nay đã trải qua rất nhiều lần bị phá hủy và được xây dựng lại. Ngày nay, Thiếu Lâm Tự có đến 8 chùa chi nhánh tại Trung Quốc.
Khi nhắc đến Thiếu Lâm Tự, điều đầu tiên ta nghĩ đến đó là Quyền thuật Thiếu Lâm – môn võ đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.
Tương truyền, Bồ Đề Đạt Ma thấy các nhà sư có thể trạng yếu, thường ngủ gục trong lúc thiền. Thiền sư liền giới thiệu một hệ thống các bài tập thể dục được cho là thập bát La-hán chưởng hay là các bài tập co giãn cơ bắp kinh điển Đạt-ma. Dần dần những động tác này phát triển thành võ thuật.
Trong suốt 15 thế kỷ, các nhà sư tại Thiếu Lâm Tự đã hoàn thiện và gìn giữ môn võ qua nhiều thế hệ. Hệ thống quyền pháp của Thiếu Lâm Tự có tới 3 hệ pháp theo từng môn phái. Đó là: Thiếu Lâm Tung Sơn (Hà Nam), Thiếu Lâm quyền Bắc phái (Giang Tô), và Thiếu Lâm quyền Nam Phái (Phúc Kiến).
Sau sự bùng nổ của bộ phim Thiếu Lâm Tự vào năm 1982, ngôi làng bao quanh chùa có tên là làng Thiếu Lâm đã thu hút rất nhiều môn sinh trên toàn thế giới đến đây xin học. Nhiều người thường nói vui rằng, ngôi làng dường như đã trở thành một “lò Kungfu” đích thực.
Cùng với đó, các võ đường sẽ được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các môn sinh. Ước tính, mỗi năm có tới 50 võ đường được mở cùng 50.000 môn sinh theo học võ Thiếu Lâm.
Tuy vậy, đầu tiên, các võ sinh sẽ phải trải qua khóa rèn luyện rất khắc nghiệt với tính kỷ luật cao nhằm tôi luyện sức chịu đựng bản thân để đạt đến sự hoàn thiện về thể chất.
Và những câu chuyện thương mại hóa ẩn đằng sau Thiếu Lâm Tự
Tuy nhiên, kungfu Thiếu Lâm ngày nay đã được thương mại hóa, trở thành một ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn. Các võ đường trong làng vẫn mở và giúp cư dân tại đây trở nên giàu có.
Chùa còn xây dựng một trường dạy võ thuật riêng – Thiếu Lâm Tự Tung Sơn đào tạo Võ sinh. Chi phí cho một năm theo học tại đây rơi vào khoảng $ 7.000 đến $12.000 (khoảng 142 triệu đến 250 triệu VND).
Shi Yongxin, hay Thích Vĩnh Tín – người trụ trì hiện tại của Thiếu Lâm Tự còn gửi các nhà sư đi các nước trên thế giới để giảng dạy cũng như truyền bá về kungfu Thiếu Lâm và Phật Giáo. Hiện Thiếu Lâm tự đã có các chi nhánh tại London (Anh), Berlin (Đức), Budapest (Hungary), Vienna (Áo)…
Không những thế, Thiếu Lâm Tự thời hiện đại thậm chí đã trở thành doanh nghiệp đích thực. Hiện nay, chùa đang sở hữu một số công ty hoạt động dưới quyền như Công ty Điện ảnh Thiếu Lâm Hà Nam, công ty dược phẩm và một quầy bán đồ lưu niệm trực tuyến.
Năm 2003, trụ trì Thích Vĩnh Tín ủy quyền cho một công ty để sáng tạo ra trò chơi mang tên “Huyền thoại Thiếu Lâm” (Shaolin Legend). Sắp tới, chùa dự tính hợp tác với một số doanh nghiệp nhằm tung ra sản phẩm trò chơi di động về Thiếu Lâm Tự, nhằm thu hút thêm môn sinh.
Ngoài ra, quầy bán đồ lưu niệm online của Thiếu Lâm Tự còn được đặt trên một trang web thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc, cho phép khách hàng từ khắp nơi trên thế giới đặt mua các sản phẩm của Thiếu Lâm. Sản phẩm rất đa dạng: từ đũa, trà, đến các quyển sổ “bí kíp võ công” Thiếu Lâm…
Tuy nhiên, các hoạt động thương mại hóa của Thiếu Lâm Tự không được nhiều người ủng hộ. Nhiều người cho rằng, Thiếu Lâm Tự đang dần đánh mất đi bản sắc của mình.
Nhưng dù thế nào đi nữa, Thiếu Lâm Tự hiện nay đã và đang thực hiện rất tốt việc giữ gìn truyền thống Phật giáo và võ học của người Trung Quốc. Không chỉ các công dân bản địa mà còn rất nhiều người trên thế giới đều biết đến và mong muốn được tiếp thu môn võ có truyền thống lâu đời này.
Có thể bạn quan tâm: Hé lộ cách luyện tập tuyệt chiêu “Thiết đầu công” của Sư Thiếu Lâm
[jwplayer player=”1″ mediaid=”63606″]
Theo Trí Thức Trẻ