(VoThuat.vn) – Khi ngồi trên khán đài nhìn xuống sàn thi đấu, tôi thấy sáng lên trong mắt người võ sĩ một khát vọng chiến thắng mãnh liệt, một tinh thần thép. Trên sàn đấu, họ cường uy và dũng mãnh nhưng ít ai thấy được bên trong lớp da thịt đầy cường tráng đó chất chứa vô vàn những tâm tư.
- Kata Judo Quân đội: Lá cờ đầu của Judo Kata Việt Nam
- Võ thuật giúp hàng ngàn trẻ em Brazil có cuộc sống tốt hơn
Thời gian gần đây, võ thuật Việt Nam không ngừng phát triển. Những cái tên quen thuộc của võ thuật như võ cổ truyền và Vovinam dường như đã không còn quá xa lạ với người Việt Nam. Võ thuật không những chỉ giúp nhân dân ta đánh giặc giữ nước, dựng nước bao đời, không chỉ là rèn luyện sức khỏe, phòng vệ bản thân. Ngày nay, võ thuật còn là một nghề để người ta mưu sinh.
Mưu sinh bằng nắm đấm, thô mà thật
Khác với võ cổ truyền, Vovinam đề cao tinh thần thượng võ, lưu giữ tinh hoa võ thuật nước nhà, Boxing (quyền Anh), MMA (võ tổng hợp) hay Muay Thái là những môn võ có tính chiến đấu cao chính là dùng nắm đấm để kiếm tiền.
Boxing, MMA và Muay Thái là những môn võ được du nhập từ nước ngoài. Nói một cách dễ hiểu, đây là những môn võ chỉ để đánh nhau. Sinh sau đẻ muộn ở Việt Nam nhưng bây giờ đi đâu cũng có thể tìm thấy những phòng tập của các môn võ này. Số lượng võ sinh theo học ngày càng nhiều và lượng người hâm mộ cũng ngày càng đông đảo hơn.
Tại nước ngoài, những võ sĩ thi đấu những môn võ này được xem như một “cỗ máy kiếm tiền”. Một trận đấu đỉnh cao của có thể giúp cho võ sĩ mang về cả trăm triệu đô la. Gấp vài chục lần một siêu sao bóng đá cỡ như Ronaldo hay Messi kiếm trong một năm. Điển hình có thể kể đến là trận đấu tỉ đô giữa “Độc cô cầu bại” Floyd Mayweather và Manny Pacquiao. Mỗi võ sĩ bỏ túi hơn 300 triệu đô. Khán đài thì luôn được lấp kín cho dù vé vào không hề rẻ.
Tôi từng có cơ hội dự khán một giải đấu chuyên nghiệp lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam – Giải Boxing HBF 01. Sự kiện không chỉ có sự tham gia của các võ sĩ Việt Nam mà còn thu hút các võ sĩ nước ngoài đến thi đấu. Ngồi trên khán đài, xung quanh là 4 biển cổ động viên liên tục hò hét, cổ vũ cho từng pha tung đòn, tôi mới thấy được sự máu lửa của võ thuật là thế nào. Dưới võ đài, võ sĩ quyết tâm thắng trận, từng cú đấm, cú móc chắc nịch tung ra trong tiếng hò hét. Đủ thấy, môn võ này hấp dẫn dân Việt đến mức nào. Giờ tôi mới nhận ra, người Việt không chỉ mê bóng đá mà cũng cuồng xem đánh võ chẳng kém.
Thế nhưng sau sự hào nhoáng đó là cả một nỗi lòng nặng trĩu về những khó khăn, thách thức ở hiện tại và tương lai khi theo đuổi con đường trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp. Bởi đơn giản, làm nghề võ sĩ ở Việt Nam không giàu, cũng chẳng đủ nuôi sống bản thân. Thứ để các võ sĩ theo đuổi sự nghiệp là lòng tin vào tương lai và đam mê bất tận.
Vượt qua thử thách
Sau khi theo dõi sự kiện Boxing HBF, tôi có dịp quen biết được một nữ võ sĩ trong giải đấu này. Vốn được mệnh danh là “Nữ hoàng Muay Thái” của Việt Nam, Nguyễn Thị Thanh Trúc đã đạt được rất nhiều thành tích mà đỉnh cao là HCV thế giới 2013, vô địch giải bán chuyên thế giới 2017.
Tất nhiên, không có một thành quả nào mà không phải đánh đổi. Không có con đường nào đi đến vinh quang mà dễ dàng cả. Trong cuộc trò chuyện với nữ võ sĩ, tôi được biết trước khi chính thức theo đuổi con đường võ thuật này, cô đã từng có một chấn thương rất nặng ở đầu gối do tai nạn xe. Tưởng chừng mọi đam mê của Thanh Trúc đã phải tạm gác lại vì gia đình không cho cô theo đuổi con đường trở thành võ sĩ.
Trúc nói: “Sau vụ tai nạn đó, tôi hôn mê bất tỉnh, không biết chuyện gì đã xảy ra với mình, chỉ biết rằng sau khi tỉnh dậy tôi thấy chân mình bị gãy, bị bắt ốc, buộc vào tạ rồi treo lên. Lúc này, mọi người trong gia đình tôi đều lo lắng và nhất quyết khuyên ngăn tôi dừng lại ước mơ của mình là theo nghiệp võ thuật. Nhưng không, chính điều đó đã để lại trong tôi một nỗi ân hận vì bản thân đã không giúp được gì lại còn khiến gia đình lo lắng. Mọi thứ dường như không thể quật ngã được đam mê trong mình, tôi quyết định vào Sài Gòn và theo đuổi con đường võ sĩ để có thể chứng minh với gia đình rằng tôi sẽ thành công, sẽ cố gắng kiếm tiền nuôi mình và phụ giúp cho gia đình”.
Thanh Trúc đã gặp phải rất nhiều khó khăn vì những ảnh hưởng từ chấn thương cũ. Sau một thời gian thi đấu với cường độ cao, Thanh Trúc liên tục dính chấn thương ở cả hai đầu gối. Đến năm 2017, Thanh Trúc buộc phải tạm dừng việc thi đấu khi gặp phải quá nhiều chấn thương từ dây chằng, sụn chéo đến tràn dịch khớp gối… Nhưng với số tiền hiện tại mà Trúc có thể kiếm được từ sau những trận đấu không đủ để trang trải cho việc chữa trị.
Trước ánh hào quang từ các giải đấu nước ngoài đã khiến nhiều người không khỏi nghĩ rằng làm võ sĩ sẽ có rất nhiều tiền. Ít ai biết được, mặc dù các môn võ này tại Việt Nam đã được rất nhiều người đón nhận tuy nhiên thực tế, võ sĩ chưa thể sống được bằng số tiền kiếm được từ những trận thi đấu như ở nước ngoài. Ở Việt Nam, chủ yếu chỉ có các giải nghiệp dư, bán chuyên mà số tiền võ sĩ kiếm được chỉ khoảng vài trăm cho đến 1-2 triệu đồng cho một trận đánh. Giải lớn hơn thì tiền kiếm được cũng chỉ khoảng 5-10 triệu đồng.
Với mong muốn có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống và tiếp bước cho đam mê của mình, Nguyễn Thị Thanh Trúc gần đây đã chuyển hướng sang kinh doanh. Cô gái quê Đắk Lắk cùng với những người bạn đã mở một quán sủi cảo mì ở quận Bình Tân. Quán tuy bé thôi nhưng đó là động lực cho Trúc trên hành trình tương lai. Từng đồng tiền thu về từ quán mì nhỏ sẽ giúp Trúc có điều kiện tiếp tục gắn bó với sự nghiệp võ sĩ của mình.
Không chỉ có Nguyễn Thị Thanh Trúc mà rất nhiều võ sĩ khác khi lựa chọn đi theo các môn võ này sẽ chỉ có một mơ ước là một ngày nào đó có thể nuôi sống bản thân bằng chính môn võ của mình.
Hay như câu chuyện của VĐV Nguyễn Thị Kim Hoàng, cô là VĐV của Vovinam Quân đội từ những năm 2010. Kim Hoàng từng được xem là cô gái vàng của Vovinam Việt Nam khi mang về 2 tấm HCV thế giới. Thành công là thế nhưng Kim Hoàng cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy mưu sinh kiếm sống. Trở thành một VĐV giỏi là điều Hoàng luôn khát khao nhưng trước tiên cô phải nuôi sống được bản thân đã.
Gần 4 năm nay, Kim Hoàng chọn cách kinh doanh giày online để kiếm thêm thu nhập. Trải qua 4 năm, tích góp được một số tiền từ việc buôn bán và thi đấu thì ngày 11/7 vừa qua, Kim Hoàng đã cho khai trương shop giày của mình. Không còn những ngày buôn bán online, cô gái vàng của Vovinam giờ đây đã có cho mình một cửa hàng rộng rãi, khang trang. Cửa hàng này sẽ là động lực cho Kim Hoàng phấn đấu hơn nữa trong tương lai. Hiện tại, cô đã chuyển sang công tác huấn luyện tại Quân khu 7.
Vất vả là thế, họ nhận lấy những vết thương trên mình, chảy máu, đớn đau, và thậm chí là cả tính mạng để đổi lấy số tiền ít ỏi còn không đủ để trị thương. Đứng giữa những khó khăn, có nhiều võ sĩ đã chấp nhận dừng lại nhưng vẫn còn đó những con người đủ mạnh mẽ, đủ nghị lực để có thể bước tiếp.
Khát vọng vinh quang
Để có thể đối diện với những khó khăn đó, họ đã giấu đi những nổi đau của mình để hóa khó khăn thành động lực và dùng động lực đó để vươn mình tới vinh quang.
Nghe chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đương đầu với thử thách đó. Để trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp phải trải qua một quá trình rèn luyện theo một chế độ bắt buộc của chuyên gia. Nếu không quyết tâm, họ rất dễ nản chí. Thời gian tập luyện, ăn uống và ngủ nghỉ chiếm phần lớn thời gian rảnh của võ sĩ chuyên nghiệp, buộc họ phải hy sinh. Quan trọng hơn, khi đã theo con đường chuyên nghiệp, họ buộc phải thành công để không biến những hy sinh của mình thành điều vô giá. Sự đánh đổi đó khiến rất nhiều võ sĩ đã phải lưỡng lự.
Là võ sĩ, chẳng ai không muốn bước lên võ đài, chẳng ai không muốn được thi đấu và kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân. Các giải đấu ở Việt Nam hiện nay chưa đủ giúp võ sĩ nuôi mộng làm giàu. Vì thế, những con người có đam mê mãnh liệt với võ thuật luôn cố gắng tập luyện để hy vọng có thể thi đấu trên các đấu trường quốc tế.
Khát vọng chạm đến đỉnh cao, đứng trên võ đài luôn là khát vọng lớn nhất của đời võ sĩ. Nhưng để chạm đến khát vọng đó, họ cần phải kiếm được tiền. Niềm khát khao lớn nhất của những người đam mê võ thuật là một ngày nào đó, họ được hưởng mức thù lao xứng đáng với mồ hôi, nước mắt và những điều quý giá mà họ đã đánh đổi.
Diệp Vân