Chuyện chưa kể về trùm giang hồ khét tiếng nhất Sài Gòn

Ba mất từ sớm, Lê Văn Đại (1940) bỏ nhà, bỏ học để lêu lổng khắp chốn thị thành. Từ một cậu nhóc đánh giày thuê, Đại thâu tóm quyền lực và trở thành một trùm giang hồ khét tiếng đáng sợ nhất Sài Gòn những năm 1960. 

Giai thoại hình xăm chữ “Nhẫn” trong giới giang hồ

Những quý ông “giang hồ” khét tiếng trên màn ảnh Việt

TỪ THỦ LĨNH ĐÁNH GIÀY…

Đại suốt ngày lang thang khu vực phía sau Hội trường Diên Hồng (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM). Lúc bấy giờ, ở góc đường có rạp chiếu bóng tên Cathay. Ở đây Đại kết thân với đám nhóc bụi đời làm đủ thứ nghề như bán báo, đánh giày, bán kem…

Từ nhỏ, Đại đã tỏ ra là một cậu bé du đãng khi thường xuyên luồn lách vào các sạp hàng trong chợ để trộm cắp dưa, chuối… về cho đồng bọn ăn. Những lần ẩu đả với băng khác Đại dẫn đầu nhóm đánh giày đều đánh thắng nên được tôn làm đại ca. Ban ngày rong ruổi khắp nơi đánh giày, gây lộn, tối về lại rủ nhau ngủ sau rạp chiếu bóng. Cũng từ đó, Đại được gọi là Đại Cathay.

Đại Cathay trên đường phố Sài Gòn trước 1975. Ảnh tư liệu.
Đại Cathay trên đường phố Sài Gòn trước 1975. Ảnh tư liệu.

Sau nhiều lần đánh thắng đám lớn hơn, Đại Cathay nghỉ đánh giày ở nhà hưởng thụ và phân công công việc cho từng đứa đi bán báo, đánh giày… Khi chia tiền, Đại rất sòng phẳng, ai cũng được chia đều. Nếu không may gặp mưa ướt hết không bán được, Đại lấy tiền chung bù vào. Tính nghĩa hiệp lớn, ngày càng có nhiều trẻ bụi đời tìm về quy phục dưới trướng thủ lĩnh băng đánh giày này.

… ĐẾN TRÙM GIANG HỒ KHÉT TIẾNG NHẤT SÀI GÒN

Tiếng tăm Đại Cathay ngày một lớn, lan sang cả những khu vực lân cận. Tuy nhiên đến khoảng năm 1955, khu vực rạp Cathay bị thu hồi quy hoạch lại, băng đánh giày không còn chỗ trú nên cả đám dạt sang khu vực Cầu Ông Lãnh  – Khu Dân Sinh  – Cầu Muối (gọi chung là khu Da Heo), bất chấp đây là nơi thuộc quản lý của Tám Lâu – một đàn anh giang hồ máu mặt hơn Đại Cathay lúc bấy giờ.

Tám Lâu là một người hết sức tàn nhẫn, chuyên đi thu gom tiền bảo kê khắp nơi, ai không cống nạp cho hắn thì bị đánh đập không thương tiếc. Hắn và đám đánh giày nhiều lần chạm mặt nhưng Đại Cathay vẫn không sợ hãi, mà còn có gan cự cãi. Tưởng rằng sẽ gây ra vụ thanh toán đẫm máu nhưng không ngờ sau đó Tám Lâu lại thấy nể phục và yêu mến. Hắn rủ Đại về rồi chia cho một vài địa bàn quản lý.

Vẻ ngoài thư sinh của Đại Cathay. Ảnh tư liệu
Vẻ ngoài thư sinh của Đại Cathay. Ảnh tư liệu

Ngày đó, khu Da Heo của Tám Lâu thường xuyên bị nhóm giang hồ Bé Bún cầm đầu ở quận 4 lấn sân. Tám Lâu ngại vì băng này quân số đông hơn, nhưng Đại Cathay lại táo tợn tuyên bố: “phải cho tên cầm đầu nhập viện mới khống chế đại cuộc”.

Sau trận phục kích bị Đại đâm thủng ruột, Bé Bún nhập viện còn đàn em thì như rắn mất đầu. Từ đó, Đại chính thức lên nắm quyền thay Tám Lâu làm “ông chủ” của khu vực Da Heo, lúc ấy cậu ta chưa tròn 20 tuổi.

Tiếng tăm của Đại Cathay ngày một vang xa, người dân lẫn các băng nhóm giang hồ đều sợ hãi trước uy quyền của y. Đến năm 1960, Đại Cathay đã trở thành ông trùm khét tiếng ở Sài Gòn, bảo kê hầu hết các tụ điểm ăn chơi như nhà hàng, khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, sàn nhảy ở quận 1, 2 và 3. Để có được địa điểm thuận lợi và giúp sức trong các cuộc làm ăn, cạnh tranh kinh doanh, nhiều nhà doanh nghiệp cũng tự nguyện đút tiền cho băng nhóm của Đại.

Cũng trong thời gian này, Đại Cathay hợp tác với Bảy Si (là tội phạm có tiếng, anh vợ Năm Cam, cha của Thọ Đại úy, ông nội của Nguyễn Hữu Thịnh; Thọ và Thịnh đều bị tử hình trong vụ án Năm Cam) để mở nhiều sòng bài thu tiền xâu.

Còn tiếp…

 Nhật Vũ