Ba em anh em thủ lĩnh Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ (sau này là vua Quang Trung) không chỉ được đề cập trong lịch sử Việt Nam như những người anh hùng có công dẹp yên loạn lạc bằng tài quân sự. Các ông còn được sử sách ghi nhận là những người có công lớn trong việc hình thành võ phái Tây Sơn Bình Định, một trong những dòng võ có tầm ảnh hưởng lớn của làng võ Việt.
Nín thở với màn biểu diễn của Chưởng môn Võ Ta – Tây Sơn Bình Định
Võ sĩ Tây Sơn Bình Định đam mê nhạc rock
Tương truyền Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều ‘vốn là những người rất giỏi võ nghệ và là những người khai sáng ra một số võ phái Bình Định. Nguyễn Huệ khai sáng Yến phi quyền, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, và cả ba anh em Tây Sơn sáng tạo Độc lư thương. Tây Sơn tam kiệt có vai trò rất lớn cho sự hình thành, phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định, là những đầu lĩnh sáng tạo, cải cách các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa.
Tuy nhiên, đó là những sử liệu chỉ bắt đầu được ghi chép từ sau khi ba anh em nhà Tây Sơn đứng lên khởi nghĩa. Còn trước đó, chúng ta phải nhắc đến một nhân vật khác, người đã làm nên tài nghệ võ thuật của ba em Tây Sơn: Trương Văn Hiến.
Trương Văn Hiến là người Nghệ An, không rõ năm sinh – mất. Có thuyết nói rằng ông là anh em con chú con bá với Trương Văn Hạnh (là một đại thần thờ chúa Nguyễn Phúc Khoát); có thuyết rằng ông chỉ là học trò của ông ấy. Không có tài liệu ghi chép rõ ràng về tài nghệ của Trương Văn Hiến. Trong tập truyện thơ Nôm Tây Sơn danh tướng anh hùng truyện, thầy giáo Hiến chỉ được mô tả là người “văn võ toàn tài”. Tuy nhiên, từ xuất thân của ông, có thể đoán chừng võ thuật của ông đa phần được học từ các dòng võ cổ truyền Việt Nam tại miền Trung.
Tháng 7 năm 1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, để lại di chiếu nhường ngôi cho công tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân. Tuy nhiên, do biết Phúc Luân là người thông minh, quyết đoán khó lấn quyền được nên Trương Phúc Loan đã âm mưu cùng Thái giám Chữ Đức (khuyết họ) và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông bắt giam công tử Luân, giết chết hai thầy học của Phúc Luân là Nội hữu Cai cơ Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỷ, đồng thời giả chiếu chỉ đưa công tử thứ mười sáu là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa xưng hiệu là Định Vương. Khi ấy, Trương Văn Hiến sợ bị vạ lây bèn bỏ vào Nam.
Trên đường đi, Trương Văn Hiến có vào nghỉ chân trong một ngôi chùa, và trò chuyện với sư trụ trì Trí Viễn. Theo lời khuyên của thiền sư, Trương Văn Hiến vào Quy Nhơn lập nghiệp.
Nguyên tại ngoại thành Quy Nhơn có một bậc phú gia tên Phan Nghĩa, vốn là người đôn hậu, giao thiệp rộng rãi. Một hôm, ông Hiến bất ngờ thấy nhà ông Nghĩa bị kẻ cướp đến phá phách, nên xông vào cứu nguy, bảo toàn được cơ nghiệp cho họ Phan. Cảm ơn nghĩa ấy, ông Nghĩa đã giúp cho ông Hiến mở trường dạy văn và dạy võ ở Tuy Viễn.
Nghe tiếng đồn ông Hiến là thầy giỏi, ông Hồ Phi Phúc liền cho ba người con đến học. Ba người con ấy, sau đổi sang họ Nguyễn, rồi trở thành ba thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đó là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Có tài liệu cho rằng, trong suốt quá trình dựng nghiệp của anh em Nguyễn Nhạc, ông Hiến chỉ góp ý chứ không trực tiếp tham gia dù được họ thiết tha mời. Tuy nhiên, cũng có những văn bản lịch sử khác cho rằng chính Trương Văn Hiến là người đã khuyến khích ba em Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.
Những thế võ bí truyền của Tây Sơn – Bình Định.
[jwplayer player=”1″ mediaid=”113959″]
Phạm Vũ