Donga là nghi lễ của người Suri (Surmas), một tộc người thiểu số sinh sống ở miền nam Ethiopia, phía bờ tây dòng sông Omo.
Hàn Quốc chọn võ thuật để quảng bá văn hóa đất nước
Capoeira – không chỉ là võ thuật, mà còn là văn hóa Nam Mỹ
(Lưu ý: Bài viết chứa nội dung nhạy cảm, cân nhắc trước khi xem)
Nếu so sánh với các bộ môn võ thuật khác, Donga không phải một môn võ vì không có hệ thống kỹ thuật thống nhất mà chỉ có một số điều luật thi đấu đơn giản. Mặt khác, Donga có thể xem như một phần văn hóa truyền thống của Ethiopia, một nghi lễ dùng để kỉ niệm mùa thu hoạch, giúp các chàng trai chọn người yêu hoặc đơn giản là để… giải quyết mâu thuẫn.
Donga được tổ chức sau mùa gặt. Họ sẽ chọn một thân cây để khắc các dấu đều nhau lên đó, đếm ngày tổ chức Donga. Ví dụ thân cây đó đủ chỗ để khắc 8 dấu như thế này, buổi Donga sẽ được tổ chức vào ngày thứ 8 trong tháng.
Có nhiều buổi Donga quy tụ hàng trăm chiến binh từ những ngôi làng của người Suri, nhưng cũng có một số đông các buổi đấu chỉ có khoảng 10 người tham gia. Du khách nước ngoài cũng được quyền đến xem hoặc thậm chí tham dự các trận Donga. Theo lời các hướng dẫn viên du lịch bản địa, đó là “Một lựa chọn liều lĩnh cho khách du lịch, một hành trình từ bỏ Internet, điện thoại, TV và đến với những chiến binh khỏa thân”.
Một ngày trước nghi lễ Donga, các chiến binh phải tự thanh tẩy cơ thể mình. Họ uống Dokai – một loại nước đặc biệt được làm tự nhựa một số loại cây và hòa với nước. Sau khi uống, họ phải tự làm mình nôn ngược thứ nước đó ra. Cách làm này được tin là khiến cơ thể con người có thể loại bỏ độc tố và các tạp chất. Sáng hôm sau, các chiến binh không được quyền ăn bất cứ thứ gì trước khi tham gia Donga, trừ việc uống máu bò. Họ cũng được quyền uống rượu và thi đấu trong trạng thái say – một cách để làm tăng lòng can đảm.
Để uống máu bò, người Suri sẽ dùng một mũi tên nhỏ chọc rách động mạch cổ của bò và lấy một lượng máu vừa đủ cho các chiến binh nhưng cũng không làm chết con vật. Các chiến binh Suri tin rằng uống máu bò sẽ cung cấp năng lượng, dưỡng chất thích hợp. Nhiều dân tộc khác ở châu Phi cũng có tập tục uống máu bò trước những chuyến đi săn dài ngày. Tuy đây là một việc làm quen thuộc, nhiều người vẫn không chịu được mùi vị của máu bò và đôi khi nôn ngược trở ra.
Các chiến binh từ cùng một làng sẽ đến trận Donga cùng nhau. Họ chọn ra người giỏi nhất, nhảy múa, ca hát và đôi khi bày tỏ ý thách thức các nhóm chiến binh từ những làng khác. Khi băng qua những dòng sông, con suối, họ sẽ dừng lại và dùng đất sét để vẽ hình lên cơ thể. Đối với người Suri nói riêng và người châu Phi nói chung, vẽ hình lên cơ thể là một phần nghệ thuật và văn hóa đặc sắc, giúp họ bày tỏ sức mạnh và vẻ đẹp cá nhân.
Một số chiến binh đội mũ đan bằng vải màu sặc sỡ, lông chim cũng như mang bảo hộ quanh cổ, đầu gối, cùi chỏ, cẳng tay và ống chân. Tuy nhiên, theo truyền thống của người Suri, những chiến binh tham gia Donga mà không mang bảo hộ cũng như hoàn toàn khỏa thân mới là những người can đảm thực sự. Đó cũng là những người thường được các cô gái chấp nhận hẹn hò sau khi trận Donga kết thúc.
Khi bắt đầu Donga, các chiến binh sẽ tự đi tìm đối thủ cho mình. Họ thường chọn những người có cùng vóc dáng hoặc người đã có mâu thuẫn từ trước. Họ sẽ nhổ nước vào lưng những người họ chọn để thách thức. Nếu cả hai cảm thấy sẵn sàng, họ sẽ nhảy vào khoảng sân Donga để thi đấu.
Luật của Donga cũng tương đối đơn giản: các chiến binh được quyền quật gậy vào bất cứ phần nào trên cơ thể đối thủ. Khi đối thủ ngã xuống, đó là dấu hiệu của sự đầu hàng hoặc thua tuyệt đối – người chiến thắng không được tiếp tục tấn công. Ngoài ra, các chiến binh cũng không được quyền giết chết đối thủ, bất kể là vô tình hay cố ý. Nếu đối thủ của họ chết trong trận đấu, gia đình của người chiến thắng phải bồi thường 20 con bò hoặc một cô gái.
Với việc sử dụng vũ khí nhưng ít bảo hộ, các trận Donga thường kết thúc với nhiều vết cắt chảy máu trên khắp cơ thể những chiến binh. Tuy nhiên, theo truyền thống của người Suri, họ không được phép thể hiện cơn đau của mình dù chỉ là một tiếng kêu la. Đó là sự tự hạ thấp bản thân và chứng minh rằng họ không hề can đảm.
Sau trận Donga, người chiến thắng được quyền đi một vòng quanh khán giả để chọn cô gái mà họ muốn hẹn hò bằng cách dùng gậy chỉ vào người cô ấy. Cô gái được chọn cũng được quyền từ chối bằng cách bỏ đi hoặc đặt vòng cổ lên cây gậy để bày tỏ sự đồng ý.
Ngày nay, Donga cũng như nhiều phong tục khác của người châu Phi đang bị đe dọa nặng nề bởi sự hội nhập văn hóa nước ngoài. Nhiều người trẻ bắt đầu xa rời những thứ “man rợ” này khi bắt đầu nhìn nhận nó theo con mắt của người phương Tây. Đây không chỉ là vấn đề đau đầu của Ethiopia mà còn của nhiều quốc gia khác ở “lục địa đen” này.
Hồ Võ