Người của đời thường rất cần chữ Tâm, con nhà võ làm trọng tài lại cần chữ Tâm nhiều hơn nữa. Chữ Tâm ở đây không phải là manh tâm, dã tâm, ác tâm… mà là lương tâm, thiện tâm, công tâm.
Herb Dean: Những điều chưa biết về người trọng tài tốt nhất MMA
Bất ngờ với quyết định sai lầm của trọng tài
Thật đau lòng khi chứng kiến những võ sĩ của chúng ta bật khóc tức tưởi ngay khi trọng tài phát thanh công bố kết quả quá vô lý của trận đấu vừa khép lại, chỉ vì sự không công tâm của trọng tài.
Thật nản lòng và vô cùng hụt hẩng khi những vận động viên thi quyền của chúng ta ôm mặt, gục khóc đầy uất ức chỉ vì phải chấp nhận một kết quả cực kỳ vô lý do sự không công tâm của giám khảo.
Có người nói: Vấn đề trọng tài là vấn đề muôn thuở, nói làm chi cho mệt. Ở những môn thi đấu thể thao nào khác thì không dám nói nhưng ở môn thi đấu võ cổ truyền thì sự không công tâm của trọng tài dẫn đến những kết quả gây oan uổng, uất hận, tức tưởi cho võ sĩ, vận động viên là điều sỉ nhục nhất. Tại sao vậy?
Tại vì những người làm trọng tài đều là những người đã và đang làm thầy, và họ là người có quyền quyết định kết quả thi thố được đánh đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt của những người có vai vế và tuổi tác bằng con, em, cháu, học trò của họ. Về nguyên tắc, họ không phải là những anh kỹ thuật viên được đào tạo để sử dụng vào việc chấm điểm mà họ là những người thầy được nhìn nhận là có chuyên môn cao, có kiến thức rộng, có uy tín trong võ giới.
Việc làm sai lệch kết quả trận đấu, kết quả cuộc thi không phải do trọng tài, giám khảo yếu kém chuyên môn mà là do họ cố tình bẻ cong ngòi bút vì chỉ nghĩ đến “lợi lộc cá nhân” hoặc vì “sợ những thế lực ma quỉ”.
Đã là con người thì không ai hoàn thiện, không ai tránh khỏi sai sót. Đúng như vậy, nhưng “không hoàn thiện” và “sai sót” hoàn toàn khác với “không công tâm”.
Với những người từng trải nghiệp võ, theo đuổi nghiệp võ từ thời niên thiếu đến tuổi bạc đầu, những người đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt để bảo vệ sự trong sáng của võ cổ truyền dân tộc, dứt khoác không thể không thấy sự ngụy biện, lấp liếm của những trọng tài, giám khảo thiếu lương tâm khi họ nói rằng “ai mà không sai sót”.
Trước hết, những người được giao nhiệm vụ làm trọng tài, giám khảo cần thấy mà tự hào rằng mình đang có được vinh dự rất lớn lao, được nhiều người tôn kính. Cái vinh dự ấy, sự tôn kính ấy có giá trị không gì sánh bằng và nó sẽ mãi mãi là của mình nếu mình không để cho tiền bạc, lợi lộc đánh đổi.
Người làm trọng tài, giám khảo cần thấy rằng “quan nhất thời, dân vạn đợi”. Nói quan ở đây là “quan tòa”, là người có quyền phán xét.
Làm trọng tài, giám khảo mà công tâm thì đó là những vị quan phụ mẫu của dân, là tấm gương sáng đời đời, là người được thụ hưởng lòng kính yêu, tôn quí không tiền bạc nào mua được của các thế hệ võ sĩ, vận động viên thi đấu và võ giới.
Làm trọng tài, giám khảo mà không giữ được cái tâm trong sáng thì chỉ lưu lại tiếng xấu lâu dài, khi hết làm trọng tài, giám khảo, đi đâu cũng phải giả điếc, làm ngơ vì lời dè bỉu, coi thường của võ lâm đồng đạo.
Suy nghĩ kỹ về những điều đó thì không một áp lực nào có thể làm người trọng tài, giám khảo đánh mất sự công tâm. Khi làm công tác trọng tài, giám khảo, giám định, dù võ sĩ, vận động viên đang thi đấu trên đài, trên thảm là con, em, là học trò, vận động viên đội tuyển của ông chủ tịch, ông tổng trọng tài, ông trưởng ban chuyên môn hoặc của bất cứ ai cũng phải được đối xử công bằng như đối với học trò của các vị thầy khác, các đơn vị khác.
Thế hệ trẻ ngày nay có trí tuệ, nhiều kiến thức, rất năng động là nguồn nhân lực bổ sung to lớn và rất quí cho công tác phong trào. Chúng ta (từng tổ chức Hội, Chi hội, võ đường, câu lạc bộ) cần giành nhiều thời gian giảng giải, dạy bảo cho võ sinh, võ sĩ của mình về sự công tâm, về lòng tự trọng để mai này các em, các cháu trở thành những trọng tài, giám khảo chân chính, làm rạng rỡ cho tổ chức Liên đoàn, Hội, võ đường, cho thầy và cho võ cổ truyền dân tộc.
Làm được như thế sẽ làm thay đổi suy nghĩ của nhiều trọng tài, giám khảo “tay trót nhúng chàm”, sẽ lấy được lòng tin của các cấp lãnh đạo, của nhân dân để phong trào võ cổ truyền ngày càng có điều kiện được hỗ trợ để phát triển.