Từ một môn võ được đánh giá cao ở khả năng chiến đấu, Thái Cực Quyền có nhiều biến đổi theo thời gian và mất dần đi tính thực chiến của mình. Thất bại trước MMA là hồi chuông cảnh tỉnh để giới võ thuật nhìn nhận lại mức độ thực dụng của Thái Cực.
Ngũ Doãn Long: Cao thủ Vịnh Xuân thực chiến ngang ngửa Chân Tử Đan
Võ thuật Trung Quốc lép vế trên sàn MMA thế giới
ĐÃ TỪNG LÀ MÔN VÕ CHIẾN ĐẤU
Nhắc đến Thái Cực, nhiều người vẫn lầm tưởng môn võ này xuất hiện hư cấu trong các tác phẩm của Kim Dung. Thực tế, nguồn gốc của TCQ vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Theo nhiều tài liệu, TCQ được ra đời cách đây hơn 300 năm do sự sáng tạo của một người họ Trần ở Trần Gia Câu, huyện Ôn, tỉnh Hà Nam, tên là Trần Vương Đình. Tại Việt Nam, cùng với sự phổ biến của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung trong đó có nhắc tới việc Trương Tam Phong là người đầu tiên nghĩ ra TCQ, nhiều người tin rằng ông tổ của môn võ này chính là Trương Tam Phong. Tuy nhiên, với sự phổ biến của cuốn Thái cực quyền phổ do Vương Tông Nhạc đời Càn Long viết ra, và ảnh hưởng của cuốn sách này đến các hệ phái TCQ về sau, các học giả ngày càng nghiêng về khả năng Vương Tông Nhạc mới là người khai sáng TCQ.
Dù chưa rõ về nguồn gốc nhưng theo nhiều chuyên gia võ học, đây vẫn là môn võ đề cao tính chiến đấu trong thực tế. Để chứng minh cho điều này, ta có thể kể đến một số nhân vật từng khiến giới võ lâm khiếp đảm vì khả năng của mình.
Người đầu tiên cần nhắc đến đó là Dương Lộ Thiên, quê ở Hà Bắc theo học TCQ hệ Trần thức. Ông nổi tiếng là người đánh đâu thắng đó nhưng đặc biệt không gây tổn thương cho đối thủ. Đó mới là điều làm người ta nể phục. Một câu chuyện khá thú vị kể về Dương Lộ Thiên đó là trong phủ của ông có nhiều đô vật và võ sĩ đấm bốc. Tất cả đều muốn so tài cao thấp với họ Dương nhưng đều bị ông từ chối. Một ngày nọ, có một đô vật đến xin thách đấu vật tay, Lộ Thiên đành chấp nhận. Khi trận đấu bắt đầu, Dương rất bình tĩnh trong khi đối thủ tỏ ra đuối sức. Sức mạnh của Lộ Thiên không thể hiện ra bên ngoài mà dùng nội lực từ bên trong cơ thể, khiến đối thủ mất nhiều sức nhưng không thể chiến thắng.
Một nhân vật nữa cũng được biết đến rộng rãi là Ngô Công Nghi. Tại Trung Quốc, Công Nghi nổi tiếng vào những năm 1940. Thời gian này, nhiều võ sĩ môn phái Bạch Hạc thường xuyên gây chiến, xúc phạm đến Thái Cực. Họ muốn đấu một trận với TCQ để phân cao thấp. Chưởng môn Bạch Hạc phái là Trần Khác Phu có trận tỷ thí với chưởng môn Ngô Công Nghi của TCQ.
Lúc đó, Khác Phu đánh giá cao ở khả năng thực chiến và trẻ tuổi hơn. Nhưng khi bước vào trận đánh, ông bị Công Nghi khắc chế, ra đòn tấn công khiến máu chảy đầy mặt. Trọng tài cho dừng trận đấu và xử kết quả hòa, nhưng từ trong tâm Khác Phu ông biết đối thủ đã nhường mình, do đó, ông rất nể phục trước sự lợi hại của TCQ.
Còn rất nhiều cái tên khác có những trận đánh để đời và khiến giới võ thuật không dám xem thường mức độ lợi hại của TCQ trong thực chiến. Điều khiến người ta nể TCQ đó là trong chiến đấu ít khi làm tổn thương đối thủ, điều mà ít môn võ nào làm được.
…THỰC TẾ PHŨ PHÀNG
Từng là môn võ mang nặng tính chiến đấu nhưng hiện nay phần lớn người tập Thái Cực chủ yếu để rèn luyện sức khỏe là chính. “Do nhu cầu phát triển của xã hội, việc tập võ giờ đây không mang nặng tính đối kháng như ngày xưa. TCQ cũng vì thế mà mất dần đi vị thế của mình, không còn chú trọng thực chiến mà đề cao rèn luyện khí công để tăng sức khỏe”, võ sư Thái Cực Thiều Ngọc Sơn khẳng định.
Để tập TCQ chiến đấu, bản thân người tập phải mất rất nhiều thời gian. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để theo đuổi lâu dài cho môn võ truyền thống vốn không phổ biến trên các sàn đấu quốc tế. Tại Trung Quốc nói riêng và nhiều nơi trên thế giới nói chung, TCQ mang biểu tượng là giá trị văn hóa lịch sử nhiều hơn là môn võ thực chiến. Ngay cả chính phủ nước này cũng từng đưa TCQ áp dụng rộng rãi vào đời sống để người dân có thể tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe.
Từ đó, TCQ với bài quyền 24 động tác ra đời, được người dân tập luyện ở mọi nơi, nhất là những người lớn tuổi. Cũng chính vì thế mà người ta có quan niệm TCQ chỉ để diễn hay thích hợp với tập dưỡng sinh. Là môn võ đề cao chiến đấu nhưng trải qua nhiều biến cố lịch sử, TCQ đang trở thành một công cụ để tập luyện nâng cao sức khỏe. Vì thế, trong trận đấu với MMA hiện đại vốn mạnh về thực chiến, võ sư TCQ dễ dàng thua cuộc.
Hiện nay, nhiều võ sư tự ý tập luyện và mở ra các hệ phái riêng biệt khiến cho TCQ vốn không rõ nguồn gốc càng trơ nên lộn xộn. Các võ đường hay CLB đều chú trọng đến sức khỏe chứ chưa bao giờ đẩy mạnh đối kháng. Các môn sinh bước ra từ những nơi như vậy không thể áp dụng vào thực tế cũng là điều dễ hiểu.
Các chuyên gia võ thuật cho rằng để luyện tập Thái Cực Quyền đúng nghĩa, chúng ta nên tìm tới những sư phụ có phong cách khiêm nhường và cương nghị, để tiếp thu được nội lực cũng như khả năng chiến đấu hiệu quả của môn võ này.
V.Đ