Đề cập về võ lâm Sài Gòn – Chợ Lớn không thể không nhắc đến môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật (TLCTTLP), tổ đường đặt tại 104 Tân Khai, P4Q11 với đại gia đình gồm 10 anh em võ sư họ Huỳnh: Chí Cường, Chí Quyền, Chí Thắng, Chí Lợi, Chí Dân, Chí An, Chí Hữu, Chí Phước, Chí Mãng, Chí Đường, trong đó người thứ năm – võ sư Huỳnh Chí Dân (SN 1962) nắm quyền chưởng môn TLCTTLP từ năm 2004 cho đến nay.
Khi võ cổ truyền Việt lên page võ thuật nước ngoài
Võ cổ truyền – Phương pháp tập quyền và chiến đấu
Tổ sư môn phái TLCTTLP Đặng Văn Thành trong thế “Tiên nhân chỉ lộ”
Người đưa Thái Lý Phật vào Việt Nam
TLCTTLP bao gồm: Thái Gia, Lý Gia và Phật Gia. Ông Trần Hưởng Công – cận vệ của Lâm Tác Từ – Tổng đốc Lưỡng Quảng (Hồng Kông – Quảng Tây, Hồng Kông), từng theo học võ với các nhà sư Thái Phúc, Lý Hữu Sơn và Ngũ Kinh Tăng (biệt danh Thanh Thảo thiền sư). Khi thụ đắc võ công, ông “xuống núi” bắt đầu truyền bá các tuyệt kỹ đã học được, gọi tên môn phái là TLCTTLP (hai ông họ Lý và họ Thái đã hoàn tục, riêng Thanh Thảo thiền sư về ẩn tu tại Bát Bài Sơn – Quảng Tây, Hồng Kông). Tuyệt kỹ của từng môn có thể thu gồm trong mấy chữ: Thái gia mã (bộ chân, tấn pháp), Lý gia quyền (thủ pháp), Phật gia chưởng (nội công, khí công, điểm huyệt), mỗi “nhà” đều có những tuyệt kỹ ảo diệu.
TLCTTLP do tổ sư Trần Nhất Minh đem từ Hồng Kông vào Việt Nam năm 1932. Sau một thời gian dạy tại các tư gia người Hoa ở Chợ Lớn, năm 1939 Trần võ sư chính thức mở lò võ truyền bá rộng rãi môn phái TLCTTLP tại đường Lý Thành Nguyên (nay là Đỗ Ngọc Thạch, P4Q11), đào tạo nhiều võ sĩ khét tiếng như Đường Chấn Quang, Trần Thế Vinh… Tổ sư Trần Nhất Minh quá vãng năm 1985, thọ 81 tuổi.
Năm 1933, một bậc cao thủ TLCTTLP là Đặng Văn Thành từ Quảng Châu – Hồng Kông qua Việt Nam truyền dạy môn võ công này tại khu chợ Thiếc (P6Q11). Võ sư Đặng Văn Thành, còn gọi là Đặng Tây (Tằng Sấy) sinh năm 1915 tại Đặng gia thôn, huyện Phan Ngư, tỉnh Hồng Kông – Hồng Kông. Giới võ lâm Chợ Lớn trìu mến gọi ông là Sấy Bạc (bác Tây). 5 tuổi, ông học Thiếu Lâm Hồng Gia với chú ruột là Đặng Tân, 8 tuổi thọ giáo võ thuật của sư phụ “Thần Thủ Đàm Tam” – biệt danh Bắc Thắng Thái Lý Phật, chưởng môn nhân đời thứ tư Thiếu Lâm Phật Gia quyền. Sau 9 năm miệt mài khổ luyện, Đặng Văn Thành tinh thông quyền cước, binh khí, trong đó có các tuyệt kỹ như Thiết chỉ (thủ pháp đánh bằng ngón trỏ), Cầm nã thủ… Năm 17 tuổi, do hạ đo ván võ sư Nhật Kanashi (vô địch karate và judo) tại Hội Tinh võ Quảng Châu, nên dẫn đến xung đột giữa người dân Quảng Châu và quân đội Nhật, một đêm tháng 12-1932, Đặng Tây cùng người cô ruột xuống thuyền vượt biển trốn chạy đến Vũng Tàu rồi Chợ Lớn, trở thành một trong hai sứ giả đầu tiên đưa TLCTTLP vào Việt Nam. Ông sống bằng nghề đan giỏ ở đường Trần Quý, P6Q11, sau đó mở võ đường tại nhà riêng ở khu Nhị Tì Hồng Kông (nay là đường Lãnh Binh Thăng, Q11), trong các bài võ mà ông truyền dạy, đặc sắc nhất là các bài Thập tam gia tỏa (13 thế mở khóa) mà nhân vật Võ Tòng trong truyện Thủy Hử từng áp dụng, Phụng hoàng tiêu (đánh bằng cây tiêu, sáo), Kim long phiến (đánh bằng quạt không mở), Hồ điệp phiến (mở quạt ra đánh), Bàng long phất tử (đánh bằng cây phất trần)… Năm 1978, ông thành lập đội lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường (Nghĩa bất hậu nhân tức làm việc nghĩa phải trước mọi người) gồm 70 thành viên tinh thông quyền cước và binh khí. Trong số học trò ruột của võ sư Đặng Văn Thành, ngoài “Thắng Nghĩa Huỳnh gia mãnh hổ” – 10 anh em nhà họ Huỳnh còn có hai anh em Dương Cẩm An, Dương Cẩm Nguyên, Huỳnh Gia Bá, Lương Khải Bình, Liêu Quốc Hoa… Tổ sư Đặng Văn Thành qua đời năm 2004, thọ 90 tuổi.
Võ đường TLCTTLP và đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường “đóng căn cứ” tại CLB Lệ Chí (7 Hải Thượng Lãn Ông, P13Q5) suốt 30 năm qua, do ba anh em võ sư Huỳnh Chí Lợi, Huỳnh Chí Dân, Huỳnh Chí Phước và Huỳnh Chí Mãng trực tiếp đào tạo, huấn luyện võ thuật cho môn sinh (từ cơ bản đến nâng cao), dạy các đòn thế tự vệ chiến đấu, luyện binh khí, nội công, khí công) từ 20 đến 21 giờ 30 các ngày trong tuần (trừ chủ nhật), thu hút hàng trăm thanh thiếu niên theo học. Hai người con của chưởng môn Huỳnh Chí Dân là Huỳnh Gia Bửu, Huỳnh Gia Lương cùng các con cháu của đại gia đình họ Huỳnh đều theo nghiệp võ.
Hai anh em võ sư Huỳnh Chí Dân (trái) và Huỳnh Chí Mãng
Các bài quyền nổi tiếng
Võ đường TLCTTLP không có đai cấp, trình độ môn sinh được khẳng định do công phu, khổ luyện từ thấp lên cao dần, càng lên cao đòn thế càng phức tạp đòi hỏi tốn nhiều thời gian công sức. TLCTTLP đặc trưng ở tập mã bộ (tức là tập sức đôi chân như tấn pháp, cước pháp), thủ pháp (các đòn tay gồm Thập đại thủ pháp) với “Xuyên náo cầm nã thủ”, “Trường kiều đại mã” ra đòn nhanh chuẩn xác và có lực. Ngay từ sơ cấp, môn sinh TLCTTLP đã được tập đấm đá bao cát, đấm đá có gắn tạ ở tay, chân do đó thủ, cước pháp cực kỳ mãnh liệt khi tung đòn. Một số bài quyền tiêu biểu khi nhập môn là Bạch mao quyền, Thiết tiễn quyền, Mai hoa quyền, trình độ trung cấp (từ 2 – 4 năm) có Tứ bình quyền, Thập tự quyền, cao cấp có Ngũ hình quyền, Thập hình quyền, La Hán phục hổ quyền, Túy tửu Bát tiên, Hạc hình quyền, Xà hình quyền… thập bát ban binh khí có diễn tiên, cây quải (song long quải), song kim giản, trong đó có một số bài “độc” của môn phái như Phục ma côn, Phong ma trượng, Phong lôi tán (đánh bằng cây dù), Kim long phiến (đánh bằng cây quạt), Phi long kiếm, Phi phụng kiếm, Cổn đường đao, Truy hồn đao, Thanh long đao…
TLCTTLP thuộc Thiếu Lâm Nam phái, sở trường đòn tay với các pha nhập nội thần tốc, đây là môn võ cương nhu tương tế. Ngoài việc dạy võ thuật, chưởng môn TLCTTLP Huỳnh Chí Dân còn chữa trị các bệnh phong thấp, trặc gân, gãy xương bằng phương pháp y học cổ truyền tại số 844/1 Trần Hưng Đạo, P7Q5, TPHCM (vào hẻm 842 trường Kim Đồng, đối diện khách sạn Hạnh Long 1).