Tình yêu của họ là sự chờ đợi khắc khoải, là nỗi nhớ đầy vơi của kẻ Bắc, người Nam, là những tin yêu chẳng biết thổ lộ cùng ai ngoài con chữ. Bao lần, họ tưởng mãi xa nhau, nhưng… “những con chữ” ấy lại có sức níu sợi dây yêu thương đến kỳ lạ.
Chuyện ít biết bên trong võ đường cổ
Võ đường Kỳ Sơn, nằm ẩn mình giữa những trầm mặc của phố cổ Hội An (Quảng Nam), cũng chính là tổ ấm của vợ chồng võ sư Trần Xuân Mẫn (65 tuổi, trú K51/2 Phan Châu Trinh, TP. Hội An, Quảng Nam). Từ lâu, võ đường không chỉ được biết đến là võ đường cổ nhất trong các sới võ phố Hội, mà đích thân vị trưởng võ đường này – võ sư Trần Xuân Mẫn cũng là một “cây đa, cây đề” trong làng võ thuật cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, cũng ẩn mình và xưa cũ như chính từng nếp nhà, góc phố nơi đây, ít ai biết rằng, một người cả đời theo nghiệp võ như ông Mẫn lại có một tâm hồn lãng mạn và hoài cổ đến thế.
Ở tuổi ngoài 60, võ sư Trần Xuân Mẫn trông vẫn quắc thước, rắn rỏi, đầy uy mãnh trong các đường quyền, nét cước của tuổi thanh niên trai tráng. Khi được hỏi về tình yêu của hai vợ chồng, ông Mẫn cười hiền, nhớ lại: “Ngày đó hai vợ chồng tôi ở cùng thôn, cảm mến nhau rồi yêu nhau được ba năm. Rồi tôi và bà ấy đi học đại học. Tôi học Khoa học Sài Gòn còn bà ấy học Sư phạm Huế. Trong suốt những năm tháng đại học dần dần tình cảm phai nhạt. Thế nhưng, một ngày nọ tôi nhận được thư của bà ấy. Những giận hờn, trách móc, nhớ thương theo những lá thư lần lượt đến tay tôi”.
Nhờ những bức thư chan chứa tình cảm này mà tình yêu tưởng chừng như nguội lạnh trong chàng trai khoa học chợt “thức giấc”. Giữa Sài thành hoa lệ và bao cám dỗ của cuộc sống cơm áo gạo tiền nơi đất khách quê người, những lời động viên, an ủi, chia sẻ của bà Hoa (sau này là vợ ông Mẫn) như một liều thuốc tinh thần đối với chàng trai trẻ. 5 năm cách xa không ngăn cản được hai trái tim yêu và luôn hướng về nhau. Tình yêu xa nhưng trở nên thật gần nhờ những cánh thư.
“Nhiều lúc đau ốm hay nhớ nhau nhưng chỉ dám viết thêm một dòng, một chữ, sợ ảnh buồn rồi lơ là chuyện học” – bà Hoa thú thật. Tuy nhiên, tình yêu kỳ lạ từ những cánh thư tay rồi cũng được đơm hoa kết trái. Rời Sài Gòn trở về quê hương, ông Mẫn mang theo những bức thư cùng nỗi nhớ chất chồng, đến tìm cô gái đã chờ đợi ông suốt 5 năm. Năm 1973, hai người chính thức thành vợ thành chồng. Tận mắt chứng kiến hàng trăm lá thư của ông bà gửi cho nhau trong suốt những năm xa cách, hiện được võ sư Trần Xuân Mẫn cất giữ cẩn thận trong tủ kính như báu vật, mới thấy được tình cảm của hai người dành cho nhau nhiều như thế nào. Những bức thư giờ đã ố màu thời gian, những dòng chữ cũng đã nhòa mực, song mỗi lần đem ra đọc lại, vợ chồng ông Trần Xuân Mẫn vẫn ngại ngùng, e ấp hệt như cái thuở ban đầu.
Những báu vật của cuộc đời
Ai bảo những người theo nghiệp võ biền là những người chỉ ưa sử dụng cơ bắp, quen “đánh đấm”, “làm tổn thương” đối phương mà chẳng mảy may nhạy cảm, tinh tế thì chắc chắn họ sẽ có suy nghĩ khác khi nhìn thấy chiếc tủ kính chứa đầy những “kỷ niệm gia đình” mà ông Mẫn lưu giữ. Trong nhà, ông Trần Xuân Mẫn dành một góc để cất giữ những cúp lưu niệm, huy chương trong sự nghiệp võ thuật của mình. Góc còn lại, vẫn gọi là “vùng hoài cổ” của mình. Gần 40 năm, kể từ ngày hai người nên duyên vợ chồng, kỷ niệm về những vui buồn, sướng khổ để họ có được hạnh phúc tròn đầy như ngày hôm nay có lẽ sẽ theo hai người suốt cả đời như chính những món “đồ cổ” này.
Được biết, cả ba người con của ông bà đều được học võ từ năm 6 tuổi và giờ đều là võ sư cấp 18/18, trong số đó, có cậu út nhiều lần đoạt huy chương Vàng quốc gia. Bây giờ, các cháu nội cháu ngoại cũng được ba mẹ gửi học võ từ năm 4 – 5 tuổi, do chính ông Mẫn trực tiếp dạy. Con cái của vợ chồng ông Mẫn đã khôn lớn, yên bề gia thất và có sự nghiệp vững vàng. Song ít ai biết, cuống rốn của ba đứa con khi sinh ra vẫn được ông bọc cẩn thận, ghi tên, ngày giờ sinh rồi cất vào tủ kính. “Cất là để nhớ, để giữ gìn” – ông bảo thế.
Ông Mẫn vừa chỉ vào chiếc mũ trong tủ vừa kể: “Đây là chiếc mũ của ba vợ tôi. Tôi giữ nó để tỏ lòng biết ơn vì ông đã sinh ra cho tôi một người vợ hiền lành, đảm đang và một phần cũng là để tưởng nhớ ông”. Từng món đồ ông lưu giữ gắn với một kỷ niệm của gia đình. Dù to, dù nhỏ, dù giá trị như chiếc máy ảnh, chiếc đồng hồ cho đến một chiếc áo vá ông vẫn coi đó là bảo vật. Rồi ông Mẫn lật giở bức thư đã hoen màu ố vàng, nhẹ nhàng nâng niu trên tay, ông bảo: “Bức thư này con gái viết cho tôi khi nó học đại học ở Đà Lạt, nó hỏi ý kiến tôi và bảo tôi cho lời khuyên về chuyện tình cảm của nó. Tôi và nó thường hay tâm sự qua thư nên nó với tôi giống hai người bạn vậy”.
Bí quyết dạy con về cách sống và cách cư xử của một võ sư như ông Mẫn chẳng phải đòn roi, chẳng phải quát mắng mà lại là những lời chia sẻ, tâm sự thẳng thắn, chân thành nhưng cũng rất… trượng nghĩa. Còn về quan hệ vợ chồng, ông Mẫn dùng chính tình yêu của mình với vợ để dạy con, theo ông điều quan trọng nhất là vợ chồng phải hòa thuận, đồng lòng.
Khi võ sỹ phóng bút… làm thơ
Điều đặc biệt trong chiếc tủ “bảo vật” là có rất nhiều món đồ liên quan đến vợ ông, chiếc ấm trà, chiếc đồng hồ, chiếc áo và những bức thư tình. Bà Hoa, vợ ông Mẫn cười: “Chiếc ấm này là nhân lần tôi đi dự Đại hội Phụ nữ mua, đó cũng là món quà đầu tiên của tôi tặng ông nên ông quý lắm”. Gặp gỡ đôi vợ chồng võ sư nổi danh phố Hội, bất ngờ nối tiếp bất ngờ khi biết về khả năng làm thơ, viết văn của võ sư Trần Xuân Mẫn. Ông vẫn quan niệm rằng để học võ đầu tiên phải có văn, văn ở đây là kiến thức là cách cư xử với cuộc đời này. “Học trò đến bái sư tôi đều học đại học, thậm chí con cháu tôi, phải học chữ trước khi học võ. Người ta vẫn gọi văn – võ chứ có bao giờ gọi là võ – văn đâu” – ông giải thích.
Tâm hồn của một người võ sư, lãng mạn trong tình yêu, hoài cổ trong cuộc sống nhưng lại có những câu thơ sâu sắc và mang ý nghĩ chiêm nghiệm về cuộc đời: “Ai cũng hiểu rồi ngày mai ai cũng xuống/Ở một ga nào không biết trước… Xa nhau/Thế mà hôm nay còn ở trên một con tàu/Lại chẳng yêu thương, cảm thông, tha thứ!”. Có lẽ, chính bản thân ông cũng ý thức được sự hữu hạn của thời gian nên “chỉ cần sống vui, không thẹn với lòng là được” – ông tâm sự. Hằng ngày, đôi vợ chồng võ sư vẫn cùng nhau luyện võ để tăng cường sức khỏe. Vẫn nhìn ngắm tình yêu tươi đẹp qua mỗi trang thư, mỗi kỷ vật. Chính tình yêu đã dệt nên cho họ một cuộc sống vui vẻ, đầm ấm. Vì thế, họ đã không chỉ cùng nhau vun đắp một gia đình hạnh phúc mà còn làm một việc đáng tự hào là khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa dựng nước và giữ nước, qua những bài võ cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Theo Pháp luật và đời sống