Thập niên 60, võ sư Thất Sơn thần quyền đã từng có những lần thượng đài ‘nổi danh thiên hạ’, khiến môn phái nổi danh và quy tụ nhiều võ sư từ khắp nơi…
Thực hư môn phái võ huyền bí ở vùng cao xứ Thanh
Sự thật về võ phái ‘người cứng như sắt’ ở miền Nam
Cuộc chiến với “Cọp bay” cùng cú đá đoạt mạng cao thủ
“Với mong muốn hùng bá thiên hạ, tìm cho mình một chỗ đứng trong giang hồ nên các đệ tử của Thất Sơn thần quyền, một thời luôn đi thách đấu. Họ đưa ra lời thách thức để thượng đài với các môn phái khác. Cũng đã có nhiều huyền thoại vang danh nhưng cũng chính vì quá ham mê danh vọng, nên Thất Sơn thần quyền một thời đã để lại điều tiếng trong thiên hạ…” Anh D. bắt đầu câu chuyện về huyền thoại của một thời Thất Sơn thần quyền vang danh thiên hạ với vẻ mặt trầm tư pha lẫn xót xa.
Vào thập niên 60, võ sư Hoàng Sơn đã nổi danh khắp miền Nam và đã có lần thượng đài với cả võ sỹ Kh’mer tên Nosar, lúc đó có vai trò khác quan trọng trong giới võ thuật ở Campuchia. Trong trận thượng đài đó, họ đã nhận ra nhau là đồng môn của Thất Sơn thần quyền và cho dừng trận đấu. Kể từ đó danh phái Thất Sơn thần quyền được chính thức đưa ra ánh sáng và chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều võ sư từ khắp các nơi đã quy tụ về góp sức để khôi phục Thất Sơn thần quyền, trong số các võ sư đó có nhiều tên tuổi nổi danh như: Nguyễn Thành Diệp, Phùng Vũ Châu (Tư Tiếp), Nguyễn Giầu, Nguyễn Thọ, Nguyễn Thôi, Lê Đình Tây, Trần Văn Tủy, Lê Minh Nho, Sáu Rẩm, Hoàng Bá…
Một trong những trận chiến lưu danh trong môn mà anh D. kể với chúng tôi là trận đấu của võ sư Hoàng Thọ đệ tử của võ sư Hoàng Sơn đấu với võ sỹ Tinor (môn phái Trà Kha) vào năm 1973 trong Đại hội Võ thuật tại Sài Gòn, đây cũng là một trận chiến tốn nhiều giấy mực nhất của báo giới Sài Gòn. Tinor là võ sỹ Lào được báo chí đặt cho biệt danh “Cọp bay” bởi chiêu song cước. Đã có nhiều đấu thủ đã bị hạ đo ván bởi cú song cước nhanh như chớp và sự chính xác gần như tuyệt đối của Tinor. Trong giới võ sư thời bấy giờ nhắc tới Tinor là nhiều môn phái phải kiêng nể.
Để có trận đấu này, trước đó Tinor đã đánh gục võ sư Huỳnh Tiền trong một trận đấu gây nhiều tranh cãi. Bất bình trước thái độ không thượng võ của Tinor, võ sư Hoàng Thọ và Tinor đã có một cuộc thượng đài mang tính thách đấu. Khi võ sỹ Hoàng Thọ và Tinor thượng đài, mọi kèo cá cược đều nghiêng về Tinor bởi Hoàng Thọ lúc đó chỉ là một gã vô danh, thậm chí môn phái còn không rõ. Vào hiệp 1, “Cọp bay” Tinor xông lên áp đảo Hoàng Thọ vào góc đài. Chờ Hoàng Thọ lúng túng trong góc chết, “Cọp bay” Tinor tung một cú đá thốc từ dưới bụng lên. Hoàng Thọ dính đòn bật ngửa.
Ai cũng tưởng Hoàng Thọ nằm vĩnh viễn trước cú đá bạt sơn của Tinor. Không ngờ Hoàng Thọ tung mình đứng lên, mặt đỏ au, mắt trợn ngược, tóc tai dựng đứng, tay chân vung đánh loạn xạ không theo một bài bản nào. “Cọp bay” Tinor vừa chống đỡ vừa lùi ngược. Hoàng Thọ thét một tiếng rồi vung chân đá thẳng. Cú đá bay thẳng vào hàm Tinor. Tiếng xương hàm vỡ phát ra cùng lúc với tiếng kẻng kết thúc hiệp 1. Tinor đầu hàng, được đưa về võ quán ở Lào để điều trị rồi chết sau đó vài tháng. Hoàng Thọ trở nên nổi tiếng với bài “Thần quyền giáp chiến” của Thất Sơn thần quyền. Đó là một trong số ba bài quyền còn nguyên vẹn phần quyền (võ) lẫn thuật (phép).
Với những trận chiến đó, Thất Sơn thần quyền đã có chỗ đứng trong nền võ học miền Nam thời đó thậm chí là mở rộng ra khu vực. Nhiều trận thư hùng khu vực giữa các võ đường danh tiếng Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đều có mặt võ sỹ Thất Sơn Võ Đạo. Rất nhiều chiến thắng vang dội trên võ đài đã làm rạng danh Thất Sơn thần quyền.
Sau ngày giải phóng, Thất Sơn thần quyền cũng vang danh với các nhân vật như Chín “cụt”, Thành “vuông”, thậm chí còn phát triển mạnh tại Ucraina, Nhật Bản…
Vì sao Thất Sơn thần quyền đi thách đấu các đại môn phái?
Có một điều mà anh D. khá nuối tiếc khi kể với chúng tôi về sự thoái trào của Thất Sơn thần quyền đó chính là tự kiêu trong một số đệ tử của môn phái. “Sau khi được lưu truyền ra Bắc, nhiều đệ tử trong môn đã có va chạm và thách đấu với các môn phái khác. Việc thách đấu bình thường, nhưng nhiều đệ tử trong môn chúng tôi quá tự kiêu khi toàn thách đấu với sư phụ hoặc thầy của các võ đường. Việc đánh thắng hay thua đều làm cho các môn phái bị thách đấu trở nên ghét bỏ chúng tôi. Đây cũng chính là một sự sai lầm đáng tiếc của một số đệ tử Thất Sơn thần quyền. Đó không phải là tôn chỉ của môn phái. Và vì việc thực hiện tôn chỉ của môn phái phụ thuộc nhiều vào tâm đức, nên có những tên tuổi lẫy lừng ngày trước, thậm chí đã đạt được mức huyền thoại, thì bây giờ do quá ham hư danh nên đã làm nhiều việc phạm không có tâm đức, đã mất hẳn quyền pháp, trở nên vô dụng.
Và chính vì sự khó trong tu tập, nên nhiều lúc có những đệ tử chỉ học xong cấp 1, chưa xuất đai cũng đã tự vỗ ngực cho rằng mình thế này thế khác nên đã tự đưa mình vào thế khó, rời bỏ tu tập. Do tự kiêu nên nhiều lúc phạm lỗi nhiều mà tự mình không thể nhận biết được để mà sửa chữa. Mặt khác, không ít đệ tử Thất Sơn thần quyền đã làm sút giảm uy tín của môn phái vì nhiều lý do khác nhau”, anh D. từ tốn nói về một phần quá khứ và đó cũng là lý do mà môn phái Thất Sơn thần quyền vốn đã kỳ bí nay lại trở thành như một thứ “dị giáo” trong võ học của nước nhà.
Có thể đây chính là một trong những lý do khiến Thất Sơn thần quyền bị ghép “tội” dị giáo nên bị cấm không cho luyện tập và phổ biến. Những cao thủ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc họ đều thừa nhận việc hoạt động công khai trong những năm 80 đầu 90 rất khó khăn, vì cái duyên và lời thề trong môn phái, nhiều người đã vượt qua sự ngăn cấm của chính quyền, bí mật luyện tập và truyền bá. Thậm chí, có nhiều người còn bị chính quyền triệu tập và bắt viết cam kết. Nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục luyện tập tiếp. Có những lúc vòng “kiềm tỏa” của dư luận cũng như chính quyền khiến người ta tưởng Thất Sơn thần quyền đã biến mất trong giang hồ. Cho mãi đến sau này, vòng “kiềm tỏa” của dư luận và chính quyền dần được giãn bớt bởi một phần nào đó người ta bắt đầu thấy sức sống mãnh liệt của Thất Sơn thần quyền trong nhân gian.
Môn võ này vẫn âm thầm được truyền bá trong nhân gian và tồn tại một cách bền bỉ. Có nhiều người cho rằng, sở dĩ sức sống của Thất Sơn thần quyền vượt qua mọi rào cản trong xã hội đương thời có nhiều yếu tố khác nhau nhưng yếu tố chủ đạo làm lên sức sống của môn võ này chính là tâm hồn hướng thiện trong tôn chỉ của môn phái và đạt được giác ngộ giống như trong đạo phật.
Theo Người đưa tin