Triều vua Quang Trung có vài nữ tướng, trong số đó nổi bật hơn cả là Đô đốc Bùi Thị Xuân.
Thần khí nước Nam: Độc Thần Kiếm của Nguyễn Nhạc
Thần khí nước Nam: Nam Kỳ Cung của Lý Văn Bưu
Bùi Thị Xuân (? – 1802) quê ở thôn Xuân Hòa, nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Bà là con gái của ông Bùi Đắc Chí; sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Bùi Thị Xuân sớm được học văn và học võ. Không chỉ hội tụ đủ yếu tố cần thiết của người phụ nữ thời phong kiến với luân lý “tam tòng, tứ đức” mà những phẩm chất trí, dũng, liệt… của trang nam nhi tuấn kiệt cũng hiện diện nơi bà.
Thuở nhỏ thay vì làm bạn với đường kim, mũi chỉ thêu thùa, với cây đàn thì bà lại chọn theo học võ với Đô thống Ngô Mạnh ở Thuần Truyền. Có tài năng bẩm sinh, bà học tới đâu thì thông thạo tới đó, nhất là môn song kiếm (ngoài tài kiếm thuật, bà còn giỏi bắn cung, cưỡi ngựa và luyện voi). Trong một lần đi săn ở vùng núi Thuận Ninh, bà gặp một tráng sĩ đang bị mãnh hổ tấn công, vị tráng sĩ bị thương và chảy máu khắp người. Thấy vậy, bà liền xông tới, rút song kiếm bên mình ra chém liên tiếp vào mãnh hổ, hai bên quần thảo ác liệt, một hồi sau, con mãnh hổ bị thương, gầm lên rồi bỏ chạy vào rừng. Sau đó, bà mới biết vị tráng sĩ đó là Trần Quang Diệu, bà đỡ ông về nhà mình ở Xuân Hòa trị thương. Sau khi bình phục, biết tin nhà Tây Sơn chuẩn bị phất cờ khởi nghĩa, vì có chung chí hướng nên hai người đã cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc và nên duyên vợ chồng.
Ngày đó, trong nghĩa quân Tây Sơn có rất nhiều người từ các dân tộc khác nhau có tài quản tượng (voi), bà Bùi Thị Xuân đã học tiếng dân tộc của họ và thuật luyện voi. Với trí thông minh và tài năng vốn có, bà nhanh chóng thuần phục được nhiều voi dữ và thành lập đội tượng binh. Mỗi sáng, khi mặt trời vừa nhô lên; bà mặc áo chiến, đeo song kiếm, tay cầm cờ lệnh, cưỡi trên một con voi to khỏe nhất tiến ra bãi tập. Dứt một hồi tù và, theo hiệu lệnh cờ của bà, đoàn voi được các quản tượng điều khiển thành từng tốp, từng hàng; tiến, lùi, rẽ trái, đàn voi chiến khi chia ra như trăm ngàn đoàn quân, khi tụ lại như bức tường thành vững chắc. Nghe hiệu lệnh, đoàn voi nhất loạt xông lên giày xéo những hình nộm bằng rơm, sau đó thu về đứng thành hàng chờ nghe hiệu lệnh. Bà cho voi tập luyện như đánh trận thật, gióng trống khua chiên cho đàn voi làm quen. Sau khi tập luyện, bà và các quản tượng chăm sóc cho chúng, tắm rửa, cho thức ăn, cảm hóa chúng, bà đã luyện tập thành thạo đoàn voi chiến hùng mạnh cho triều Tây Sơn. Từ đây, tài năng và võ nghệ đã đưa bà Bùi Thị Xuân trở thành Từ đây, tài năng và võ nghệ đã đưa bà Bùi Thị Xuân trở thành một nữ võ tướng tiêu biểu dưới triều vua Quang Trung.
Cùng với chồng là tướng quân Trần Quang Diệu và các tướng lĩnh khác, Bùi Thị Xuân tham gia phong trào Tây Sơn, góp công đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược năm 1789 (Kỷ Dậu) cùng vua Quang Trung, rồi chiến tranh đối đầu với Nguyễn Ánh.
Tài nghệ binh bị, giỏi sử dụng quân, can đảm dũng lược trong chiến đấu, bà góp công lớn cho sự tạo dựng vương triều Tây Sơn, được Quang Trung phong là Đô đốc. Lực lượng tượng binh nhà Tây Sơn sở dĩ hùng mạnh cũng chính bởi tài giỏi luyện voi chiến của vị nữ Đô đốc họ Bùi. Thời ấy Bùi Thị Xuân là một trong “Tây Sơn ngũ phụng thư”, là một thành viên trong hàng “Tứ kiệt” dưới triều Nguyễn Huệ cùng Ngô Văn Sở, Võ Văn Phụng, Trần Quang Diệu.
Quốc Bảo