Tất cả những thành tựu của con người và những lĩnh vực đạt được của con người đều là văn hóa, trong đó có võ thuật cổ truyền được xem là nghệ thuật chiến đấu truyền thống (traditional martial arts) để dân tộc tồn tại và tiến hoá, để con người phát triển đỉnh cao của nhân cách, phẩm chất, đạt được lối sống cao thượng, thiện-mỹ, cuộc sống ổn định và văn minh.
Muay Thái và những giá trị văn hóa – con người Thái Lan
Bình Định nỗ lực quảng bá giá trị di sản văn hóa
Có một thời, người ta hiểu “văn hoá” đồng nghĩa với “văn”. Hiểu như thế thì “võ” đối xứng với “văn hoá” như các trường hợp sau đây: Rừng văn-biển võ, Nhân văn-Thượng võ, hoặc:
Đức huy Nam cực thiên thu hàn mặc hoán Văn quang
(Nghĩa vững giữa trời muôn thuở cương thường soi gương Võ
Đức ngời Nam cực nghìn thu hàn mặc sáng nền Văn).
Nhưng cũng có lúc “võ” sánh đôi với “văn” khi văn được hiểu là văn hoá, như: Văn thiếu Võ là Văn nhu nhược, Võ thiếu Văn là võ bạo tàn, hoặc:
Độc thư hương đáo tâm
(Ngắm kiếm sinh gan dạ
Đọc sách hương vào lòng)
Trong khi cố tâm tìm hiểu về vấn đề văn hoá và “văn hoá Võ” tôi tìm được hai “cách nói” về văn hoá, hiển thị rất rõ văn hoá Võ, của hai danh nhân như sau:
Chủ tịch Hồ chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học,nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.
Còn với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nói tới văn hoá là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà liên quan đến con người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… (văn hoá) bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh”
“Văn hoá Võ” có hai phần biểu hiện: Vật thể và Phi vật thể.
Phần Vật thể được bảo quản, lưu truyền chủ yếu trong các gia tộc võ dòng, võ phái, bao gồm: võ đường, sân tập, binh thư, sách võ, binh khí, dụng cụ tập luyện nội, ngoại công phu (như: tạ sắt, bao cát, búa gỗ, bọc thiết sa, vòng thiết tuyến, trụ quấn dây dừa…), dụng cụ chữa trị chấn thương, trật đả (hủ đựng thuốc giầm rượu, băng vải, nẹp gỗ uốn nắn xương khớp…)
Phần Phi vật thể được tâm truyền, khẩu truyền và truyền đạt trực tiếp bằng cách “cầm tay uốn nắn” giữa các thế hệ võ nghiệp, từ đời này sang đời khác, bao gồm: Các bài tập và phương pháp tập quyền cùng tập thập bát ban võ nghệ (18 môn binh khí gồm: côn, kiếm, siêu, đao, cung, kích, xỉ,…), các bài thuốc y võ và phương pháp chữa trị, các lễ lệ, lễ hội…
Bài tập võ cổ truyền, dù là tập tay không hoặc có sử dụng binh khí, đều có hai phần: “Thảo” và “Thiệu”. Thảo là các động tác được gắn kết với nhau thành “thế”, nhiều thế liên kết với nhau thành bài, nhằm mục đích rèn luyện thể lực, khả năng tự vệ, chiến đấu chống lại đối thủ. “Thiệu” là bài thơ có vần, điệu nhằm mô tả động tác của thảo, đôi khi gói ghém ý nghĩa nhân sinh quan của người sáng tác bài võ muốn truyền đạt lại cho đời sau. Có một số bài võ hay còn được người đời sáng tác thêm “Phú” để ca ngợi.