2 từ bạo lực không biết từ bao giờ đã trở thành quen thuộc dưới cái nhìn của mọi người trong xã hội hiện nay.
Bạo lực không còn là vấn đề mà người ta chỉ hình dung ra trong một đất nước có chiến tranh hay một xã hội đang bị đô hộ, mà bạo lực đang diễn ra một cách phổ biến trong xã hội mà chúng ta đang sống!
Từ những hành vi mang tính “gia đình” thì nay đã “mở rộng” hơn nó xuất hiện gần như thường ngày trong môi trường rộng lớn là xã hội. Chẳng những vậy, bạo lực đã có “vị trí” thường trực trong môi trường được xem là nơi thiết lập nền tảng đạo đức của con người. đó là học đường!
Song, có lẽ đau long nhất cũng trong môi trường này là những hình ảnh khiến người ta bật khóc khi xem qua các đoạn clip được quay lại khi các trẻ mầm non bị chính các cô giáo chăm sóc hành hạ một cách dã man!
Trong phạm vi bài viết ngắn này, tôi chỉ xin đề cập đến vấn đề bạo lực học đường của nhóm tuổi thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường.
Trước hết, dưới góc độ là một phụ huynh, và là người có nhiều năm huấn luyện võ thuật cho lứa tuổi này, tôi chân thành gởi đến các bậc phụ huynh lời khuyên: chớ bọc con mình trong mớ bông gòn êm ái, mà hãy tạo điều kiện, tạo môi trường cho chúng sống một cách “hoang dã” một chút. Cho chúng tự phản ứng theo bản năng sinh tồn của một động vật. Nghĩa là dù yếu đuối, dù nhỏ bé…nhưng, khi đứng trước nguy cơ mạng sống bị đe dọa, cần phải biết phản ứng thế nào để sinh tồn chứ không thụ động sẵn sàng “làm mồi” cho kẻ mạnh.
Ngoài việc quan tâm theo dõi các diễn biến tâm lý của con em và trang bị cho chúng kiến thức sống cần thiết thì còn phải trang bị cho chúng cái “dũng khí” để tự vượt qua nỗi sợ hãi chính mình.
Vâng, nỗi sợ hãi chính mình là đầu mối của khá nhiều tình huống dẫn tới các sự cố đáng tiếc khác. Đó là không tự chủ để thoát khỏi mối nguy hiểm do người khác áp đặt, đó là không đủ dũng khí để can thiệp khi thấy người khác đang rơi vào tình huống nguy hiểm có thể dẫn đến mất mạng khi bị bạo hành…từ đó dẫn đến vô tình hay cố ý biến mình trở thành vô cảm trươc nạn bạo lực, đồng nghĩa với tội ác !
Nếu các em có điều kiện sinh hoạt trong môi trường luyện tập võ thuật thì các em có thể vượt qua chính mình, chiến thắng nỗi sợ hãi và nhất là biết thực hiện những phản xạ cần thiết để bảo toàn tính mạng khi bị đe dọa, đồng thời có cơ hội giúp người khác thoát hiểm.
Bên cạnh đó, môi trường võ thuật sẽ giúp các em sống lành mạnh hơn, nhanh nhẹn hơn, biết phân biệt và vận dụng khả năng võ thuật khi thật sự cần thiết và nhất là biết cách “thoát hiểm” khi rơi vào tình huống sắp bị kẻ khác bạo hành.
Một điều rất dễ nhận ra là các nhân vật tham gia vào những vụ bạo lực học đường mà chúng ta ít nhất đã một lần chứng kiến hay xem ở đâu đó, có thể dễ dàng nhận biết người hành xử không có nét nào cho thấy đã và đang được đào luyện đến nơi đến chốn trong môi trường võ thuật. Bằng chứng là các em “đàn áp” người khác bằng những động tác rất bình thường, không mang nét nào của kỹ thuật võ. Nhưng rất tiếc, nạn nhân cũng không biết cách chống đỡ dù là chỉ để tự vệ! Bên cạnh đó, nhóm đứng xem cũng không có em nào đủ bản lĩnh để can ngăn người đang sử dụng vũ lực hà hiếp kẻ khác này. Đó là do thiếu tự tin vì chưa vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân.
Tóm lại, trang bị cho các em trong độ tuổi đang có nhiều biến chuyển về tâm, sinh lý một bản lĩnh tự vệ và lòng can đảm để loại bỏ sự vô cảm do nỗi sợ hãi của chính bản thân để vừa cứu mình và cứu người ngăn chặn cái ác lên ngôi là điều cần thiết.
https://www.youtube.com/watch?v=wB-VdhvQMPM
Châu Minh Hay