Chữ “Nhẫn” là một trong những hình xăm được yêu thích nhất hiện nay. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng nó từng có một “quá khứ” không mấy “hiền lành” trong giới giang hồ nhiều thập niên trước.
Hồng Kim Bảo “đơn thương độc mã” hạ gục nhóm giang hồ
Võ thuật với giang hồ: “Xuân điển” hay bí hiểm tiếng lóng
Thế kỷ trước, thời mà nhiều người còn kỳ thị hình xăm và xem nó như một dấu hiệu cho các thành phần bất hảo, giới giang hồ ít khi xăm mình ví lý do nghệ thuật. Họ hầu hết sử dụng hình xăm như một công cụ để thị uy với người khác. Giang hồ đẳng cấp thấp tuy bản lĩnh không nhiều nhưng thường thích thể hiện bằng những dòng chữ “kinh điển” như “Hận đời đen bạc, hận kẻ bạc tình, hận cả gia đình, hận luôn hàng xóm…”, “đời là bể khổ, tình là dây oan”, “kiếp nghèo”. Một số khác bay bổng hơn chút, xăm một bông hồng đỏ thắm, một trái tim bị mũi tên xuyên thủng để tưởng nhớ một mối thất tình hay một cánh buồm lẻ loi, đơn độc ngầm ám chỉ cuộc đời vô định, không biết đâu là bến bờ.
Ở một đẳng cấp cao hơn, giới giang hồ thích xăm hình những linh vật như rồng, phượng, hổ, đại bàng… Nhắc đến kiểu hình xăm này, không thể quên nhắc đến tướng cướp lừng danh một thời cướp của người nghèo cho người giàu: Bạch Hải Đường. Mong muốn được đàn em kính nể, xăm lên lưng một con đại bàng tung cánh đạp trên quả địa cầu bay trên mặt biển xanh với dòng chữ: “Vượt trùng dương ra hải đảo”. Vốn là người hào hoa, tình cảm, Đường còn xăm rất nhiều dòng chữ như “Phụ mẫu tri ân”, “Xa quê hương nhớ mẹ hiền”, “Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết ông tôi”, “Tiền đồng tịch anh hùng công lạc – Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh”, “Kiếp giang hồ tìm bạn bốn phương”, “Thương người chung thủy, hận kẻ bạc tình”. Mỗi hình xăm này đều chứa đựng một phần câu chuyện cuộc đời đắng cay của Bạch Hải Đường.
Tuy nhiên, đẳng cấp xăm mình với những dòng chữ thâm thúy của tay siêu đạo chích vẫn bị giới giang hồ tuyên bố “Vứt!”. Theo Chiến “bò”, cựu tù nhân trại Văn Hòa, người có nhiều năm xăm mình cho các đại ca giang hồ, giới lục lâm thảo khấu vốn xem thường thứ tình cảm ướt át của Đường. Nói về xăm mình, cuộc đời Chiến “bò” tâm đắc nhất với hình xăm “Sinh vi tướng” (Sinh ra là để làm tướng lĩnh) của đại ca giang hồ khét tiếng Hải Bánh.
Tuy nhiên, tất cả những hình xăm đó vẫn chưa phải ở đẳng cấp cao nhất. Theo quan điểm của giới giang hồ xưa, chỉ cần dám xăm chữ “Nhẫn” trên mình là đã có thể xưng vương xưng đế.
Theo chiết tự tiếng Hán, chữ “Nhẫn” bao gồm chữ “Tâm” (trái tim) bên dưới và “Đao” (cây đao) ở trên. Giới “choai choai” thời bấy giờ hay đọc lái “Tâm – Đao” thành “Đâm tao” để nói cho nhau nghe bản lĩnh của chữ Nhẫn. Sự thật rằng lối chiết tự này khiến chữ Nhẫn mang hàm ý “sự mạnh mẽ, nguy hiểm giấu kín trong lòng”. Theo quan niệm của người xưa, cái uy dũng của bậc thánh nhân nằm ở chỗ điềm đạm đến cùng cực. Kẻ nào có được chữ “Nhẫn” trong phẩm cách của mình thì dễ làm nên đại nghiệp.
Theo quy luật giang hồ, những kẻ xăm chữ Nhẫn phải là đàn anh khét tiếng đứng đầu giới giang hồ, được những người có vai vế thừa nhận. Vào tù, thấy ai xăm chữ Nhẫn thì phải lo cung phụng cho tốt, nhường miếng ngon nhất, chỗ ngủ tốt nhất, lại còn phải tự giác biết đấm lưng, tẩm quất và nghe lời sai bảo. Ngoài những nhân vật “lẻ tẻ”, những tay đáng sợ nhất giới giang hồ xưa với chữ “Nhẫn” trên người chính là Tứ đại giang hồ Sài Gòn Đại – Tỳ – Cái – Thế (Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái, Ngô Văn Thế).
Năm Cam – nhân vật cộm cán bậc nhất giới giang hồ cũng từng được “gợi ý” xăm hình chữ Nhẫn. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà y không dám làm vậy. Lúc còn trẻ, khi chưa là một đại ca có vai vế, Năm Cam vốn là kẻ hồ đồ, nóng tính thường làm hỏng việc nhưng sau tự rèn luyện bản thân thành người biết kiềm chế, nhẫn nhịn. Rõ ràng Năm Cam đã sở hữu chữ “Nhẫn” ngay trong bản lĩnh của mình, và vai vế của y cũng xứng đáng được giới giang hồ công nhận với chữ “Nhẫn” trên da thịt.
Nhiều người tôn thờ ý nghĩa tâm linh của thuật xăm mình cho rằng Năm Cam đã gây quá nhiều tội ác, nếu xăm chữ Nhẫn, không sớm thì muộn thanh đao sẽ đâm nát quả tim bên dưới, số phận Năm Cam sẽ phải kết thúc sớm hơn nhiều so với thực tế (Năm Cam bị thi hành án tử hình năm 2004 với nhiều tội danh hình sự).
Phạm Vũ