Hồi ký của một chưởng môn (Phần II).
Dáng người dong dỏng cao, mắt sáng, trán rộng, cằm nở, nét mặt cương nghị, nụ cười hiền hòa biểu thị cho một tính cách cởi mở và khoan dung: đó là hình ảnh của thầy Nguyễn Lộc đã gây ấn tượng tốt đẹp trong tôi ngay lần đầu gặp gỡ.
Hồi ký của một chưởng môn (Phần I)
Giới thiệu Hồi ký của võ sư chưởng môn Lê Sáng
ng sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Tý (24-5-1912) tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây), con trưởng trong một gia đình năm anh chị em (ba trai và hai gái). Thân phụ ông là cụ Nguyễn Đình Xuyến và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hòa.
Gia tộc ông sinh sống và làm ăn lâu đời tại làng Hữu Bằng, sau đó vì sinh kế và muốn tiếp xúc với đời sống văn minh thành thị, cụ chuyển gia đình về Hà Nội ngụ tại đường Harmand Rousseau (phía sau chợ Hôm).
Khi con trai đầu lòng đến tuổi đi học, cụ ông về tận làng cũ đón một vị lão võ sư lên Hà Nội khai tâm cho con mình những thế võ và vật dân tộc để rèn luyện sức khỏe và phòng thân.
Sinh ra và lớn lên dưới thời đất nước bị thực dân Pháp thống trị, ý thức được bổn phận và trách nhiệm của người thanh niên đối với dân tộc, ông Nguyễn Lộc nung nấu ý tưởng rèn luyện một đội ngũ thanh niên khỏe mạnh, có khả năng dụng võ, với tâm hồn yêu nước và giúp ích cho xã hội.
Nhờ sự khuyến khích của thân phụ lại có năng khiếu về võ thuật cộng thêm tư chất thông minh, ông đã nỗ lự tự rèn luyện. Ông thường xuyên đến tham quan các võ đường, mạn đàm cùng một số võ sư thời danh để tìm hiểu thêm về mọi môn võ thuật. Ngoài việc trau dồi học vấn và đạo đức, ông chịu khó sưu tầm, nghiên cứu và luyện tập hầu hết các môn võ lúc bấy giờ. Nhận thấy mỗi môn võ đều có ưu điểm, đặc điểm riêng, song ông cho rằng chưa có môn nào hoàn toàn phù hợp với thể trạng mảnh khảnh nhỏ bé của người Việt. Ý thức rằng trong một cuộc chiến đấu thì tinh thần và danh dự vẫn là hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại, do đó ông muốn đưa ra một phương pháp tự vệ của người Việt Nam tiêu biểu cho tinh thần tự chủ bất khuất, để khi chiến đấu phát huy được hùng khí và lòng tự hào dân tộc.
Cuối cùng Sáng Tổ tìm ra con đường riêng, hình thành ý niệm Cách mạng Tâm Thân, tức là con đường đào tạo những con người khỏe mạnh cả về Tâm và Thân, gầy dựng ý thức vươn lên tự hoàn thiện bản thân về cả Tâm – Trí – Thể để có đầy đủ khả năng, đức độ, sẵn sàng phục vụ xã hội.
Về võ thuật thì ông lấy nền tảng võ và vật cổ truyền dân tộc đồng thời rút tỉa những ưu điểm, gạn lọc tinh hoa các môn võ trên thế giới, hệ thống hóa để sáng tạo ra một môn phái riêng đặt tên là Vovinam (Võ Việt Nam rút gọn), một danh xưng Việt Nam được quốc tế hóa.
Tên Vovinam có hai ý nghĩa: (1) Võ thuật Việt Nam (Việt Võ Thuật) và (2) Võ Đạo Việt Nam (Việt Võ Đạo). Trước hết phải trải qua trình độ “Thuật” về chuyên môn, thực dụng, sau đó tiến đến trình độ “Đạo” tổng quát và toàn diện, trong đó có cả chuyên môn, thực dụng ở cấp cao.
Cuộc nghiên cứu hoàn tất vào năm 1938, với kỹ thuật võ rất đơn giản, hữu hiệu và dễ tập, dễ áp dụng, nhưng rất cương mãnh dữ dội, đặt nặng tính tốc chiến, tốc thắng. Phương pháp huấn luyện chú trọng nhiều về ngoại công, thân thép, tốc lực, sức chịu đựng và sức bền.
Người học trò đầu tiên của Sáng Tổ Nguyễn Lộc là Nhà khoa học nổi tiếng Tạ Quang Bửu (sau năm 1954 là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, nay đã qua đời). Nhà ông Lộc bán củi nên hàng ngày khi bổ củi, ông chọn một khúc cây thật to rồi cầm rìu bổ một nhát tét làm đôi. Ông Tạ Quang Bửu đi ngang qua thấy một cậu trẻ tuổi có sức khỏe lạ thường thì rất thích. Đến khi trò chuyện lại biết thêm cậu này chẳng những am tường võ thuật lại nghiên cứu cả về cơ thể học. Sáng Tổ tuy nghiên cứu và luyện tập thấu đáo võ thuật nhưng chưa hề dạy ai, ông Bửu bèn xung phong làm môn sinh đầu tiên :
– Thôi bây giờ cậu dạy cho tôi đi.
Ông Bửu chỉ theo học một thời gian ngắn nhưng luôn khuyến khích Sáng Tổ phổ biến môn võ này cho thanh niên. Nhờ đó mà Sáng Tổ có được tự tin nên bắt đầu dạy cho bạn bè đồng môn ở trường Bưởi và một số thân hữu trong gia đình.
Hơn một năm sau, vào mùa thu năm 1939, lớp võ sinh đầu tiên chính thức ra mắt công chúng tại Nhà hát lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ nên Sáng Tổ được bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, Chủ tịch Hội Thân hữu Thể dục Thể thao mời cộng tác, tổ chức những lớp võ đầu tiên công khai cho thanh niên Hà Nội.
Đầu năm 1940, ba lớp dạy võ thuật cũng được tổ chức gồm lớp võ Vovinam của thầy Nguyễn Lộc, gậy (baton) và ghế của võ sư Cung Quang Nhâm dạy còn lớp dạy quyền Anh do võ sư Nguyễn Đình Quỳnh, vô địch môn này chủ trì.
Tôi cùng hai người bạn thân là Đặng Bỉnh và Đặng Bảy cùng đến ghi tên, dự định mỗi người học một môn : tôi học Vovinam, hai anh bạn một người học quyền Anh, một người học gậy và ghế. Nhưng rồi hai lớp kia không có học trò, chỉ có lớp Vovinam quy tụ nhiều môn sinh nên cuối cùng ba chúng tôi đều học môn võ này.
Khi bắt đầu học võ tôi chỉ cân nặng 35 ký, vậy mà sau sáu tháng tôi tăng lên được 50 ký, sức khỏe phục hồi rất nhanh.
Trong tập luyện, tôi là người rất gan lì và riêng thế té ngã thì tôi rất giỏi. Chỉ sau sáu tháng tôi đã được thầy cho biểu diễn lần đầu tiên. Đến với môn võ Vovinam tôi rất hào hứng lại vinh dự được thầy chỉ định biểu diễn, đó là điều bất ngờ với tôi, vì khi học võ tôi chỉ nhắm đến việc chữa bệnh.
Trong thời gian học võ tôi tìm ra bí quyết luyện tập và sau này đem áp dụng vào bất kỳ công việc nào khác trên đời. Khi tập môn tấn tay, dùng sức tấn tập tay cho cứng cáp, tôi luyện đấu với một anh lớn tuổi và khỏe mạnh hơn mình nhiều nên luôn luôn bị thua, dù cố mấy cũng không thắng được anh. Tôi rất tự ái vì mang tiếng có ông bác giỏi võ mà cứ thua hoài nên ráng thắng được một lần danh dự. Hôm đó tôi quyết tâm cố gắng hết sức mình để chiến thắng. Chúng tôi tấn tay cho đến lúc tôi đau quá sắp phải chịu thua nhưng rồi tôi tập trung sức lực cố chịu đựng thêm chút nữa, quả nhiên lần ấy tôi thắng.
Từ đó tôi tìm ra bí quyết, biết rằng sức lực anh này tuy có hơn tôi nhưng không nhiều, chỉ cần tôi nỗ lực vượt chính mình một chút là được. Cũng giống như trước đây trong khi học nghề, tôi đã khám phá ra chính phương pháp làm việc là quan trọng và mang tính quyết định, nay việc tập võ cũng quan trọng ở phương pháp, dù tập nhiều mà không có phương pháp thì cũng không đi đến đâu cả.
Từ sau lần đó tôi luôn luôn thắng trong những cuộc thi đấu, dù đau đến mấy cũng cố sức thêm, hễ khi sắp thua thì tôi tập trung sức lực cố gắng thêm một chút là thắng được.
Thêm một điểm nữa là tôi biết cách ngã rất khéo, người ta quật một cái là tôi tung người theo ngay. Nói về chuyên môn trong nghề võ, nhìn người ta đi thế võ đẹp quá nhưng khi họ vừa tóm lấy tay mình mà mình đã tung người lên ngay thì có khi ngã đè chết người ta. Đánh là đánh giả, đòn cũng là đòn giả, cho nên cái ngã đẹp là biết canh đúng lúc đúng thế chứ không phải chỉ biết dùng sức mạnh. Người té giỏi là người biết té đúng cách. Tôi canh đúng lúc người ta kéo lên thì mới tung người, kéo mạnh tôi tung mạnh, kéo nhẹ tôi tung nhẹ, chưa kéo tôi không tung. Đó không chỉ là phương pháp tập võ mà còn là cả một quan điểm xử thế của tôi trong suốt cuộc đời.
Lớp học võ tổ chức ở sân trường Sư Phạm, trước khi vào học huấn luyện viên và học viên chạy xung quanh sân bãi vài vòng làm nóng rồi tập 10 thế thể dục. Đầu tiên thầy Sáng Tổ đứng làm mẫu, sau đó chọn vài học viên dáng vẻ cao lớn và tiếng hô tốt đứng ra trước để thầy sửa cho mọi người xem.
Lúc bấy giờ lớp võ chưa có huấn luyện viên nên phải chọn những người ở lớp thể dục thẩm mỹ, tuy họ mới học võ chỉ có vài tháng nhưng nhờ có dáng vẻ dễ coi nên được học viên tin tưởng. Thế là lớp võ Vovinam có mấy võ sinh tướng mạo rất đẹp và tiếng hô oai dũng, nhất là một anh tên Khải (sau này đổi tên là Phạm Cương, chỉ huy phó Công binh tuyến đường Trường Sơn, nay là Đại tá hồi hưu) Tiếng hô của anh Khải lanh lảnh vang dội cả hội trường.
Những buổi trình diễn của Vovinam thường tổ chức ngoài sân, quan khách lẫn khán giả đều làm lễ trước khi bắt đầu. Một hôm có ông Ducoroy, một quan chức người Pháp đến chủ tọa buổi biểu diến. Ông này là người chịu trách nhiệm điều khiển các hoạt động thể thao, cho đến nay vẫn còn nhiều người nhắc đến những cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương do ông tổ chức thời đó.
Hôm ấy trời mưa lại có quan chức người Pháp đến dự nên Sáng Tổ không cho môn sinh « nghiêm lễ » ngoài sân như thường lệ mà cho đặt bàn thờ Tổ quốc bên trong hậu trường, sau khi lễ xong mới ra ngoài biểu diễn. Ngày nay việc làm lễ trước bàn thờ Tổ quốc là chuyện bình thường nên khó hình dung được cảm giác của chúng tôi lúc đó, việc này tác động rất mạnh vào tinh thần dân tộc của thanh niên thời bấy giờ.
Giữa cuộc biểu diễn, vị Hội trưởng Hội Thân hữu Thể dục Thể thao mời Sáng Tổ lên khán đài để nhận huy chương của chính quyền thuộc địa. Sáng Tổ không thể từ chối được đành để cho Ducoroy đeo huy chương vào ngực, nhưng khi vừa bước xuống khán đài thì thầy gỡ huy chương bỏ vào túi rồi điềm nhiên tiếp tục điều khiển buổi biểu diễn. Hành động của Sáng Tổ hôm ấy đã gây xúc động tâm lý sâu xa về ý thức dân tộc và quốc gia trong môn sinh.
Thời bấy giờ thanh niên chúng tôi đi ra đường gặp người Pháp là e dè rồi chứ không có được sự bình đẳng như hiện nay. Cho nên ai dám tỏ thái độ coi thường người Pháp đều được mọi người khâm phục, vì vậy bản thân tôi cũng rất nể trọng thầy qua sự việc này.
Mục đích đầu tiên của tôi khi đến với võ thuật là để chữa bệnh. Sau một thời gian sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tôi càng say mê học võ, rồi dần dà ngày càng thấy mình gắn bó với môn võ này hơn. Kể từ đó mỗi năm tôi chỉ làm sáu tháng, thấy đã đủ tiền chi tiêu cho cả năm thì không làm nữa, thời gian còn lại tôi dành để trau dồi võ thuật và đọc thêm sách vở.
Để học võ cho giỏi, tôi cho rằng chẳng cần bí quyết gì mà chỉ cần cố gắng vượt hơn bản thân thì sẽ chẳng thua ai cả. Không chỉ chuyên học võ, trong đời tôi dù làm việc gì cũng đầu tư hết khả năng tâm trí vào, lúc đầu chưa thành công thì vận dụng suy nghĩ, nếu có trở ngại thì cứ tạm dừng rồi lại tiếp tục làm vào lúc xét thấy thuận tiện. Tôi chỉ là người bình thường, thậm chí còn thua kém nhiều người về mọi mặt từ sức khỏe đến tri thức, chỉ nhờ ý chí và quyết tâm cao mà luôn đạt được kết quả tốt trong công việc.
Tôi bắt đầu học võ vào năm 1940 khi được 20 tuổi. Thời ấy thanh niên ở vào độ tuổi này đều đã lập gia đình, riêng tôi quá say mê võ thuật nên không nghĩ ngợi gì đến chuyện ấy.
Vào năm 1942, phong trào chống Pháp công khai phát triển bắt đầu từ vụ đụng độ giữa thanh niên Pháp với thanh niên Việt Nam tại trường Đại học Hà Nội cũng như với công chức tại sở Canh Nông. Trong các cuộc đụng độ này thì sinh viên và viên chức cùng với môn sinh Vovinam là lực lượng chủ xướng. Vì thế thực dân Pháp ra lệnh đình chỉ các lớp võ thuật tại trường Sư Phạm và cấm ông Nguyễn Lộc hoạt động. Lúc này người Pháp ra đường bắt đầu e sợ người Việt vì lơ mơ có thể bị ăn đòn.
Tuy vậy Sáng Tổ vẫn bí mật dạy một số môn đệ tâm huyết ở nhà riêng và phát động phong trào công khai chống Pháp trong quảng đại quần chúng.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại ủy nhiệm cho Trần Trọng Kim thành lập chính phủ, cử Tổng Đốc Phan Kế Toại làm Khâm sai Bắc bộ, Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai Nam bộ và bác sĩ Trần Văn Lai làm Đốc lý Hà Nội.
Thời kỳ này lực lượng viên chức Nhà nước chịu trách nhiệm giữ trật tự an ninh cho thành phố Hà Nội nhưng trên thực tế còn có cả sinh viên, hướng đạo sinh, môn sinh Vovinam cũng như các tầng lớp thanh niên và quần chúng. Nhưng trong việc điều khiển trật tự thì nhóm Vovinam luôn nổi trội hơn cả, chuyên đứng ra điều động mọi người.
Tháng 8 năm 1945, các môn sinh Vovinam cùng với các lực lượng quần chúng tổ chức cuộc biểu tình khổng lồ tuần hành qua các đường phố lớn để bày tỏ ý chí bảo vệ độc lập đất nước. Sau đó cuộc biểu tình biến thành cuộc mít tinh ủng hộ Mặt trận Cứu quốc Việt Minh. Bài “Tiếng gọi sinh viên” của Lưu hữu Phước được thường xuyên sử dụng để hát mở đầu trong những dịp này. Sau đó chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là “Tiếng gọi thanh niên” và dùng làm quốc ca chế độ cũ.
Khi tình hình bớt căng thẳng thầy Nguyễn Lộc tiếp tục mở lớp dạy võ cho thanh niên để gây dựng lại phong trào Vovinam. Tinh thần anh em lúc bấy giờ rất cao, thầy yêu cầu làm gì chúng tôi cũng đều hăng hái xung phong. Sau Sáng Tổ thì các bậc đàn anh như anh Nguyễn Xuân Mỹ, Nguyễn Khải và Nguyễn Bích – những người theo học võ Vovinam trước tôi vài tháng – hướng dẫn điều gì chúng tôi cũng đều nghe theo răm rắp không hề thắc mắc.
Võ sinh Vovinam chuyên phụ trách đi dẹp những nhóm cờ bạc và trộm cướp trong thành phố Hà Nội. Sau dó ít lâu nạn đói hoành hành, hàng triệu người dân miền Bắc lâm vào cảnh thiếu ăn, chúng tôi lại tham gia cứu đói. Chính quyền yêu cầu các rạp chiếu bóng mở ra cho đồng bào đến xem không mất tiền, giữa buổi chiếu phim, thanh niên chúng tôi gồm Vovinam, hướng đạo sinh, thanh niên, sinh viên, mang những chiếc thùng nhỏ đến từng khán giả để quyên tiền và thu được kết quả rất tốt.
Rồi cũng danh nghĩa viên chức, chúng tôi tổ chức Lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng. Đó là lần đầu tiên người Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng trong thời kỳ Pháp thuộc, trước đó chỉ những ngày lễ của mẫu quốc Pháp, như ngày quốc khánh Pháp 14 tháng 7 hàng năm chẳng hạn, mới được coi trọng và tổ chức rình rang. Chúng tôi lại tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3, kêu gọi đồng bào nấu bánh dầy, bánh chưng để khơi gợi lại truyền thống ông cha ngày xưa. Những buổi lễ này được diễn ra tại vùng đất rộng của Đông Dương học xá (sau gọi là Việt Nam học xá), đại học xá duy nhất của cả Đông Dương, dành cho sinh viên của cả ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào.
Cũng trong tháng 8 năm 1945 một số thanh niên trí thức nhóm họp tại Đại học xá Hà Nội và biểu quyết gửi điện văn yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Tôi được dự buổi nói chuyện quan trọng này, dù chỉ được ngồi nghe nhưng cũng cảm thấy rất tự hào.
Vovinam cũng tổ chức những lớp võ tự vệ đại chúng thu hút hàng nghìn người luyện tập những thế kiếm, gậy (côn) và mã tấu cơ bản trên bãi cỏ của Đông Dương học xá.
Một trong những nhân vật đặc biệt tham gia lớp võ là thi sĩ Xuân Diệu, ông là người nổi tiếng và nhất là có mái tóc đẹp nên được mọi người chú ý. Lớp võ tổ chức vào sáng chủ nhật hàng tuần, cứ bốn giờ sáng hàng đoàn người từ các nơi lũ lượt kéo đén bãi tập. Một người đứng trên bục cao làm mẫu, bên dưới mấy chục huấn luyện viên trải đều ra hướng dẫn cho cả ngàn người tập theo.
Lúc bấy giờ lực lượng viên chức thành lập lớp võ sĩ trẻ cảm tử và lớp “Anh hùng ngày mai”. Vovinam cùng với Hướng đạo và các đoàn thể sinh viên chịu trách nhiệm tuyển mộ và huấn luyện. Đặng Hùng Nhân – vô địch Đông Dương môn bơi lội – đứng ra điều khiển nhóm Anh hùng ngày mai.
Chúng tôi lại nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong buổi lễ bàn giao chính quyền cho đại diện Mặt Trận Việt Minh. Tôi tham gia phong trào toàn dân theo cách mạng với nhiệm vụ là dạy võ, chúng tôi huấn luyện sử dụng gậy gộc, trên tinh thần dùng gậy gộc đánh Pháp.
Ngày 23/8 Chính phủ lâm thời được thành lập tại Hà Nội do Bác Hồ làm Chủ tịch. Nhóm Vovinam chúng tôi hợp tác với chính quyền dạy võ cho lực lượng Công an Xung phong cũng như cho phong trào thanh niên. Chúng tôi phải chia nhau dạy, tôi phụ trách lớp của Công an Xung phong ở sân Bắc Qua, rồi dạy tự vệ chiến đấu cho đơn vị Tự vệ Thành tại Nhà đấu xảo (nay là Cung văn hóa Việt Xô). Tôi cũng dạy võ ở sân quần ngựa, sân Hàng Đẫy cho thanh niên, có lần Bác Hồ đã đến đây xem biểu diễn và rất khen ngợi.
Lúc bấy giờ ông Dương Đức Hiền làm Bộ trưởng Bộ Thanh Niên, do có theo học Vovinam nên ông thường tổ chức những lớp dạy võ, mời thầy Lộc và tôi phụ trách..
Các lớp võ công khai lúc bấy giờ thường chỉ kéo dài 3 tháng với những đòn cận chiến đơn giản. Chương trình huấn luyện cấp tốc thời đó có hai phần: Võ lực gồm 10 thế thể dục, luyện tấn, bay người, trườn mình bằng khuỷu tay và đầu gối cùng các lối nhào lộn, tập ngã không đau. Võ thuật thì dạy các đòn phản thế cơ bản, các thế khóa gỡ, bài song luyện (đòn thế được ghép theo nhu cầu biểu diễn), đòn chân cũng đã dạy, song ít người được tập đầy đủ và chỉ ghép vào các bài song luyện chứ không biểu diễn riêng lẻ, đa dạng như hiện nay. Khi tập cũng như biểu diễn đều ở trần, mặc quần đùi.
Năm 1945 Mặt Trận Việt Minh hoạt động mạnh, tinh thần chống Pháp của người dân sôi sục, hào khí lên cao. Đặc biệt thời gian này tôi ở khu Hàng Hành cạnh nhà thủy tạ hồ Hoàn Kiếm là nơi tập trung nhiều dân anh chị. Người dân ở đây bầu tôi làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, Phó Chủ tịch là người của Mặt trận Việt Minh. Chúng tôi tham gia phá những tượng đồng của Pháp ở Hà Nội như tượng Paulbert, tượng Đầm xòe ở cửa Nam, Đài kỷ niệm lính Khố xanh Khố đỏ…, phải huy động mấy tay ở lò rèn cùng với dân có võ mới phá nổi.
Thời kỳ này mọi người không còn nghĩ đến chuyện chưng diện nên nghề đóng giày không còn thịnh hành, tôi phải chuyển sang làm những công việc lặt vặt khác để kiếm sống. Việc dạy võ hễ có nơi nào mời thì dạy chứ chưa phải là công việc chính.
Trong năm 1945 thầy Nguyễn Lộc lập gia đình cùng cô Nguyễn Thị Minh là con của cụ ông Nguyễn Ngọc Hoán và cụ bà Bùi Thị Ngọ.
Cuối năm đó thầy được mời dạy võ ở Hải Phòng, tôi cũng đi theo thầy. Tôi được giới thiệu với anh Hải, Chủ tịch lực lượng thanh niên đồng thời là chủ tiệm ăn Hải Sinh ở đường Bonard (bây giờ là đường Nguyễn Thái Học) ở Hải Phòng.
Anh Hải có người em tên Sinh cùng với một người bạn mở tiệm giày lớn nên muốn mời tôi về hợp tác. Anh đề nghị tôi sẽ là một trong 3 người chủ cửa hiệu, phụ trách điều khiển thợ may vì tay nghề tôi cao hơn cả.
Cuộc sống của tôi lúc bấy giờ rất khó khăn, nay bỗng nhiên được mời làm chủ là một cơ may không dễ có được. Ngoài ra anh Hải cũng thuyết phục tôi ở lại vì anh cần người phụ trách mảng võ thuật tại Hải Phòng, lo tổ chức việc rèn luyện cho thanh niên, điều kiện tiền bạc do chính tôi đề xuất.
Giá như thầy Lộc còn dạy võ ở Hải Phòng thì tôi đã ở lại, nhưng vì thầy có việc phải trở về Hà Nội, thế là tôi từ chối rồi khăn gói theo thầy. Hai ngày sau khi tôi rời Hải Phòng thì nơi này xảy ra đánh nhau rất lớn giữa quân Tàu và quân Pháp, rồi sau đó là giữa quân Pháp và lực lượng tự vệ Việt Minh.
Vào giữa năm 1946 Pháp lật lọng sau khi ký hiệp ước Fontainebleau thừa nhận nền độc lập Việt Nam. Tại Hà Nội, vào tháng 10 năm 1946, Quốc hội ủy nhiệm cho Bác Hồ đứng ra thành lập Chính phủ mới, cuối năm đó các đoàn thể kêu gọi ủng hộ Chính phủ Việt Minh, chuẩn bị kháng chiến, tản cư khỏi thành phố.
_Hết Phần II_
Đón xem Phần III vào lúc 21h ngày 8/6/2015
Theo vovinamnghean.vn