Iaido – kỹ thuật rút kiếm và xuất chiêu cùng trong một chuỗi động tác (kì 1)

Môn Iaido (thường được gọi tắt là Iai) là một tập hợp những kỹ thuật chiến đấu về kiếm dài Nhật Bản nhằm huấn luyện rút kiếm và xuất chiêu cùng trong một chuỗi động tác.

iaido-techniques

Đòn tấn công đầu tiên thường nhắm vào thái dương hoặc mắt đối thủ. Các kỹ thuật gồm có những đòn sát thủ công, thủ, phản, biến. Sau đó, là kỹ thuật “rẩy” máu (chiburi) và tra kiếm vào bao (noto). Môn Iaido bắt nguồn từ thời chiến tranh Trung Cổ Nhật Bản (Sengoku-jidai, thế kỷ 14 đến thế kỷ 17). Sự an ninh thời ấy rất là bấp bênh nên các võ sĩ (samourai hay bushi) thường đeo kiếm trong người, lưỡi kiếm hướng lên trời.

Các võ sĩ nhận chân rằng khi đối phó với các đòn tấn công bất ngờ (ở góc đường, trong nhà), sự bạt kiếm và xuất chiêu một cách nhanh chóng sẽ tạo lợi thế căn bản cho trận đấu. Những nhận xét này đã đưa đến sự hình thành của môn Iaido.

Lịch sử

Truyền thuyết cho rằng Hayashizaki Shinsuke Shigenobu, sanh vào khoảng 1542 tại Shinzaki, Dewa, là người đã bắt đầu hệ thống hóa môn Iaido.

Hayashizaki đã lập ra hệ phái Iaido đầu tiên gọi là Hayashizaki-ryu, (cũng được gọi là Shinmeimuso-ryu hay Jushin-ryu). Ông truyền dạy cho đến quá 70 tuổi. Một trong những đệ tử của Shinsuke là Tamiya Heibee Shigemasa lập ra hệ phái Tamiya-ryu, rất được các Shogun (sứ quân?) ưa chuộng, một trong những truyền nhân của Shigemasa là Narimasa đã dạy Iaido cho shogun Tokugawa Ieyasu.

Sau đó, truyền nhân đời thứ 7, Hasegawa Chikarasuke Hidenobu phát triển hệ phái Hasegawa Eishin-ryu. Vào năm 1688, truyền nhân đời thứ 9 là Omori Rokkotai Morimasa sáng lập hệ phái riêng đặt tên là Omori-ryu dựa theo hệ phái Eishin-ryu và những bài quyền của hệ phái Kiếm thuật Sinkage-ryu bằng cách thêm vào nghi thức Seiza (quỳ gối) của hệ phái Ogasahara-ryu. Những trường hoặc hệ phái này (Ryu, Ryuha) thường được gọi với danh xưng Cựu Phái (Koryu).

iaido-techniques

Sau khi suýt soát bị thất truyền qua cuộc canh tân thời Minh Trị (Meiji) (1868) và lệnh cấm đeo kiếm (1876), môn Iaido được tái phát triển nhờ một trong những đại kiếm sư thời Minh Trị là Nakayama Hakudo. Sau khi học hệ phái Eishin-ryu, ông sáng lập ra hệ phái Musoshinden-ryu vào năm 1933. Môn Iaido hiện nay được phát triển và bành trướng mạnh mẽ tại Nhật Bản và toàn thế giới. Sự thành công bất ngờ của một môn võ thuật được xem như mang nhiều tính cách bí truyền này có thể giải thích được bằng 2 lý do chính sau :

– Các cựu võ sư thời Minh Trị nhận định rằng môn Iaido sẽ bị thất truyền nếu các hệ phái tiếp tục bế môn không chịu mở rộng đón nhận quần chúng.

– Các sáng lập viên ra môn Kiếm Đạo (Kendo) hiện đại không muốn thấy môn này biến thái thành một môn thể thao. Để các kiếm đạo sinh sử dụng thanh shinai (gươm bằng tre đan) như là một thanh kiếm chứ không phải như một cây côn, cần phải gìn giữ truyền thống nguồn gốc của Kiếm Đạo sinh động bằng cách sử dụng kiếm thật.

Seitai-Iai

Nhằm mục đích thống nhất và để cho tất cả kiếm đạo sinh có một căn bản chung, các võ sư lão luyện của Liên Đoàn Kiếm Đạo Nhật Bản (Zen Nippon Kendo Renmei – ZNKR) đã khai triển ra một trường phái mới tên là Seitei-Iai gồm có 12 bài quyền (Kata) trích từ những bài quyền của những Cựu Phái (Koryu). Những bài quyền này được mô tả rất chi tiết trong những tài liệu chính thức của ZNKR, và được một hội đồng võ sư các Cựu Phái cập nhật nếu xét thấy cần thiết. Như là số bài quyền, khởi thủy là 10 bài, được tăng lên 12 bài kể từ tháng 4 năm 2001.

Muốn thi lên đai thì phải biết những bài quyền này, thông thường ban giám khảo chọn 3 trong 5 bài quyền dự thi của trường phái Seitai-Iai, còn lại 2 bài thì do thí sinh tự chọn trong những bài quyền của môn phái mình. Cho nên, trừ trường hợp ngoại lệ, song song với trường phái Seitai-Iai, kiếm đạo sinh thường học thêm một hệ phái cũ (Koryu).

Trí Minh  (tổng hợp)