Kalarippayat ra đời cùng với lịch sử phát triển Ấn Độ. Hai cổ thư Purana và Mahabharata, có tuổi đời nhiều ngàn năm, đã đề cập đến môn này. Tương truyền, Kalarippayat được vị thần Parasurama khai sinh và ông truyền lại cho 21 đệ tử đầu tiên. Môn võ này có vị trí đặc biệt trong các cuộc đối đầu giữa các sắc tộc.
Sáu hoặc bảy năm đầu, theo đà tiến bộ, các môn sinh luyện tập cho thân thể dẻo dai. Trong nhiều năm học, họ phải bắt chước và luyện tập không biết mệt mỏi những động tác giống nhau dựa vào các động tác của tám con vật thần: voi, rắn, cá, ngựa, mèo, gà trống, heo rừng và sư tử. Các tư thế đều phải giống in các con vật nói trên khi chúng tấn công hoặc tự vệ. Toàn bộ nghệ thuật của môn sinh là hòa nhập được hai, ba hay bốn kỹ thuật của các con vật khác nhau trong một động tác.
Sau khi được võ sư công nhận đạt yêu cầu của bậc một (methari), môn sinh lên bặc hai (Kolthari)được dạy về vũ khí bằng gỗ (trường, trung, đoản côn).Kỹ thuật trường côn của Kalarippayat có một không hai trên thế giới. Môn sinh không hề nắm côn chỉ tại một nơi và côn luôn được thoa dầu. Hai bàn tay môn sinh di động dài theo côn, điều đó giúp người sử dụng biến hóa khôn cùng cách đánh và các góc đỡ, gạt. Đến bậc Ankathari, chuyên sử dụng các vũ khí bằng kim loại, môn sinh đã đạt độ học cao nhất. Họ được trang bị đoản kiếm và mộc như các chiến sĩ Kerala thời trung cổ.
Tất cả các đòn thế luyện tập trong nhiều năm, bất kể với loại vũ khí nào, đều nhằm vào một trong tám trăm huyệt được y học dân tộc Ấn Độ xác định. Chỉ một đòn của Kalarippayat đã có thể gây tử vong. Nhưng nhờ cách định liều lượng đòn người ra đòn có thể gây cho đối thủ từ bất động trong thời gian ngắn, dài đến bất tỉnh nhân sự. Ví dụ như sự chỉ tay đã khiến một số môn sinh phải nằm thẳng cẳng trên mặt đất. Tất cả chỉ do cường độ. Để cho đòn có hiệu quả phải cảm nhận đầy đủ tính hung hăng của đối phương. Đòn tấn công của đối thủ càng mạnh, sự trả đũa càng sấm sét. Đó là bí mật của sự cộng hưởng giữa lực vật chất và lực tinh thần nhằm tạo ra một lực tối thượng.
Trong lúc các môn võ khác như Thiếu Lâm, Karate, Jiu-Jitsu, Judo … đều được đề cao có khi đến tận mây xanh, nhưng tại một góc trời Ấn Độ xa xôi, môn Kalarippayat vẫn lặng lẽ. Có chăng, tại đây, những môn sinh thường kể cho nhau nghe về một câu chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi, câu chuyện đầy thuyết phục và thi vị về một cao tăng sau khi thụ giáo môn Kalarippayat thành tài, ông lặn lội đến Trung Hoa, diện bích 9 năm tại núi Tung Sơn, được tôn xưng sư Tổ Thiền Tông và sư Tổ Kung Fu Thiếu Lâm lừng danh thế giới … Và cũng từ hàng ngàn kilomet cách xa Trivandrum của thủ phủ Kerata, những nhà sư Thiếu Lâm Tự, những bậc thầy của môn Kung Fu lừng danh thế giới lại kể về hình tượng sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma, về sự ra đời của chùa Thiếu Lâm và môn võ của nhà chùa …
Tuấn Vũ (sưu tầm)