Võ đài quyền Anh, sàn đấu khốc liệt và bạo lực bậc nhất trong giới thể thao, lại là nơi mà nhiều cô gái trẻ chọn theo nghiệp “chịu đòn” vì gánh nặng mưu sinh bên cạnh niềm đam mê.
“Chân dài boxing” Nguyễn Thị Yến vững bước vào bán kết
Boxing: Cú đấm tay phải uy lực đưa Ngọc Anh vào bán kết
Bước xuống võ đài với khuôn mặt sưng tấy sau trận thua 0-3 ở bán kết trước đối thủ quá mạnh người Thái Lan, cô gái 21 tuổi Lê Thị Ngọc Anh buồn bã nói: “Đây là lần đầu tôi được dự SEA Games nên giành HCĐ cũng là một thành tích không quá tệ, tôi không thất vọng lắm vì kết quả này. Điều làm tôi nuối tiếc, nếu thắng trận và vào sâu hơn, tôi sẽ có thể giúp đỡ gia đình nhiều hơn trong thời gian tới, đặc biệt là em trai tôi đang học đại học”.
Sinh ra trong một gia đình con nhà nông ở Sóc Sơn (Hà Nội) và là chị thứ hai trong số năm anh chị em, từ nhỏ Ngọc Anh đã quen với việc phụ giúp ba mẹ làm lụng, trồng lúa để cùng nuôi bảy miệng ăn trong nhà. Thế rồi Ngọc Anh bén duyên quyền Anh trong một lần đăng ký học hè tại trường vào năm 15 tuổi. Ngọc Anh cho biết ban đầu cô học võ chủ yếu chỉ để có thêm sức khỏe nhằm phụ giúp ba mẹ việc đồng áng. Nhưng rồi với tố chất khá tốt, chiều cao cùng sải tay dài đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của các HLV tuyển trẻ của Hà Nội. Ngọc Anh nhanh chóng được nhận vào đội boxing Hà Nội và nghiệp quyền Anh chuyên nghiệp của cô bắt đầu từ đó.
Thi đấu chuyên nghiệp và giành được nhiều thành tích, Ngọc Anh kiếm được tiền phụ giúp gia đình. Ngọc Anh cho biết phần lớn số tiền thưởng kiếm được từ các giải đấu quyền Anh đều chuyển về cho mẹ để phụ giúp các em ăn học. Cô nói: “Tôi quyết định theo đuổi nghiệp quyền Anh vì đam mê nhưng một lý do quan trọng không kém là giúp bố mẹ bớt khổ”.
Giống như Ngọc Anh, người bạn thân thiết của cô ở đội tuyển là Nguyễn Thị Yến cũng quyết định chọn nghiệp quyền Anh để phụ giúp gia đình.
So với Ngọc Anh, Yến lớn hơn một tuổi nhưng dày dạn kinh nghiệm và giàu thành tích hơn khi từng giành HCB ở SEA Games 27. Trái với Ngọc Anh, Yến rời khỏi sàn đấu trong tâm trạng hân hoan khi cô đánh bại võ sĩ nước chủ nhà để giành quyền vào chung kết (ít nhất đoạt HCB). Yến nói: “Vậy là sắp tới tôi sẽ có thêm tiền để phụ giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học và một phần tôi sẽ dùng để trang trải học phí đại học. Quyền Anh đã cho gia đình tôi rất nhiều”.
Yến khoe thêm cô hiện đang giữ đai vô địch hạng cân 51kg của Giải vô địch quyền Anh Let’s Viet. Trên đường đến ngôi vô địch mùa giải 2014, Yến đánh tổng cộng ba trận và toàn thắng, mỗi trận thắng mang về cho cô 3,5 triệu đồng, còn vô địch được 25 triệu đồng. Gần 35 triệu đồng chỉ sau ba lần thượng đài, đó là số tiền mà ba mẹ của Yến phải mất nhiều tháng làm lụng và đủ nuôi hai em nhỏ ăn học cả năm trời ở ngôi làng nghèo Thổ Hà thuộc tỉnh Bắc Giang. Đó cũng là số tiền khá lớn của cô gái chỉ vừa tốt nghiệp phổ thông.
Nhưng để có được những vinh quang trên sàn đấu ấy, các nữ võ sĩ phải đánh đổi rất nhiều thứ. Cùng sở hữu khuôn mặt ưa nhìn, làn da trắng và chiều cao dong dỏng, cả Ngọc Anh lẫn Yến đều cho biết các cô đã phải vượt qua nhiều định kiến, sự phản đối từ gia đình để đến được với quyền Anh. Chẳng hạn, trong khi Ngọc Anh cho biết cô bị bạn bè trêu chọc suốt vì việc chọn nghiệp thi đấu quyền Anh thì Yến than thở: “Bố mẹ không ý kiến gì nhưng ông nội tôi cực lực phản đối vì lo lắng tôi sẽ bị ăn đòn nhiều, mặt mày bị sứt sẹo sau này sẽ khó lấy chồng (cười). Thật sự ban đầu tôi bị chảy máu mũi liên tục, da mặt cũng bị tổn hại khá nhiều, mắt bầm tím suốt. Nhưng dần dà có kinh nghiệm, biết cách né đòn rồi thì cũng tránh được”.
Chịu đòn, chịu khổ, chịu thêm cả điều tiếng của một môn thể thao vốn không được xem là thích hợp với giới nữ, các nữ võ sĩ quyền Anh vẫn cắn răng chịu đựng để phụ giúp gia đình. Yến nói: “Bố tôi làm thợ chụp ảnh, mẹ tôi buôn bán bánh kẹo nên việc nuôi cả ba chị em cùng ăn học một lúc là rất khó khăn. Tôi chịu đòn để đỡ đần bớt cho bố mẹ”. Còn với Ngọc Anh, trên vai cô gái 21 tuổi này là cả một gánh nặng gia đình với ba mẹ đều đã ngoài 50 tuổi, chị gái đầu đã đi lấy chồng và ba đứa em vẫn còn đang đi học.
Ông Vũ Đức Thịnh, trưởng bộ môn quyền Anh VN, cho biết phần lớn các em theo nghiệp quyền Anh ở VN đều là con nhà nghèo, sinh trưởng tại vùng nông thôn. Việc có thêm những giải đấu quyền Anh ở VN giúp các võ sĩ con nhà nghèo này cải thiện thu nhập rất nhiều. Võ đài quyền Anh vốn thu hút khán giả nên cũng vì điều này, nhiều cô gái trẻ sẵn sàng hi sinh vẻ nữ tính của mình bước lên võ đài để “chịu đòn”.
Theo Tuổi Trẻ