Sự khác biệt giữa tu học và học võ thuần túy

>>>Võ thuật và võ bị, việc binh<<<

Võ dễ học như thế sao? Thực ra để có mấy đòn thế thủ thân cũng dễ thật, được hướng dẫn và luyện dần sẽ đủ đầy làm vốn. 

dayvo

Ngày nay muốn luyện võ công người ta không phải leo rừng lội suối vào thâm sơn cùng cốc để cầu sư học đạo, không còn không khí lãng mạn và huyền hoặc như các sách kiếm hiệp đã khai thác mô tả. Võ học – cùng mọi cổ học khác còn tồn tại – hòa quyện trong đời sống xã hội và đã có tính thị trường như một tất yếu. Khắp nơi, từ đô thị lớn đến làng xã dưới quê, trong trường phổ thông hay khuôn viên trường đại học, cơ quan… có nhiều câu lạc bộ, lò võ tồn tại chính thức hay không chính thức.

Thị trấn nhỏ của quê tôi mà sự phổ biến võ học đã đều: sau một tiết học văn hóa, trẻ các cấp học được cha mẹ chở đến trường học võ, hoặc là Vovinam, hay Thiếu Lâm… Chen trong dây phơi quần áo thấy đó đây, vui mắt khi thấy đồng phục học sinh treo cùng với võ phục tinh tươm.

Võ dễ học như thế sao? Thực ra để có mấy đòn thế thủ thân cũng dễ thật, được hướng dẫn và luyện dần sẽ đủ đầy làm vốn.

Nhưng nói đến võ là nói đến một cái gì đấy toàn vẹn gồm Võ và Đạo, mà ngay cả người xưa cũng đã đề cao phần Đạo và có phát biểu: Đạo khó nắm bắt, nếu tường tận Đạo thì đấy không phải là Đạo, cao sâu vậy! Gấp gáp chạy theo thời khóa biểu, với nhịp sống công nghiệp, mất ít tiền và ít thời giờ, chưa hẳn thủ đắt được tinh hoa võ học, may mắn lắm thì được phần “cứng” của võ, như đã nói.

images

Thiếu Lâm được dẫn ra tại đây để phân tích vụng về: người tu sẽ học tốt hơn, rất tốt hơn, chắc chắn vậy. Một tăng ni tuân thủ giới luật nghiêm ngặt, giáo lý chuyên cần, khổ hạnh và tinh tế, đã có cái nền cứng cáp để luyện và thủ đắc võ. Khi ấy võ sinh không chỉ có những quyền cước mãnh liệt, chém đinh chặt sắt mà trên nền Định và Huệ, họ nhìn xa hơn, thấy rõ hơn, lẳng lặng tịch tịnh.

Đánh ai, đánh như thế nào là cả một câu hỏi cực kỳ nghiêm túc, họ được giới luật kiểm soát và hướng dẫn sức mạnh của chính mình. Sự tập trung tinh thần cao độ – tạm gọi vậy – khiến mọi giác quan võ sinh có tu ấy trở nên tinh nhạy khác thường, họ mạnh hơn nhiều một người học võ bình thường, học không tu.

Với Thiếu Lâm mà nói, Tu và Học hòa quyện hữu cơ không tách rời, bổ trợ cho nhau, đồng thời đưa võ thuật lên một tầm cao văn hóa, nhân văn, phân biệt rạch ròi sức mạnh của lẽ phải, đạo đức, sức mạnh con người với loại sức mạnh bản năng, sức mạnh thú tính, dã man. Từng nghe nói người xưa, những bậc cao nhân, chỉ truyền thụ võ học cho những học trò đã qua thử thách về đạo hạnh, và dạy trước phần Đạo, sau mới đến phần Võ, tinh tế vậy.

Ngày nay, theo bước tiến chung, phần Đạo cũng không thể chỉ hiểu cứng nhắc như thế, và ngoài Thiếu Lâm, nhiều môn phái võ thuật khác được dạy ngoài cơ sở tôn giáo, vậy Đạo được hiểu đúng như thế nào? Hiểu vụng: đấy là đạo đức, đạo làm người, tri thức luật pháp và trình độ văn hóa…

Đấy, võ thuật nào chỉ có tiếng hét, cú đấm, máu và knock-out, mà cao vợi, thâm sâu vậy…

Nguyễn Thành Công