Mặc quần đùi, đi dép lê và bộ râu nhôm nhoam không cạo khi đứng lởn vởn trước cửa đình Nam Chơn, đó là hình ảnh về chuẩn võ sư Francois Piere Flores và nếu không có những bài báo liên quan đến vụ thách đấu của võ sư này với ông Huỳnh Tuấn Kiệt – chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo, hẳn người ta có thể nhầm Flores với một anh “Tây ba lô” đang xuất hiện nhan nhản trên đường phố Sài Gòn, ở các công viên hoặc khu phố tây…
Môn sinh Nam Huỳnh Đạo đội mưa “thị uy” kẻ thách đấu
Có một phái võ khiến Flores phải kết bạn thay vì thù địch
Cái cớ của vụ thách đấu
Có lẽ cũng cần nhắc lại về bối cảnh của cái gọi là vụ thách đấu nói trên. Sau khi trên mạng lan truyền clip về màn thực hành một loại công phu nào đó của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt với các môn sinh của mình (mà sau đó người ta đặt tên là công phu “điện giật” căn cứ vào hình ảnh được thấy trong clip), rất nhiều người tỏ thái độ không tin vào loại công phu này, trong đó có võ sư Flores (môn phái Vịnh Xuân Nam Anh) ở Canada. Thông qua mạng xã hội, võ sư Flores đã bắn tin muốn mục kích công phu ấy từ võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, nếu quả đó là công phu có thực thì sẽ xin học. Trước thái độ im lặng của phía Nam Huỳnh Đạo, võ sư Flores tiếp tục “bóc mẽ” võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt về quá trình tầm sư học đạo của ông này dẫn đến lời qua tiếng lại và cuối cùng là lời thách đấu được đưa ra, theo đó võ sư Flores sẽ đến Việt Nam để thách đấu võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt. Về phía mình, võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt thông qua trang chủ môn phái cũng đã đồng ý xem xét việc thi đấu với võ sư Flores với điều kiện võ sư Flores phải tới với “tâm bình khí hòa”, trên tinh thần giao lưu trao đổi nhằm mở mang kiến thức võ học thay vì thách đấu hơn thua.
Việc võ sư Flores y lời tới Việt Nam và áp lực từ dư luận thông qua mạng xã hội và truyền thông rõ ràng đã khiến phía Nam Huỳnh Đạo bối rối. Dù vậy, môn phái này đã có những động thái ứng phó được cho là khôn ngoan khi thông báo rằng thứ công phu mà thiên hạ đang chế giễu nghi ngờ không phải là điện mà chỉ là nội công tâm pháp có được giữa những môn sinh luyện tập lâu năm với nhau trong môn phái, rằng võ sư Flores muốn thi đấu thì phải xin phép chính quyền theo quy định, và rằng môn phái Nam Huỳnh Đạo sẽ cử môn sinh ra đấu với võ sư Flores, còn võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, với tư cách chưởng môn phái, sẽ chỉ đấu với sư phụ của võ sư Flores mà thôi. Vào thời điểm trưa ngày 19/7 khi võ sư Flores tìm đến võ đường chính của môn phái Nam Huỳnh Đạo tại đình Nam Chơn, môn phái này thậm chí đã đồng ý cho võ sư Flores vào với điều kiện phải đi một mình. Tuy nhiên do võ sư Flores không đồng ý vào một mình nên rốt cuộc vụ thách đấu vẫn không thành.
Một kịch bản vụng về
Nói một cách công bằng, Nam Huỳnh Đạo đã “xử lý khủng hoảng” theo cách tốt nhất trong trường hợp vì lý do nào đó môn phái này không muốn công bố hoặc làm rõ thứ công phu gây tranh cãi của họ. Việc làm rùm beng chuyện thách đấu là do phía võ sư Flores, dẫn đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và rõ ràng việc Nam Huỳnh Đạo đòi phải có giấy phép thi đấu là đúng bởi họ chẳng dại gì để môn phái gặp rắc rối với chính quyền chỉ vì một anh võ sư vô danh. Với tư cách là người sáng lập một môn phái (nghe nói đông tới cả chục ngàn môn sinh), võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt cũng có lý do để từ chối thi đấu với chuẩn võ sư Flores, người mới chỉ ở hàng đệ tử của môn phái Vịnh Xuân Nam Anh.
Điều đáng thất vọng là mặc dù dẫn dắt dư luận vốn thích “hóng” về những trận thách đấu, thì cách cư xử của võ sư Flores với Nam Huỳnh Đạo – lý do chính khiến võ sư này tới Việt Nam – lại khá kém cỏi vụng về, nói thẳng ra là ở tầm thấp hơn hẳn. Trong khi cái cách Flores đòi hỏi xem công phu rồi sau đó “bóc phốt” ông Huỳnh Tuấn Kiệt có thể khiến những người thích hóng hớt thỏa mãn thì những phản ứng tiếp theo của Nam Huỳnh Đạo dường như làm cho Flores lúng túng. Thay vì đòi thách đấu, võ sư này tuyên bố chỉ đến để “bắt tay” võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt và nếu Nam Huỳnh Đạo cử môn sinh thi đấu thì phía Flores cũng sẽ cử đệ tử tiếp kiến – một thái độ có vẻ là “chữa ngượng” để đối lại với việc Nam Huỳnh Đạo chỉ coi Flores như hàng đệ tử.
Chỉ có điều Flores đã tới đình Nam Chơn trong bộ dạng mặc quần đùi, đi dép lê với bộ râu nhôm nhoam không cạo, và nếu không có những bài báo liên quan đến vụ thách đấu của võ sư này, hẳn người ta có thể nhầm Flores với một anh “Tây ba lô” đang xuất hiện nhan nhản trên đường phố Sài Gòn, ở các công viên hoặc khu phố tây… Kể cả chỉ đến để bắt tay chào xã giao thì cung cách ăn mặc như thế là thiếu tôn trọng đối phương và tạo ra hình ảnh chẳng mấy đẹp đẽ trong thời sự về làng võ. Không rõ có phải vì lối cư xử khá võ biền của võ sư Flores mà võ sư Nam Anh – chưởng môn phái Vịnh Xuân Nam Anh hiện cũng đang có mặt ở Sài Gòn – đã né tránh vụ việc này và coi đó là chuyện cá nhân của Flores, mặc dù Flores đang “gây hấn” với một trưởng môn phái khác (!).
Võ thuật không phải là chiêu trò
Cũng có chữ “võ”, nhưng võ mồm không phải là một bộ môn nằm trong võ thuật nói chung. Những trò giả trá hoang đường cũng không có đất để sinh sôi trong một nền võ thuật chân chính. Các công phu kỳ lạ nào đó như của Nam Huỳnh Đạo chẳng hạn, nếu chỉ là trò bịp thì chính những môn sinh của họ sẽ phải trả giá khi lâm vào tình huống buộc phải vận dụng đến võ thuật để sinh tồn. Còn để giao lưu võ học, một trong những phương cách quan trọng đúng là giao đấu học hỏi lẫn nhau, nhưng không phải theo cái cách xách ba lô lên và đi thách đấu lung tung mà không thèm thủ lễ tôn trọng đối thủ, bởi làm như vậy thì rốt cuộc là võ thuật chẳng thêm được lợi ích gì mà chỉ có võ mồm là phát triển. Thành thử thiệt hại vô hình do cái nhìn của người đời đem tới cho cả Nam Huỳnh Đạo lẫn Vịnh Xuân Nam Anh là không thể đo đếm được, chỉ vì họ đã vô tình hoặc cố ý coi võ thuật là chiêu trò nhưng lại mất kiểm soát thứ chiêu trò giá rẻ ấy.
K.P