Bên cạnh những môn võ thuật như: Thiếu Lâm, Võ Đang, Karate… được nhiều người công nhận, còn có hàng loạt những môn phái võ thuật mang tính huyền bí siêu nhiên mà khoa học chưa thể giải thích…
Lý do Thất Sơn thần quyền bị gọi là “võ ma, dị giáo”
Đại chiến giang hồ lừng lẫy của Thất Sơn thần quyền
Phái Thất Sơn Thần Quyền huyền thoại và “Thiết Đầu Công” vô địch
Theo lời hẹn từ trước của một võ sư quen biết, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Hữu Thanh (thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Đường đi quanh co khúc khuỷu, đến đầu làng hỏi thăm nhà anh Thanh dạy võ Thất Sơn không mấy ai không biết. Nhà anh Thanh nằm khiêm tốn bên những rặng tre cao vút đâm thẳng lên trời, xung quanh được che phủ bởi hàng cau xanh tốt.
Ở miền núi Thanh Hóa có một môn phái huyền bí có nhiều tên gọi khác nhau, môn sinh của họ chỉ luyện tập nội công trong vòng 6 tháng đã dùng đầu đập vỡ cả đống gạch hoặc chai thủy tinh cứng – một điều mà các môn phái khác phải bỏ ra rất nhiều năm, đôi khi cả đời cũng chưa đạt kết quả, môn võ thuật đó được gọi là Thất Sơn.
Thấy khách từ nơi xa đến để tìm hiểu về môn phái, anh Thanh vội sai môn sinh trải chiếu, pha trà mời khách. Vừa rót nước, anh vừa niềm nở nói: “Hôm nay ngày rằm, các môn sinh đến để kiểm tra trình độ, đó là quy định của môn phái, lát nữa tôi dẫn anh ra sân tập, anh sẽ hiểu hơn”. Ngập ngừng giây lát rồi anh nói tiếp: “Các anh đã hiểu gì về môn phái chúng tôi chưa, lát nữa chúng tôi sẽ chứng minh cho anh sức mạnh thần kỳ của môn phái”.
Nguyễn Hữu Thanh sinh năm 1982, anh theo tập Thất Sơn từ đầu những năm 2000, tính đến thời điểm hiện tại anh cũng đã có thâm niên “hơn một giáp” trong làng võ Thất Sơn. Anh theo học thầy Hồ Ngọc Bình (cùng quê với anh, người đã cất công xuống mãi huyện Triệu Sơn xa xôi để theo học rồi quay trở về truyền bá võ thuật ở quê nhà). Sau những tháng năm miệt mài luyện tập, anh Thanh đã vượt qua tất cả các bạn đồng môn, đạt được những thành tích xuất sắc, được sự cho phép của sư phụ, anh đã mở võ đường ngay tại nhà. Nhìn chàng trai trẻ tuổi, chúng tôi thấy thật khó tin khi anh lại là sư phụ của hơn 2.000 môn sinh với đầy đủ các thành phần trong xã hội, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo…
Anh Thanh chia sẻ với chúng tôi: “Người ngoài gọi môn phái chúng tôi với nhiều cái tên khác nhau: Quyền Thần, Quyền Thề, Thần Quyền… nhưng thực ra chẳng có cái tên gọi nào chính xác. Tên thật của phái chúng tôi gọi là Thất Sơn Thần Quyền I, bởi phái chúng tôi được chia làm hai phái: Thất Sơn Thần Quyền I và Thất Sơn Thần Quyền II với những cách luyện tập và chiến đấu khác nhau như sự khác nhau của hai phái Bắc Thiếu Lâm và Nam Thiếu Lâm vậy”. Nhấp một hớp nước, anh Thanh say sưa kể tiếp: “Môn phái chúng tôi không có quyền thuật, không có chiêu thức, võ sinh luyện tập theo kiểu võ tự do, ai nghĩ được chiêu thức nào thì sử dụng chiêu thức đó, không đi theo một khuôn mẫu nhất định nào cả, cốt làm sao cho đạt được sức mạnh hơn người là được”.
Theo chân anh Thanh, chúng tôi đến gian thờ tổ sư môn phái nằm sát bên phòng khách, bên trong thờ Phật Tổ, Phật Bà. Đến lúc này những thắc mắc về môn võ huyền bí mang tên Thất Sơn Thần Quyền đã được hé mở đôi phần, hình ảnh về 7 quả núi có mây mờ che phủ giờ đây đang hiện dần trước mắt chúng tôi. Thấy chúng tôi ngây người như khúc gỗ, “tiểu sư phụ” Thanh giải thích cặn kẽ: “Lâu nay nhiều người không hiểu cứ cho rằng môn phái chúng tôi mê tín, phù thủy, nhưng họ đã nhầm, chúng tôi thờ Đức Phật, môn sinh của chúng tôi làm những điều thiện, tránh xa cái ác. Môn phái chúng tôi có cách luyện tập riêng không thể cho người ngoài biết được, chúng tôi dựa vào những điều huyền bí để giữ gìn môn phái”.
Nội công “kinh thiên, động địa”
Sau một hồi hỏi han, chúng tôi ngỏ ý muốn ra võ đường xem võ sinh luyện võ, anh Thanh nhanh chóng đồng ý bởi: “Hôm nay ngày rằm cũng là hôm thử xem nội công võ sinh đã tiến triển đến đâu”.
Sân tập võ được anh Thanh mở ngay bên cạnh nhà. Anh vừa đi vừa nói: “Sân tập đó do anh em võ sinh góp tiền mua đất để lấy chỗ tập đó”. Quan sát một lượt quanh sân tập, chúng tôi chợt thấy rùng mình bởi trên nền đất chất một đống to tướng chai thủy tinh, một chồng gạch Hương Canh loại 1, hơn chục hòn đá hộc xanh loại chuyên dùng để… xây móng nhà. Chúng tôi căng mắt ra nhìn nhưng vẫn không tài nào tìm thấy một dụng cụ luyện võ chuyên nghiệp mà các võ đường hay sử dụng. Thầm đọc được suy nghĩ trong đầu chúng tôi, “tiểu sư phụ” Thanh vội nói: “Môn chúng tôi không luyện tập đấm, đá với bao cát, cũng không có mũ bảo vệ và cũng không luyện binh khí như dao, kiếm, côn… Cái chúng tôi luyện tập nó gần như thiên về sức mạnh nội công mang tính tâm linh, ngay bây giờ nhà báo sẽ thấy sức mạnh siêu nhiên đó”.
Để chứng thực, chúng tôi chia nhau đi kiểm chứng xem những chai, gạch, đá hộc trên liệu có bị ngâm axít, Bazo hay không, hay đã qua mưa nắng dãi dầu nên bị thay đổi toàn bộ kết cấu độ bền… Sau một hồi dùng gậy sắt gõ “keng keng” vào đá mà đá vẫn cứng trơ ra, không hề có dấu hiệu đã bị ngâm axít hay hóa chất, gạch thông tâm có hai lỗ ở giữa cứng chắc, không có viên nào có dấu hiệu bị biến dạng, gần 50 chai thủy tinh hoàn toàn nguyên dạng không có cái nào bị rạn nứt từ trước.
Trên sân tập lúc này có khoảng gần 50 võ sinh trẻ tuổi, mới nhập môn từ 3 đến 6 tháng, để đảm bảo khách quan không gian lận, vị sư phụ trẻ tuổi cho phép chúng tôi chọn tùy ý một môn sinh. Nhìn quanh một vòng, chúng tôi quyết định chọn một cậu trai khoảng 15-16 tuổi, gầy còm, có khuôn mặt non choẹt. Một tiếng hô lớn át đi sự tĩnh lặng: “Nam ra đi con. Con biểu diễn cho khách xem”.
Thiếu niên được chọn không một chút ngần ngại tiến thẳng ra giữa sân chào sư phụ và khách, trên mặt không một chút biến sắc, Nam giơ tay bắt quyết y hệt như trong các phim võ hiệp, sau đó cầm hai tay hai cái chai thủy tinh đập mạnh từng cái vào đầu. Hai chai thủy tinh vỡ tan tành, lắc nhẹ đầu cho mảnh chai không dính vào tóc, chàng thiếu niên tiếp tục dùng đầu công phá chai, kết quả là 10 chai thủy tinh bị phá hủy. Chưa dừng lại ở đó, Nam tiếp tục dùng đầu công phá gạch, 6 viên gạch “vô phúc” đã bị cậu thiếu niên trẻ tuổi trên “khai tử”.
Anh Thanh bảo: “Người luyện tập môn phái chúng tôi nếu chăm chỉ luyện đúng phương pháp thì có thể dùng nội công đập vỡ 5-6 viên gạch cứng là chuyện thường. Người tập luyện các môn khác khó có thể làm được như vậy hoặc nếu có làm được thì cũng để lại chấn thương”.
Sư phụ Thanh gọi một môn sinh nữ rồi nói: “Cho anh xem sức mạnh của nhi nữ bên chúng tôi nhé, nếu không xem anh lại không tin lời tôi nói. Đây là tiết mục để gạch lên đầu rồi dùng búa đập, nếu nội công không thâm hậu sẽ vỡ đầu như chơi”. Nữ môn sinh ngồi xếp bằng ngay ngắn, hai môn sinh nam lấy gạch xếp lên đỉnh đầu, chúng tôi đếm được 10 viên tất cả, một nam dùng búa tạ đứng bên cạnh. Chúng tôi đếm to lần lượt 1, 2, 3… “Choang”, chúng tôi lạnh hết cả gai ốc, rợn tóc gáy, chồng gạch trên đầu cô gái vỡ tan tành, nhưng mặt cô gái vẫn bình thản, đứng dậy như không có chuyện gì xảy ra. Sư phụ Thanh tiết lộ thêm: “Võ sinh đó lặn lội từ Nho Quan (Ninh Bình) vào đây theo học được 1 năm tròn, tuổi vừa 18”.
Để thêm phần sinh động “có nếp có tẻ”, anh Thanh quyết định thay đổi tiết mục, một nam đệ tử được chọn, võ sinh ngồi duỗi thẳng hai chân cho các bạn đồng môn xếp hơn mười viên gạch lên hai ống chân. Sau một lúc bắt quyết, một môn sinh dùng búa đập mạnh, kết quả mấy viên gạch vỡ nát trên ống chân, võ sinh đó từ từ đứng dậy cúi mình chào sư phụ.
Các đệ tử Thất Sơn Thần Quyền I đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Chúng tôi tưởng nội công “ống chân đập gạch” đã là cao siêu rồi, nhưng chưa, theo lời anh Thanh nói đó chỉ là nội công “lớp 1” ở đây mà thôi, còn có nhiều nội công “khủng” hơn nhiều. Để chứng minh, anh Thanh cho gọi một võ sinh ra biểu diễn. Một tảng đá xanh to, rắn chắc (40x50cm) được mang ra. Võ sinh bắt quyết rồi nằm trên nền đất, một võ sinh cho đá để trên bụng, một võ sinh cầm búa, sau tiếng hô 1,2,3, người cầm búa lấy hết sức mạnh táng vào hòn đá. Một tiếng chát chúa vang lên, hòn đá không vỡ, trơ ra như thi gan với võ sinh. Cả võ đường nín thở chìm trong im lặng. Lấy lại bình tĩnh, cả người nằm dưới đá và người cầm búa, rồi lại đếm 1,2,3… “Choang”, hòn đá vỡ làm 3 miếng dưới sức mạnh của cái gọi là “dao sắc không bằng chắc kê”, sức mạnh con người đã thắng khối đá lỳ lợm, môn sinh ngay sau đó đứng dậy, đi lại bình thường.
Chiều miền núi bóng tối nhanh chóng đổ ập xuống các ngả đường, màn sương mờ giăng kín lối về, các môn sinh sau màn biểu diễn cũng xem như đã qua một bài kiểm tra để anh Thanh phân loại đệ tử. Người này chưa đạt sẽ phải tiếp tục luyện tập, đệ tử kia đạt tiêu chuẩn sẽ được học lên một trình độ cao hơn. Anh Thanh tâm sự: “Do là môn võ có nguồn gốc từ đạo Phật nên người theo học cũng phải có căn duyên. Nếu không thì luyện tập chỉ dừng lại ở mức độ nào đó, còn nếu có căn duyên chỉ một thời gian ngắn luyện tập đã đạt được kết quả khả quan”.
Lễ nhập môn kỳ lạ và việc từ chối gia nhập liên đoàn võ thuật
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay môn phái Thất Sơn I (gọi tắt của Thất Sơn Thần Quyền I) chủ yếu xuất hiện ở một số vùng quê miền núi trung du Thanh Hóa như: Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn và một số ít ở tỉnh Nghệ An. Do việc người trong môn phái ít giao lưu với các phái bên ngoài, cũng như hạn chế việc tiết lộ về môn học nên ngoài những địa danh kể trên thì số lượng người biết đến môn võ bí hiểm đó còn rất ít, hoặc nếu có biết cũng sơ sài, thông qua nhiều nguồn thông tin khác nhau trở nên “tam sao thất bản”. Chính điều này đã làm cho môn phái càng trở nên huyền bí, thêm vào đó nhiều người còn thả vào đó hơi thở mang tính mê tín dị đoan, bùa ngải.
Anh Thanh giải thích, trong buổi làm lễ nhập môn, người thầy có chức năng phải đả thông huyệt đạo, khai mở kinh mạch, luân xa giúp cho người học phát huy hết những tiềm năng sẵn có lâu nay bị bó hẹp giờ đây được khai mở. Sức mạnh đó kết hợp với việc luyện tập đúng phương pháp sẽ giúp cho người học đạt kết quả cao.
Trước khi đến nhập học, môn sinh phải khai báo tên, tuổi, quê quán. Sư phụ sẽ chọn một ngày tốt hẹn môn sinh đến làm lễ nhập môn. Theo đó, người học phải mang lễ vật bao gồm hoa, quả, bánh, kẹo và lệ phí cho cả đời luyện võ chỉ có 100 ngàn đồng. “Đó là quy định, không ai được thu quá số tiền trên, nếu trái quy định sẽ bị đuổi ra khỏi môn phái” – anh Thanh nói.
Việc chọn võ sinh cũng khá khắt khe, không phải ai đến cũng nhận truyền dạy, đó phải là người không có tiền án, tiền sự, quan trọng hơn cả là phải có niềm tin vào môn phái. Anh Thanh cho biết: “Nếu không có niềm tin thì việc dạy cũng chỉ mất công mất việc mà thôi, được vài hôm lại bỏ học và cũng không theo học được cho đến nơi đến chốn. Nếu không có niềm tin thì tập luyện cả đời cũng không bằng người luyện tập một ngày, niềm tin đó cũng chính là sức mạnh không thể thiếu bên môn phái chúng tôi”.
Tôi có may mắn được tham dự buổi nhập môn đơn giản, nhưng hết sức linh thiêng. Trong gian thờ tổ, khói trầm nghi ngút minh chứng cho sự thành tâm của người học, môn sinh dâng nhang cùng lễ vật lên bàn thờ chứng tỏ lòng thành. Tiếp đó, môn sinh đọc 11 lời thề của môn phái trước bàn thờ tổ, cuối cùng môn sinh ngồi xếp bằng ngay ngay ngắn trước bàn thờ, anh Thanh ngồi xếp bằng phía sau bắt quyết rồi dùng hai bàn tay ấn vào lưng môn sinh y như các cao thủ võ lâm trong phim kiếm hiệp đang truyền nội công cho đồ đệ của mình. Thấy chúng tôi thắc mắc, anh Thanh vội giải thích: “Tôi truyền cho môn sinh một ít nội lực, đồng thời khai mở luôn các huyệt đạo kinh mạch để việc luyện tập được tốt hơn”.
Ngay sau khi môn sinh được truyền nội lực, đả thông kinh mạch xem như lúc này đã chính thức trở thành người của phái Thất Sơn. Tiếp đó, môn sinh giữ nguyên không được nói cười, rồi đi ngay ra sân bắt buộc phải tập quyền theo kiểu tự do nghĩ sao đánh vậy, đấm đá liên tục không nghỉ, chỉ khi nào mệt hết sức mới thôi. Chúng tôi được biết cách tập như vậy sẽ làm cho quá trình khai thông huyệt đạo trở nên hiệu quả hơn, nội lực được truyền lúc nhập môn được tăng lên gấp đôi, tố chất tiềm ẩn vốn sẵn có trong con người được khai mở, lúc này môn sinh có thể công phá vỡ gạch, chai thủy tinh khi đã hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của bản thân mình.
Sau lễ nhập môn, môn sinh sẽ về nhà tự luyện tập, hoặc hằng ngày đến tập ở võ đường. Nếu không thuận tiện cho việc đi lại, môn sinh có thể tự luyện tập ở nhà có khi vài tháng hoặc cả năm mới phải lên võ đường. Mỗi lần lên võ đường sẽ được huấn luyện viên kiểm tra nội lực bằng cách cho công phá vật cứng, nếu vượt qua thì tiếp tục học lên công phu cao hơn, nếu không đạt sẽ “lưu ban”. Khi nào cảm thấy tự tin về khả năng, huấn luyện viên sẽ tổ chức thi lại đạt yêu cầu mới được học bài mới.
Trong môn phái có ba mức độ lên đai: Đai vàng, đai đỏ, đai tím. Đai ở đây là một sợi dây vải được đeo vào cổ vào mỗi lúc tập, sau đó được cất ở một nơi cao ráo sạch sẽ. Việc luyện tập diễn ra hết sức nghiêm ngặt, hà khắc. Đai vàng dành cho người mới tập, nhanh nhất phải trải qua 3 tháng với mức độ công phá ít nhất phải đạt 2-5 viên gạch, chai thủy tinh cứng thì mới được lên đai đỏ. Có người tập luyện cả năm vẫn chưa qua khỏi mức đai vàng. Đai đỏ trải qua 3 mức độ, mỗi mức độ tập nhanh nhất phải mất 1 năm khổ công, qua 2 mức độ huấn luyện viên sẽ làm lễ “tốt nghiệp” cho phép môn sinh tự mở võ đường thu nhận võ sinh.
Sức mạnh vô hình
Bên cạnh những nội công như dùng đầu công phá gạch, công phá chai thủy tinh cứng, dùng bụng phá đá, còn có những tuyệt chiêu khác như: Nhai mảnh chai thủy tinh sau đó nuốt vào bụng, dùng tay không nhúng vào nước, mỡ đang sôi, dao chém vào người và nhiều tuyệt chiêu mà anh Thanh chưa tiết lộ.
Để cho chúng tôi “mở mắt”, anh Thanh cho gọi một môn sinh vào trình diễn. Một đống mảnh chai thủy tinh đã được chuẩn bị sẵn, một ca nước lạnh “tẩm bổ”, môn sinh cầm mảnh chai cho vào miệng nhai “rộp, rộp” nghe rợn cả quai hàm. Khi đã nhai kỹ, môn sinh cầm ca nước ngửa cổ uống ừng ực cho mảnh chai nhanh trôi vào bụng. Khiếp sợ hơn khi vị sư phụ trẻ tuổi cho đun sôi sùng sục một nồi nước to, sau đó cho môn sinh thò tay vào quấy đều như “luộc rau” mà đôi bàn tay không hề bị bỏng, rộp. “Chúng tôi tin có một lực lượng siêu nhiên huyền bí luôn giúp đỡ, bảo vệ chúng tôi. Sức mạnh chúng tôi có được là do tâm linh mang lại” – anh Thanh khẳng định.
Thất Sơn Thần Quyền là một võ phái hết sức kỳ lạ, bởi đây là môn phái luyện tập theo kiểu võ tự do, không có hệ thống quyền pháp phức tạp, không luyện tập binh khí cũng như thi đấu đối kháng. Người luyện tập theo cơ chế “thoáng”, nghĩ đâu đánh đó, đánh không theo khuôn mẫu. Nhìn một người theo Thất Sơn luyện tập múa may quay cuồng, không giống bất kỳ một môn võ nào, y như người “tẩu hỏa nhập ma”, nhưng ẩn chứa đằng sau đó là một sức mạnh tuyệt đỉnh, chỉ cần lãnh một đòn đối phương có thể vong mạng.
Nhiều người có tiếng trong làng võ khi giao đấu với đệ tử môn phái Thất Sơn đã tỏ lòng khâm phục trước sức mạnh không ngờ của các võ sinh, nhất đòn đánh mang tên Hổ Công, lực tuy phát ra nhẹ nhàng nhưng có thể làm cho đối phương nhanh chóng nếm mùi thất bại. “Mỗi đòn đánh của họ được phát ra trông rất ngượng ngùng, song nếu khinh địch ta sẽ bị loại ngay ra khỏi vòng chiến đấu, bởi lúc này không phải là đòn đánh của võ sinh nữa, mà đằng sau đó nó là cú đánh của 7 người vô hình đang ẩn mình trong võ sinh hợp lại” – đó là lời của một vị võ sư kể lại.
Nhìn các võ sinh luyện tập trong sân, chúng tôi chợt nhớ lại trước đây có dịp đi xem biểu diễn nội công đại hội của một môn phái tại Hà Nội, vị võ sư giới thiệu trước đông đảo khách tham quan một đệ tử “cưng”, với thâm niên 18 năm khổ luyện. Lúc anh ra biểu diễn nội công cũng chỉ công phá được 8 viên ngói lợp nhà bằng đầu, cả hội trường vỗ tay rào rào. Chúng tôi để ý kỹ, trước khi đập mấy viên ngói, anh ta ngồi “vận khí đan điền bảo vệ não bộ”, hít hít, thở thở một thời gian khá lâu mới dám công phá 8 viên ngói, sau khi công phá xong anh ta lại mất một thời gian ngồi lại để “trả khí đan điền” mới đi lại được.
Nếu so sánh nội công anh chàng khổ luyện 18 năm kia với các võ sinh luyện 1 năm ở đây thì anh ta phải gọi các em bằng… sư phụ. Bởi các em cầm gạch xây nhà lên, lắc đầu một vòng “bảo vệ gân cổ”, rồi hô 1,2,3 là… đập vỡ gạch ngay, rất nhanh, không cần phải “vận công ép khí” nhiều. Và, khi công phá gạch xong rồi cũng không cần phải “thu khí đan điền” mà tự do đi lại như người ta vừa đập vào đầu một cái… bánh đa vậy.
Những người theo môn phái Thất Sơn tất cả đều sống một cuộc sống giản dị, không khoa trương, khoe khoang, họ rất ít tiết lộ cho người ngoài biết về môn mình học và có một điều họ không gia nhập bất kỳ tổ chức võ thuật nào. Anh Thanh vui vẻ cho biết: “Chúng tôi không thu học phí mỗi tháng như các võ đường truyền thống, cả cuộc đời luyện võ của môn sinh chỉ đóng học phí đúng 1 trăm ngàn khi nhập môn”. Để mang lại thu nhập cho gia đình, anh Thanh đã phải đi làm đủ mọi thứ nghề, sau bao ngày vất vả anh đã làm chủ một cửa hàng tạp hóa mở ngay ở đầu phố. Anh dạy võ thuật Thất Sơn vì cái tâm với nghề, cái nghiệp đã gắn vào trong anh không thể dứt bỏ.
Tạm chia tay với vị sư phụ trẻ của hơn 2.000 võ sinh, trong chúng tôi luôn ám ảnh về những con người nhỏ bé mà có sức mạnh phi thường, làm những việc không phải ai cũng làm được. Chúng tôi tin trong những năm tới môn võ đó sẽ được nhiều người biết đến với một tinh thần thượng võ mà ông cha ta từ xa xưa đã để lại.
Theo Laodong.com.vn