Về tới nhà, vội ăn ổ bánh mỳ, người nữ võ sư lại ngồi vào bàn viết, ngẫm ngợi về cuộc đời, trằn trọc cho bao số phận, sâu lắng với những chiêu thức quyền cước và thế là các tác phẩm võ học lần lượt được xuất bản. Sáu mươi tám tuổi đời nhưng nghiệp võ với bà còn nặng lòng như thủa khai môn.
Võ cổ truyền – Phương pháp tập quyền và chiến đấu
18 loại binh khí trong võ cổ truyền Việt Nam
Biến võ thuật thành nghệ thuật
Trong làng võ Việt Nam, nữ võ sư Thu Vân được biết đến như nữ cao thủ hiếm hoi. Ngoài ra bà còn là một người luôn hết lòng tận tâm với nghiệp truyền dạy võ học. Sinh năm 1945 tại Hà Nội, theo nghiệp võ thuật từ năm 13 tuổi, đến năm 44 tuổi bà được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu đẳng cấp cao nhất: Bạch đai 18/18.
Năm 1997, bà tiếp tục được nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú vì những đóng góp trong ngành giáo dục. Ngoài công việc của một võ sư, một nhà giáo, võ sư Thu Vân còn là một cascadeur hàng đầu trong ngành điện ảnh, chuyên đóng thế những cảnh quay gay cấn, nguy hiểm.
Bà cũng là người khai sinh ra một môn võ mới, gọi là Võ Nghệ Thuật được ứng dụng trong hình thức sân khấu cải lương. Căn cốt của môn võ này đó là những chiêu thức võ thuật cổ truyền được bà nghiên cứu, sáng tạo và biến thành những điệu múa mềm mại, uyển chuyển giúp người thưởng thức cảm nhận được cái hay, cái đẹp của võ Cổ truyền dân tộc.
Tôi được diện kiến nữ võ sư đáng kính này tại một lò võ ở Lăng ông Võ Tánh (Hẻm số 19 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận). Nhìn thấy tôi, bà bước tới hỏi thăm bằng cái giọng khàn khàn. Thân hình bà nhỏ bé, tóc ngắn, đã điểm sương, từng đọn quăn tít, dường như thời gian đã làm dáng bà hơi còng về phía trước, nhưng bước chân vẫn nhanh lẹ đến lạ thường.
Anh Vũ Xuân Tài, một môn sinh lâu năm của bà cho biết về sư phụ của mình: “Từ trước tới nay tôi chưa bao giờ thấy một người thầy nào lại tận tâm, tận lực với học trò như sư phụ.
Cô không chỉ dạy võ thuật, cách ăn nói mà còn dạy bọn trẻ hát, dạy đàn, dạy tuồng, dạy kể chuyện. Cô dạy hát cả khi đã khản tiếng, múa võ cho các em học theo cả lúc ho sặc sụa. Cô chạy tới chạy lui với từng lớp cả khi đang điều trị (trốn viện) chỉ vì muốn biết hôm nay lớp có vắng đứa nào không, tiến độ tập luyện thế nào, học trò nào mới đến chưa có đồng phục? Chỉ vậy thôi ta đã biết tấm lòng quyện với cái nghiệp như thế nào trong con người cô rồi”.
Đem chuyện này hỏi Võ sư Thu Vân, bà tủm tỉm cười rồi bắt đầu kể về nguyên nhân mà vì nó bà đã gắn bó cuộc đời mình với bọn trẻ. Trong một lần đến Trung tâm trẻ khuyết tật huyện Củ Chi, bà phát hiện ra khả năng thông minh của những đứa trẻ bị câm điếc. Chính hình ảnh tàn mà không phế của các em là tấm gương sáng cho mình noi theo, bà nghẹn ngào nói.
Trước đó không lâu bà bị suy sụp, buồn chán khi phát hiện mình đang mang trong người căn bệnh ung thư hiểm ác. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, bà đã gạt đi tất cả những lo ngại ấy và lao vào công việc.
Võ sư Thu Vân luôn trăn trở: “Làm sao để cho những đứa bé chưa nhìn thấy ánh sáng, chưa bao giờ có khái niệm hình tượng về bất cứ động tác hình thể nào đều có thể học được võ, những đứa chưa từng nghe thấy có thể hát theo nhạc và đúng tiết tấu, âm điệu.
Và rồi từ những trăn trở đó, hàng loạt các địa điểm dạy cho trẻ khuyết tật, trẻ cơ nhỡ được bà khai môn ở các chùa, các Trung tâm khuyết tật và làng SOS”.
Ai cũng biết, việc đào tạo cho trẻ khuyết tật quả không hề đơn giản chút nào. Trẻ khiếm thị hát lên mà không biết lời ca của mình có đúng với động tác của người múa hay không. Còn những đứa trẻ múa bị câm điếc lại không nghe được nhưng vẫn phải múa sao cho khớp với lời ca, tiếng đàn.
Điều này đòi hỏi người luyện tập cho các em phải có kinh nhiệm lâu năm và phải có những sáng tạo và quyết tâm trong công tác giảng dạy.
Hiện tại, Võ sư Thu Vân đang có kế hoạch xuất bản cuốn sách thứ 3 với những tuyệt chiêu mà cô đã nghiên cứu và giữ gìn suốt 50 năm qua. Thế nhưng dự định này còn gặp nhiều khó khăn vì kinh phí eo hẹp. Cuốn sách mang tựa đề: “Tuyệt chiêu của Võ cổ truyền Việt Nam ứng dụng trên Sân khấu – Điện ảnh – Tự vệ ngoài đời. Võ sư Thu Vân hy vọng những nhà hảo tâm, những Mạnh Thường Quân sẽ hợp tác, hỗ trợ cùng chung sức xuất bản cuốn sách, nhằm góp phần truyền bá võ học dân tộc trong dân gian và lưu giữ cho hậu thế”.
Cho đồng nghĩa là nhận
Dù khó khăn chồng chất là thế, nhưng với tấm lòng và tài năng của mình, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thu Vân đã giúp những đứa trẻ khuyết tật ấy đã và đang trở thành những nghệ sĩ đích thực của nghệ thuật diễn xướng dân tộc.
Có thể kể đến trường hợp một đội lân ở trường Khuyết tật Hóc Môn do một mình bà trực tiếp chỉ dạy. Đó là nơi những cậu bé bị tật chân mà vẫn có thể ngồi xe lăn cầm đầu lân nhún nhảy, phía sau là người bạn khác bị khiếm thính điều khiển lân di chuyển, lượn sóng.
Khi đi biểu diễn, chỉ một mình bà, một tay bấm em này, một tay ra tín hiệu cho em khác, đôi khi bà còn ra hiệu cho các em bằng ánh mắt, bằng nụ cười. Nhìn các em biểu diễn tiết mục đó nhiều người xem không kìm được nước mắt.
Bà hóm hỉnh kể, không chỉ đầu tư thời gian, công sức, 2 lần bà lấy trộm tiền của chồng mang đi cho. Một lần bà lấy 100 USD mua quà phát cho bà con nghèo dưới Tường Đa – Bến Tre. Lần khác bà lấy 50 USD đi mua lân tặng các cụ ở ấp Tân Long 3 Mỏ Cày Bến Tre.
Sau đó, đội lân ấy đã đoạt giải II trong một cuộc thi múa lân cấp tỉnh. Cả hai lần ông đều cười xòa trước “kẻ trộm” giàu lòng nhân ái này.
Khi chồng bà còn sống, ông hiểu được nỗi lòng của vợ, nên cả hai ông bà cùng chung sức, giúp đỡ hết mình cho những số phận hẩm hiu. Bất chấp khi đang lâm bệnh hay lúc khó khăn phải bán cả nhà, ông bà đều không mảy may do dự.
Bà tâm sự: “Tuy mình khổ, nhưng có rất nhiều người còn khổ hơn mình. Vì vậy hãy giúp họ khi có thể. Của cho là của còn, của ăn là của mất. Bà chỉ có một ước mơ cháy bỏng là làm sao mỗi em đều có một bộ võ phục mặc cho tươm tất, có sàn tập để ngã xuống cho êm. Nhìn các em ngã, bị đất cát văng vào mặt, thương quá là thương”.
Võ sư – nhà giáo ưu tú Nguyễn Thu Vân luôn hướng đạo cho các em trước khi học võ. Với bà, học đạo là học làm người, có đạo mới là anh hùng, tuấn kiệt. Vì thế, chính người thầy phải là tấm gương sáng cho môn sinh. Bà luôn nêu cao ngọn cờ; “Giáo bất nghiêm, sư chi đọa (người thầy không dạy dỗ nghiêm chỉnh đó là một người thầy xấu xa), để răn dạy chính mình và học trò. Chính cái tâm này của bà đã làm anh Nguyễn Hoàng Huy Phát (một võ sư trẻ ẩn dật) cảm phục và xin bái lĩnh theo bà tầm đạo.
Với những đóng góp to lớn cho việc bảo tồn, phát triển võ Cổ truyền và Nghệ thuật sân khấu điện ảnh Việt Nam, võ sư Thu Vân đã được Bộ VH – TT – DL trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa và Thể thao. Hiện nay cô đang đảm nhiệm chức Chủ nhiệm CLB Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, Cascadeur thuộc Trung tâm UNESCO Điện ảnh Đa truyền thông và cố vấn nhiều CLB võ thuật khác.
Danh xưng “nghệ thuật vị nhân sinh”
Giáo sư Trần Văn Khê từng nhận xét: “Võ sư Thu Vân đã đi đến bước cao nhất của nghệ thuật đó chính là nghệ thuật vị nhân sinh. Trong đó, Thu Vân biến thành tiên, đem con mắt cho người không thấy, đem lỗ tai cho người không nghe. Sức khỏe yếu kém vì bạo bệnh nhưng Thu Vân đã đòi lại sức sống, không phải cho mình mà cho trẻ khuyết tật. Đối với tôi, Thu Vân có Hạnh Bồ Tát, Thu Vân là một người toàn vẹn, không chỉ có tài mà còn có đức, có tâm”
Người đưa tin