Nói tới những “ngôi sao sáng” nhất trong làng võ cổ truyền Việt Nam, không thể bỏ qua võ phái đất Bắc nổi tiếng Nam Hồng Sơn – môn phái trứ danh tại miền Bắc được đặc biệt ái mộ.
“Võ sĩ gấu” đấm bốc như thật trên sàn đấu Boxing biến tướng
Võ Pankration – Cái nôi ra đời của những chiến binh Sparta.
Một chiều tháng Tám, chúng tôi ghé thăm võ đường Quán Thánh, ngôi đền cổ kính, trầm mặc của thủ đô để tìm hiểu đôi chút về môn phái được coi là “vì tinh tú” này.
Từ nỗi căm phẫn giặc cướp đến những tuyệt học võ công
Tại võ đường Quán Thánh (võ đường nổi bật nhất của môn phái), chúng tôi được võ sư Bùi Đăng Văn – thành viên Ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN, người có hơn 30 nặm gắn bó với Nam Hồng Sơn này.
Theo lời kể của võ sư Bùi Đăng Văn thì Nam Hồng Sơn được ra đời từ một hoàn cảnh khá éo le. Theo đó, cách đây hơn một thế kỷ, cụ Nguyễn Nguyên Tộ (tức Sáu Tộ) sinh năm 1895 tại làng Văn Hội xã Bạch Đằng (tỉnh Hà Tây cũ) nay là con trai thứ sáu của cụ Nguyễn Khoát, trong một gia đình thương gia.
Cuộc sống đang yên ổn thì năm 1909, một bọn giặc cướp đã đến cướp phá và lấy hết của cải của gia đình. Bản thân cụ Khoát bị chúng đánh cho đến thập tử nhất sinh. Kể từ đây cuộc sống gia đình trở nên lầm than. Trước cảnh bị đám thảo khấu làm hại, cụ Tộ rất căm phẫn, trong đầu cụ nung nấu ý nghĩ phải đi học võ để tự bảo vệ lấy mình và bảo vệ mọi người.
Quyết chí, cụ xin phụ mẫu cho ra Hà Nội để lập nghiệp và tầm sư học đạo, xin vào làm tại một cơ sở chuyên sửa chữa săm lốp ôtô, ở phố Hai Bà Trưng ngày nay. Cũng thời gian này bên Tàu có loạn nên nhiều người phiêu bạt sang Việt Nam để kiếm kế sinh nhai, trong đó cũng có một số thầy võ.
Cụ Tộ đã tìm đến xin theo học môn võ Thiếu Lâm Nam phái. Lúc này người Pháp cấm học võ nên phải tập ở những nơi kín đáo, địa điểm luôn luôn thay đổi nên gặp rất nhiều gian khổ. Không nản chí, cụ vừa đi làm vừa lấy tiền học võ suốt mười năm ròng. Khi đã nắm được một số nền tảng võ học, cụ thấy cần phải nghiên cứu tìm hiểu thêm về nền võ thuật cổ truyền của đất nước mình.
Ở Hà Nội lúc bấy giờ có ba cụ nổi tiếng về tài võ Việt là cụ Ba Cát, cụ Cử Tốn và cụ Hàn Bái. Qua thời gian dài qua lại cụ Sáu Tộ đã được các cụ yên mến và nhận làm anh em kết nghĩa. Cụ Sáu Tộ ít tuổi hơn ba cụ nên làm em út.
Các bậc sư huynh sau đó đã mang sở học của mình để truyền dạy. Sau nhiều năm luyên tập, cụ Sáu Tộ đã nắm được cơ bản tinh hoa của hai dòng võ Việt và Trung Quốc. Cụ thấy sự kết hợp sẽ làm cho võ thuật phong phú và thêm phần lợi hại. Cụ đã xây dựng một giáo trình riêng biệt để dành cho một môn phái mới ra đời.
Cụ đã đặt tên cho môn phái là Nam Hồng Sơn với ý nghĩa: Nam – là võ Việt Nam; Hồng – là thiếu lâm Hồng Gia và Sơn – là sự vững chãi và hùng vĩ như núi. Môn phái đã chính thức ra đời năm 1920. Lớp võ đầu tiên được khai giảng ở công viên Thống Nhất ngày nay. Năm 1984, trước khi mất cụ đã truyền lại vai trò chưởng môn cho con trai cả là Nguyễn Văn Tỵ – võ sư vẫn đứng đầu môn phái tới tận ngày nay.
Đến dân giang hồ cũng phải ngán!
Theo lời kể của võ sư Văn, từ những thập niên 40, Nam Hồng Sơn đã đào tạo nhiều võ sĩ lừng lẫy cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Nổi danh có những tên tuổi “khét tiếng” như Mùi đen (biệt hiệu Hắc Hổ), Cả Nhâm (Bạch Hổ), Ba đen … Những võ sĩ này thi đấu khắp 3 miền và giành nhiều chiến công cho môn phái. Không chỉ vang dội trên võ đài, những bậc “cao thủ” này còn khiến rất nhiều tay giang hồ thời ấy phải ái ngại.
Thậm chí đã có những tay anh chị có “số má” thời đó khi nghe tới Hắc Hổ, Bạch Hổ, Ba đen cũng đều phải chùn bước, không dám bén mảng gây sự. Theo lời kể của võ sư Văn, ở thời kỳ những năm 1986 đến khoảng 1988, do bị ảnh hưởng bởi làn sóng phim “chưởng” du nhập về Việt Nam, đặc biệt là hình tượng Lý Tiểu Long, nên làng võ lúc bấy giờ cũng có một số xung đột.
Một số võ sĩ của các môn phái đã tới các võ đường của phái khác để thách đấu. Với uy danh của mình, Nam Hồng Sơn cũng là một trong số những đích đến của không ít những “cao thủ”. Tuy nhiên khi đặt chân tới đây, được sự giảng giải về đạo nghĩa và nhờ vào cái “uy” của của các võ sư Nam Hồng Sơn nên chẳng còn ai nung nấu ý nghĩ thách đấu nữa.
Cũng có những lần một vài môn phái ở miền Bắc có xích mích với những thế lực giang hồ, tuy nhiên sau đó một số võ sư của Nam Hồng Sơn đã đứng ra can thiệp để giảng hòa, giúp dân làng võ tránh đi những cuộc xung đột có thể gây ra đổ máu.
Theo võ sư Văn, mặc dù có tiếng tăm trong làng võ nhưng các môn đệ Nam Hồng Sơn chưa khi nào dùng võ để hành xử một cách lỗ mãng hoặc gây tổn hại cho người khác, bởi sự thấm nhuần về võ đạo. Thời gian sau, có không ít môn đệ Nam Hồng Sơn đã đi theo cách mạng trong các đơn vị quân đội nhân dân VN và trở thành các sĩ quan huấn luyện võ thuật.
Nam Hồng Sơn là môn võ có sự kết hợp hoàn hảo giữa phái Thiếu Lâm Hồng gia của Trung Quốc và dòng võ “cử nhân”, võ cung đình của Việt Nam (của những Trạng võ thời Nguyễn). Nam Hồng Sơn là môn phái cực hiếm hoi hiện nay vẫn còn gìn giữ được một số bài võ cổ thuộc chương trình thi võ của triều Nguyễn.
Về mặt kĩ thuật, điều đặc biệt ở Nam Hồng Sơn đó là trong 3 năm đầu, môn sinh luyện tập võ thuật Trung Hoa. Những năm tiếp theo, các võ sinh học võ thuật cổ truyền Việt Nam gồm nhiều bài quyền kết hợp với tập khí công và nội công. Tuy nhiên tới nay, cách thức tập luyện của Nam Hồng Sơn cũng được các võ sư vận dụng một cách linh hoạt hơn nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho các môn sinh.
Theo võ sư Bùi Đăng Văn, bên cạnh lực lượng rất đông đảo tại Việt Nam, Nam Hồng Sơn còn được phát triển mạnh mẽ ở Ba Lan, Czech và đặc biệt là Đức. Đặc biệt, trong hệ thống kỹ thuật của Nam Hồng Sơn ngày nay vẫn có bài quyền rất đặc sắc là La Hán Quyền.
Theo một số tài liệu thì ngay cả ở Trung Hoa hiện tại thì bài trong hệ thống của môn phái Thiếu Lâm người ta cũng không tìm được những tư liệu liên quan tới La Hán Quyền, do đã bị thất truyền.
Môn võ của Điện ảnh?
Nam Hồng Sơn chính là môn trong số ít môn phái có đóng góp lớn nhất cho điện ảnh võ thuật VN. Bởi hiện Nam Hồng Sơn đang có khá nhiều các võ sư (như Bùi Đăng Văn, Lê Hồng Quang…)chính là những đạo diễn và chỉ đạo khá nhiều bộ phim võ thuật. Võ sư Bùi Đăng Văn cũng chính là một trong những người đầu tiên mở các lớp đào tạo cascadeur từ những năm 1993, 1994.
Trong các thước phim, các võ sư tập trung toàn bộ vào các thế võ Việt Nam (trong đó các chiêu thức Nam Hồng Sơn đóng vai trò chủ đạo). Có thể kể tới các bộ phim như Ván cờ vồ, các phần 1, 2, 3…Sắp tới, võ sư Bùi Đăng Văn cũng đang ấp ủ kế hoạch làm trợ lý võ thuật cho một bộ phim dài 26 tập của Hãng phim truyền hình VN, nói về cuộc chiến Mậu Thân năm 1968 với rất nhiều cảnh võ thuật đặc sắc.
Có thể bạn quan tâm: Võ sư Bùi Đăng Văn và bài Tứ Linh đao
[jwplayer player=”1″ mediaid=”67600″]
Theo Trí Thức Trẻ