Võ thuật có thể xem là một hình thái văn hoá, là phương thức giáo dục “đạo làm người”, là công cụ rèn luyện sức khoẻ, là kỹ năng tự vệ chiến đấu, là nghệ thuật sống thanh lãng, an lạc.
Tuy mỗi phái võ đều có sắc thái riêng, đường nét kỹ thuật quyền cước riêng, nhưng tựu trung, vẫn có điểm chung nhất, đó là nền tảng Võ đạo: giúp người học rèn luyện sức khoẻ, kỹ năng chiến đấu, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, và một tinh thần minh mẫn, thanh tĩnh, an lạc.
Ngày nay, nếu Võ không còn là vũ khí lợi hại như xưa, và con người có nhiều phương pháp hấp dẫn hơn để rèn luyện sức khoẻ, thì hiệu quả giáo dục của Võ lại quá cần thiết cho con người thời văn minh hiện đại, thời của giao lưu hội nhập.
Tuổi mới lớn là tuổi “năng động”, là tuổi “gà con háu đá”, luôn có nhu cầu giao tiếp, qua đó phát hiện mình, thể hiện mình, khẳng định mình… Cho nên, đừng ngạc nhiên khi thấy tuổi trẻ thích tụ tập, múa may, leo trèo, gây lộn, đập lộn. Nếu nhu cầu chính đáng ấy không được đáp ứng, hậu quả sẽ thế nào, hẳn mọi người đã biết. Trong một xã hội phức tạp và có quá nhiều cám dỗ như hiện nay, Võ đường là môi trường lành mạnh, nơi hiếm hoi còn giữ được truyền thống “tôn sư trọng đạo”, lại được tổ chức và quản lý chặt chẽ; là nơi cung cấp cơ hội cho các em phát hiện mình, thể hiện mình, khẳng định mình. Cho nên, để đáp ứng nhu cầu phát triển chính đáng của thanh thiếu niên, thiết nghĩ, cách tốt nhất là cần có thời gian cho các em rèn luyện ở các Võ đường.
Tuổi trẻ còn là tuổi của vui chơi. Tước mất niềm đam mê đó của các em, không khéo biến các em trở thành những nhân cách méo mó, bệnh hoạn. Võ thuật là một trò chơi lành mạnh, bổ ích. Nó không chỉ giúp đào luyện thân thể tráng kiện, mà còn giúp un đúc một tinh thần minh mẫn. Thời hiện đại, có quá nhiều trò chơi hấp dẫn nhưng độc hại: games, nhậu nhẹt, bài bạc, hút sách, đàn đúm… và biết bao thứ cám dỗ khác. Hàng tuần, đôi ba buổi chiều, các em dành chút thời gian đến Võ đường tập luyện; tối tối, dành nửa giờ, mười lăm phút ôn tập quyền cước. Thế có phải hay hơn không so với để các em dán mắt vào màn hình chơi games, thất thểu đi quanh bàn bida, hay đắm chìm trong các bãi nhậu?
Ngày nay, tuổi trẻ còn phải bị học quá nhiều: học ngày, học đêm, học thêm, học luyện, học thi… Bộ óc non nớt của các em bị dày vò quá mức. Chưa có thống kê nào về hậu quả của sự tàn phá đó. Nhưng rõ ràng đã có rất nhiều em trí óc từ bảo hoà, đến tàng tàng nhập nhập, nhiều em bị trầm cảm, bị điên, cả chết.
Cứ hình dung, mỗi ngày các em bỏ ra trung bình từ 45 phút đến 1 giờ tập Võ, tức là mỗi ngày các em dành chừng ấy thời gian cho đầu óc nghỉ ngơi, thư giản. Rất nhiều phụ huynh cấm con em tập Võ để dành thì giờ học văn hoá cho tốt. Không biết đến bao giờ họ mới nhận ra, để học văn hoá cho tốt, con em họ cần có thì giờ nghỉ ngơi, thư giản. Mà tập Võ là phương cách tốt nhất để đầu óc nghỉ ngơi, thư giản.
Võ thuật, tuy không còn là thứ vĩ khí lợi hại trong các cuộc chiến tranh, nhưng vẫn là vũ khí tự vệ hữu hiệu trong cuộc sống đời thường. “Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên”. Với cuộc sống ngày càng phức tạp và đa đoan, biết Võ để tự vệ bao giờ cũng tốt hơn không biết gì.
Không biết từ đâu, nhiều phụ huynh cứ bị ám ảnh bởi định kiến: “Học Võ để đánh nhau”. Trong lúc thực tế thì ngược lại: học Võ giúp con người biết mình biết người hơn, chín chắn hơn, hiền lành và trầm tĩnh hơn. Thực tế đã chứng minh, Võ từng cảm hoá và giúp chuyển hoá nhiều tính cách, từ thô bạo sang hiền hoà, hung hãn sang trầm tĩnh, lười nhác sang cần mẫn, luôm thuộm sang ngăn nắp…
Nhưng nói cho cùng: đáp ứng nhu cầu phát triển, trò chơi lành mạnh, sức khoẻ, tự vệ, chuyển hoá người tập… đó chỉ là phần xác của Võ thôi; tinh thần của Võ mới là yếu tố quan trọng, mới là phần hồn của thứ nghệ thuật tao nhã này.
Ngày nay, thời hiện đại, thời của giao lưu, hội nhập. Môi trường sống không còn hạn hẹp như xưa. Không gian sống không còn chỉ chốn quê nhà mà là thế giới bao la Đông-Tây-Nam-Bắc. Các mối quan hệ rộng lớn hơn, đa dạng và phức tạp hơn… Ở đó, ta phải gặp gỡ, làm việc, và sống với biết bao loại người; kinh qua với bao nền văn minh, giao lưu với bao nền văn hoá, tiếp cận với bao công nghệ hiện đại… Rất chính xác khi có người dùng khái niệm “biển lớn” để chỉ đặc điểm của thời đại này. Để có thể tồn tại và thành công giữa đại dương bao la ấy, con người đòi hỏi phải có những phẩm chất mới. Võ thuật giúp trang bị cho ta nhiều trong số những phẩm chất cần thiết ấy.
Trước hết, đó là đức tự tin để có thể đứng vững và đi tới, là khí phách để không ngợp và không bị hoà tan, là phong thái đường bệ để trở thành bằng hữu của tất cả mọi người.
Tự tin, dũng cảm, ung dung tự tại. Đó không phải là những khái niệm trừu tượng, cũng không phải là lời rao giảng khôn ngoan từ kinh sách; không là thứ có thể vay, mượn, mua, đổi; mà nhất thiết phải là kết quả của một quá trình chứng nghiệm, và chứng ngộ. Cây dừa, phải mất 6 năm mới cho quả ngọt. Người tập Võ cũng thế, cũng phải cần thời gian cùng sự thành tâm và chuyên luyện.
Với sự thành tâm và quá trình chuyên luyện, Võ còn vun đắp nơi người tập đức nhân ái, công bằng, và cao thượng. Đó chính là yếu tính của “Võ đạo”. Ngược với phẩm chất ấy là gì? Ngược với phẩm chất ấy là tham lam, độc ác, bất nhân, lương lẹo, chụp giựt, nhỏ nhen, hận thù, ti tiện… Thời văn minh hiện đại, giao lưu hội nhập, nếu với con tim tàn tật và đen tối ấy, tất sẽ không đi đến đâu, không làm ăn được với ai, chẳng sống được với ai, chẳng mang lại cho ai điều tốt lành.
Nhân ái, công bằng, và cao thượng. Phẩm chất ấy còn đặc biệt cần thiết đối với chúng ta. Đất nước ta vừa trải qua thời kỳ dài ngoại xâm, chiến tranh, nghèo đói, ly loạn… mà di chứng của nó thì không thể nào lường hết. Để xây dựng đất nước giàu mạnh, muốn vươn ra biển lớn, muốn giao lưu hội nhập với người, thì đòi hỏi chúng ta phải tự chữa lành vết thương, phải tự chuyển hoá mình, phải nâng mình lên ngang tầm thời đại. Nếu không thế, tất chúng ta sẽ bị tụt hậu, và bị đào thải.
Đã rõ ràng: Thời hiện đại, trong xu thế giao lưu hội nhập, võ thuật càng cần thiết hơn với con người, nhất là với giới trẻ. Vấn đề còn lại là: tổ chức, quản lý, nội dung, phương pháp dạy võ. Dặc biệt, hai yếu tố sau đây quyết định hơn cả:
– Một là, người tập: Nhất thiết phải là người có nhu cầu, có ham thích, thành tâm, và kiên trì tập luyện. Không nên bắt ai tập võ nếu họ không thích. Cũng không nên cấm ai tập võ nếu họ thật sự thành tâm.
– Hai là, người dạy: Cần phân biệt thầy dạy võ và người kinh doanh võ, vì mục đích dành huy chương và mục đích đào luyện con người… Trong võ thuật, ông thầy giữ vai trò rất quan trọng trong sự thành tựu của đệ tử.
Anh Thư (T.H) – Theo Nghĩa Dũng Karate