Thể dục dưỡng sinh nói chung, võ dưỡng sinh nói riêng là phương pháp tập luyện thân thể để phòng ngừa và chữa trị các bệnh mạn tính.
- Phụng Quyền chuyên luyện hệ thần kinh
- Xà Đao chuyên luyện cột sống
- Hổ Phủ chuyên luyện xương khớp
- Hầu Côn luyện tổng hợp các bộ phận chính của cơ thể.
Bài võ dưỡng sinh “Xà đao” được xây dựng từ một bài võ cổ truyền có tên “Xà Quyền”, một trong những bài quyền chiến đấu tay không của võ cổ truyền Việt Nam, có nhiều động tác mô phỏng các thế di chuyển, phòng thủ và tấn công của loài rắn.
Bài Xà đao đặc biệt khai thác các thế bò, trườn, rướn, xoắn, uốn, lượn, phóng, mổ chỉ bằng sự vận động cột sống của loài rắn để xây dựng bài tập nhằm ngăn ngừa và chữa trị các bệnh do loãng xương, thoái hóa cột sống dẫn đến thoát vị đĩa đệm, chèn ép các rễ dây thần kinh từ cột sống dẫn ra tứ chi gây đau nhức, tê, bại tay và đau nhức từ thắt lưng xuống mông, ống chân gọi là đau thần kinh tọa.
Khi tập bài võ dưỡng sinh Xà đao, người tập cần thấu hiểu cặn kẽ và thực hiện phương pháp tập luyện như sau:
- Về động tác:
– Các động tác được thực hiện ôn hoà: Nhẹ nhàng, khoan thai, liên hoàn
– Người tập huy động sức lực vừa phải với thể trạng của mình để khi tập xong, cơ năng tim hoạt động mạnh hơn mà không mệt, mồ hôi ra nhiều hơn mà không mất sức.
– Các động tác được thực hiện chuẩn xác: Di chuyển tấn thấp để rèn đôi chân vững chắc, eo dẻo dai, thân mềm mại.
Tuy nhiên, bài Xà đao là bài tập chuyên luyện về cột sống nên ngoài những qui tắc trên cần đặc biệt hết sức chú ý vào yếu tố nhu nhuyễn và thực hành các động tác vặn mình, xoay đầu, xoắn eo như con rắn đang bò, mổ, phóng, trườn… với biên độ lớn trong khả năng tối đa của từng
người để kéo dãn xương sống, đặc biệt là xương sống cổ và xương sống thắt lưng
- Về hít thở:
– Hít vào khi động tác thu về phòng thủ. Thở ra khi động tác khai mở tấn công. Trong phần “Thảo bộ” của bài tập, ở các động tác mang số lẻ thì hít vào, ở các động tác mang số chẳn thì thở ra.
– Hít dài hơi, dẫn sâu xuống bụng dưới. Thở dài hơi, thóp bụng đẩy hết hơi ra.
– Hít và thở, khí đều qua mũi, răng khép vào nhau, miệng luôn mím môi.
– Hít và thở đều nhẹ nhàng, vừa sức, tự nhiên và liên hoàn.
Phép hít thở này thu nạp được nhiều dưỡng khí (oxy) làm sinh nhiều máu đỏ, đẩy được nhiều thán khí (carbonic) ra ngoài để thanh lọc buồng phổi, đồng thời tác động làm mạnh cơ năng các bộ phận hô hấp, tiêu hoá và bài tiết.
- Về ý thức:
– Tập trung “sự chú ý” phối hợp với “mắt”, nhìn vào từng động tác thi triển cây đao khi đâm, chém, bổ, phạt, vớt, khóa hậu. Trong khi tập luyện, gần như không nhìn, không thấy bất cứ những gì ở chung quanh.
– Tập trung sự chú ý trong suốt quá trình tập, từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc cả bài tập.
Phép tập này làm cho não bộ phải làm việc cao độ, trung khu thần kinh được huấn luyện hết mức, tạo điều kiện để cơ năng thần kinh được phát triển, tác dụng điều tiết đối với các bộ máy khí quan cơ thể được tăng cường, tính thích ứng của cơ thể đối với ngoại giới được gia tăng. Từ đó phát sinh khả năng cơ thể đề kháng với bệnh và kéo dài tuổi thọ cho ngũ giác quan (mắt, mũi, tai, lưỡi, da).
- Về tinh thần:
Giữ cho lòng thanh thản, bình ổn liên tục suốt cả buổi tập
Giữ trạng thái tinh thần này phối hợp với đi tản bộ và nghĩ đến điều vui sau khi kết thúc buổi tập, ít nhất là 30 phút, càng có lợi nhiều cho sức khoẻ.
Một số động tác của bài dưỡng sinh Xà đao:
Nguồn : vinadubo