(VoThuat.vn) – Phàm đã là người uống rượu, ai cũng biết “nữ nhi hồng” là một danh tửu đất Giang Nam.
Gái đồng trinh, đệ tử Lưu Linh
Cổ nhân có câu: “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”, có nghĩa là: ”Xưa nay thánh hiền đều lặng lẽ/ Chỉ người uống rượu mới còn danh”.
Núi non trùng trùng điệp điệp nhưng trở nên hùng vĩ được là nhờ mây. Dòng sông cuồn cuộn chảy về Đông nhưng trở nên linh thiêng được là nhờ có giao long, thủy quái. Rừng bạt ngàn huyền bí nhưng trở nên thâm u quyến rũ được là nhờ có dị sĩ cao nhân. Hảo hán trong thiên hạ thường khi mang chí lớn, thích ngao du thỏa chí tang bồng, trở nên hào sảng, thoát tục được một phần là nhờ rượu.
Bởi vậy, không phải vô duyên vô cớ mà rượu được cho là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người. Nhân một lần trà dư tửu hậu, lạm bàn về rượu, võ sư Băng Sơn (Trưởng môn phái Võ lâm Phật gia) cho rằng: “Trong thiên hạ, nhiều người uống rượu nhưng chẳng ai biết chính xác từ khi nào người ta bắt đầu biết đến rượu”.
Theo đó, người được cho là ông tổ phát minh ra rượu có tên là Đỗ Khang. Tương truyền, rượu của Đỗ Khang nấu ra ngon đến nỗi: “Mãnh hổ nhất bôi sơn trung túy/ Giao long lưỡng trận hải đế miên”, có nghĩa là: “Một chén mãnh hổ say trong rừng/ Hai chén giao long ngủ đáy biển”.
Lưu Linh là một nhân vật nổi tiếng trong nhóm Trúc lâm thất hiền, tuy học rộng tài cao nhưng không màng danh lợi chỉ ham thích uống rượu. Một hôm, đi qua quán rượu của Đỗ Khang, ngửi thấy mùi thơm, không thể đừng được bèn vào quán uống liền ba chén.
Uống xong mới biết mình không có tiền bèn khất với Đỗ Khang rồi về nhà lấy tiền mang trả. Nhưng đợi đến ba năm sau vẫn không thấy Lưu Linh đến trả tiền. Đỗ Khang liền tìm đến nhà đòi nợ.
Vừa thấy Đỗ Khang, vợ Lưu Linh liền trách: “Chồng tôi đã chết vì rượu của ông ba năm rồi. Ông còn mặt mũi nào đến đòi tiền?”. Nghe vậy, Đỗ Khang không tin, nhất quyết đòi đào mộ lên xem. Vừa mở nắp quan tài, đã thấy Lưu Linh vươn vai ngồi dậy, tấm tắc khen: “Rượu ngon! Rượu ngon!”.
Lại nói về “nữ nhi hồng“, có lẽ là đệ nhất danh tửu tốn nhiều giấy mực nhất xưa nay. Từ tên gọi đến hương vị của nó đều khiến người ta không thể cầm lòng cho đặng. Nổi tiếng như vậy nhưng tính đến nay, công thức pha chế “nữ nhi hồng” vẫn là một câu chuyện không đầu không cuối, có lẽ là loại rượu nhiều “dị bản” nhất xưa nay.
Người trong giang hồ đồ rằng, phương thức làm ra rượu “nữ nhi hồng” vô cùng phức tạp, không đủ kiên nhẫn không thể làm, không đủ bản lĩnh không thể uống.
Theo một số nguồn tin, để có thể làm được “nữ nhi hồng”, người ta phải tuyển chọn những thiếu nữ xinh đẹp, vừa bước sang tuổi 13, vẫn còn trinh trắng, chưa nhuốm bụi trần để tham gia công việc đòi hỏi rất nhiều sự tỉ mỉ này.
Những cô gái đồng trinh tuyển về sẽ được tắm giặt sạch sẽ, khoác lên mình những bộ bạch y trắng muốt như tiên nữ và trải qua phần nghi lễ bắt buộc. Những trái nho tươi ngon nhất sẽ được mang tới ngay khi chúng vừa được thu hoạch để phục vụ cho việc làm rượu.
Các cô gái sẽ chậm rãi nhai nho, nhả nước nho ra rồi hạ thổ, chưng cất mấy chục năm mới cho ra thứ rượu hảo hạng trứ làm điên đảo bao anh hùng hào kiệt trong giang hồ. Bởi vậy mà mỹ tửu “nữ nhi hồng” cực kỳ hiếm chứ không nhan nhản trên thị trường và phim ảnh như nhiều người vẫn thấy.
Lại có ý kiến cho rằng trên đây không phải là cách làm ra rượu “nữ nhi hồng” mà chỉ là suy diễn của những kẻ phàm phu tục tử chỉ biết nốc rượu mà không hiểu gì về rượu.
Theo đó, “nữ nhi hồng” đích thực được làm từ lúa mạch chứ không phải nho. Lúa mạch phải chọn loại thượng hạng, chưng cất với nước lấy từ thượng nguồn suối đá.
Điều đặc biệt được cho là yếu tố tạo nên sự khác biệt và sức hấp dẫn muôn đời của “nữ nhi hồng” danh tửu khá hoang đường, ít người dám tin. Đó là phải lựa chọn lấy một cô trinh nữ vừa đến tuổi 13, đợi cho đến ngày kinh nguyệt đầu tiên, cho cô gái ngồi trong chum rượu, lấy nước đó pha với rượu. Sau đó, ủ rượu 13 ngày cho lên men rồi hạ thổ cho đến khi cô gái lấy chồng mới đào lên đãi khách. Loại rượu này có mùi đặc trưng và màu hồng nhạt nên được gọi là “nữ nhi hồng”.
Uống “nữ nhi hồng” say tình nhi nữ
Trải qua bao năm tháng, những câu chuyện có phần kỳ quái xoay quanh công thức chưng cất “nữ nhi hồng” vẫn được lưu truyền chốn tửu lầu và là chủ đề tốn nhiều giấy mực để tranh cãi đúng sai. Tuy nhiên, lẽ thường, người nói nhiều lại là người không biết còn người biết nhiều lại không nói cho nên từng vò rượu cứ thế vơi đi mà câu chuyện vẫn chưa đến hồi ngã ngũ.
Đem câu chuyện lạ lùng này hỏi võ sư Băng Sơn, một người rất am hiểu về võ học và văn hóa rượu xưa nay, chúng tôi nhận được câu trả lời đầy ẩn ý. Cũng như người uống rượu xưa nay, uống đến chỗ uống rồi mà như chưa uống, tỉnh mà say, say mà tỉnh, mọi chuyện trên đời nhiều khi được mất, đúng sai đâu còn quan trọng nữa.
“Chuyện bên lề như kể trên thì nhiều nhưng đó chỉ là những giai thoại dựa trên trí tưởng tượng của con người. Dựa trên những tài liệu chính thống đã được công bố thì “nữ nhi hồng” là một loại mỹ tửu nổi tiếng của đất nước Trung Hoa” – võ sư Băng Sơn cho biết.
Theo lời kể của vị võ sư này thì “nữ nhi hồng” được làm từ gạo nếp thơm của vùng Hoa Nam đầy thiên tai bão gió, nấu bằng nước sông Dương Tử, cùng với chất men đặc biệt làm say đắm lòng người.
Một số giai thoại được lưu truyền trong dân gian cho thấy con gái Hoa Nam khi xuất giá thường mang theo một vò rượu nữ nhi hồng để nhớ về tổ tiên. Và loại men đặc biệt để nấu rượu được lấy từ cơ thể trinh nữ, đã làm ngã ngựa biết bao trang quân tử.’
Thực tế, “nữ nhi hồng” là một loại rượu nếp, được sản xuất chủ yếu ở vùng Thiệu Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc). Vào thời Tống, Thiệu Hưng là vùng sản xuất rượu nức tiếng. Những gia đình ở đất rượu này, nếu sinh con gái, đợi đến khi con đầy tháng sẽ chọn vài vò rượu loại thượng hạng, dán kín miệng, chôn xuống đất hoặc cất trong hầm. Rượu này đợi khi con gái xuất giá sẽ lấy ra thết đãi bạn bè người thân, do đó mà có tên là “nữ nhi hồng”!
Tương truyền, ngày xưa, ở Thiệu Hưng có một người thợ may rất muốn có con. Một hôm, biết tin vợ mang thai, anh chàng vô cùng vui sướng, vội về nhà ủ mấy vò rượu, chuẩn bị đãi bạn bè người thân. Không ngờ, anh chàng ủ nhiều rượu quá nên bạn bè uống không hết, sau đó tiện thể chôn mấy vò rượu còn dư xuống dưới gốc cây hoa quế sau vườn.
Năm tháng dần trôi, cuối cùng cũng đến lúc, anh chàng vui mừng tổ chức hôn sự cho con gái. Ngày thành thân bày tiệc đãi khách, người thợ may uống rượu rất vui vẻ, bỗng dưng nhớ lại mấy vò rượu chôn dưới gốc cây hoa quế mười mấy năm trước bèn đào lên đãi khách. Vừa mở vò rượu ra, hương thơm ngào ngạt, màu đậm, vị nồng, uống rất ngon. Thế là, mọi người đều gọi loại rượu này là rượu “nữ nhi hồng”, hay “nữ nhi tửu’.
Phải nói rằng, “nữ nhi hồng” không chỉ làm say đắm lòng người mà còn gắn với rất nhiều điển tích về tình yêu, những áng thơ văn bất hủ. Tương truyền thời Xuân Thu chiến quốc, có một cô gái ở trong ngày xuất giá, người chồng bị bắt đi sung quân. Từ đây là một đi không trở lại.
Nhiều năm trôi qua, cô gái biến thành một bà lão, hũ nữ nhi hồng chưa kịp uống năm nào vẫn luôn để dưới gần giường như một lời hẹn ước.
Cuối cùng, cũng có một ngày cô ấy gặp lại người chồng bao năm chờ đợi mỏi mòn.
Nhưng người chồng đó cũng đã thành chồng của một người khác trong hơn bốn mươi năm. Cô nhìn thấy chồng năm xưa chính lúc anh ta đang cười với người cháu trai của mình, đó là một nụ cười đầy hạnh phúc.
Cô không khóc cũng không đi tìm gặp người đàn ông ấy nữa. Chỉ yên lặng về nhà, lấy ra hũ rượu “nữ nhi hồng” đã cất giữ hơn sáu mươi năm, ngồi ở bờ sông, nghe tiếng dòng nước chảy, từ từ uống. Say nằm bờ sông, yên tĩnh qua mấy ngàn năm. Trăm ngàn năm.