Trong tiếng Do Thái, Krav nghĩa là ‘chiến đấu’ và Maga nghĩa là ‘gần’, vậy Krav Maga có thể tạm dịch là ‘Cận chiến’. Sáng lập viên của Krav Maga là Imi Lichtenfeld (1910-1998), một người Do Thái sinh ra ở Hungary và lớn lên tại Tiệp Khắc.
Lúc nhỏ Imi có vài năm đi theo đoàn xiếc và cũng từng học qua các môn nhào lộn, thể dục dụng cụ, khiêu vũ, judo, quyền anh và vật, môn nào cũng giỏi. Lớn lên trong thập niên 1930 khi chủ nghĩa phát xít và phong trào bài Do Thái đang lan rộng ở Âu châu, Imi đã tham gia các nhóm thanh niên Do Thái bảo vệ đồng hương trong các vụ bạo động kỳ thị chủng tộc. Nhận thấy võ thể thao khác với thực chiến, Imi đã kết hợp những kinh nghiệm chiến đấu đường phố với vốn liếng võ vật sẵn có để tạo ra một phương pháp tự vệ chiến đấu hiệu quả hơn và dạy lại cho bạn bè.
Đánh nhau giỏi và hăng như vậy nên anh chàng Imi đã bị chính quyền truy lùng gắt gao, cuối cùng phải bỏ Tiệp Khắc trốn về Palestine tham gia phong trào kháng chiến chống phát xít. Sau thế chiến thứ 2, trong cuộc chiến giành độc lập của người Do Thái, Imi dạy cận chiến cho các lực lượng khởi nghĩa.
Năm 1948 quốc gia Israel ra đời, Imi Lichtenfeld (lúc này gọi theo tiếng Do Thái là Imi Sde-Or) trở thành một huấn luyện viên cận chiến cột trụ trong quân đội Israel. Kể từ khi đó, Imi chính thức dùng tên Krav Maga để chỉ phương pháp chiến đấu được dạy trong quân đội, nhất là cho các đơn vị biệt kích và an ninh. Sau khi giải ngũ vào giữa thập niên 1960, Imi cải biên Krav Maga cho phù hợp với đời sống dân sự và đem ra phổ biến cho dân chúng Israel, được dư luận hưởng ứng mạnh mẽ. Imi lập ra hiệp hội Krav Maga để phổ biến Krav Maga trên toàn quốc và thế giới. Đến nay các trung tâm huấn luyện Krav Maga đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới và Krav Maga cũng đã được đưa sang huấn luyện cho nhiều đơn vị an ninh và biệt kích tại nhiều nước.
Vì Imi đã từng học qua judo/jujitsu, vật và quyền anh nên các đòn thế của Krav Maga hiển nhiên chịu ảnh hưởng của những môn đó. Sau này Imi và các huấn luyện viên khác đã du nhập thêm đòn thế của nhiều môn võ khác cũng như sáng chế ra nhiều đòn mới. Nói chung thì đòn thế của Krav Maga luôn được thêm bớt và điều chỉnh để phù hợp với thực tế chiến đấu. Nói một cách chính xác thì Krav Maga không được xem là một môn võ truyền thống như judo, aikido, karate, taekwondo… mà chỉ là một phương pháp chiến đấu đặt trọng tâm vào việc đánh nhau cho thật hiệu quả.
Như đã nói, đòn thế của Krav Maga không có gì lạ so với các môn võ khác, do đó khác biệt chính yếu là ở phương pháp luyện tập. Kỹ thuật Krav Maga bao gồm các đòn đấm đá quăng vật bẻ xiết…, vũ khí, và cả những huấn luyện tâm lý. Krav Maga chủ trương lợi dụng những phản xạ tự nhiên có sẵn trong mỗi người, và lợi dụng cả tâm lý hoảng hốt sợ hãi sao cho có lợi nhất trong việc phòng thủ và tấn công.
Học viên Krav Maga phải học cách lượng định tình hình chung quanh, đánh giá xem nguy hiểm đến từ đâu để tìm cách lẩn tránh hay thoát thân cho nhanh. Nếu phải dùng võ lực thì phải ra tay dứt khoát và không khoan nhượng, đòn thế hiểm ác và nối tiếp nhau để hạ địch thủ càng nhanh càng tốt, có thể dùng mọi thứ xung quanh làm vũ khí.
Buổi tập thường được tổ chức như một lớp aerobics, các bài tập nặng nhẹ nối tiếp nhau liền liền để học viên rèn luyện sức chịu đựng dẻo dai. Các buổi tập còn được dàn dựng cho giống thực tế, chẳng hạn đèn đóm lù mù, sàn nhà gồ ghề như ngoài đường, bàn ghế lung tung vướng víu, hoặc tập chiến đấu khi đã bị thương ở tay chân, đứng không vững, chống nhiều địch thủ cùng lúc…
Xã hội Israel bất ổn về mặt an ninh, người dân luôn bị đe dọa bởi nguy cơ bị tấn công mọi nơi và bất cứ lúc nào, do đó phương pháp tự vệ của người Do Thái cũng thật thực dụng và tàn nhẫn. Các quảng cáo cho Krav Maga thường ghi rằng học viên sẽ được học cách chiến đấu trong mọi tình huống, tự vệ tay không, chống được dao, súng và cả lựu đạn! Cần lưu ý là chữ Krav Maga (cận chiến) có ý nghĩa rất chung chung, do đó người Do Thái nói ‘học Krav Maga’ thì cũng tương tự như người Việt nói ‘học võ’. Xuất phát từ môn Krav Maga của Imi Lichtenfeld, ngày nay có rất nhiều trường Krav Maga với nhiều tên gọi khác nhau, nguyên tắc tương tự nhưng mỗi trường dạy mỗi khác.
VoThuat.vn