Muốn lên sàn đấu, phải tập Sparring! (kì 2)
Một số lưu ý khác về Sparring
Chọn đúng bạn tập!
Nghe hơi lạ nhỉ? Thực ra đây chính là vấn đề “đau đầu” của rất nhiều võ sinh. Có hai lí do khiến ta phải cẩn thận khi chọn bạn tập:
-Sparring đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm luyện tập để đạt được hiệu quả tốt. Khi bạn sparring với người ngang hoặc thấp trình độ hơn mình, bạn cần bài bản đầy đủ cho cả hai. Còn nếu bạn sparring với người có trình độ cao hơn, bạn nên chọn những người có kiến thức Sparring – họ sẽ biết cách kiểm soát buổi sparring, cho bạn cơ hội thực hiện ý đồ ra đòn, cũng như những lời khuyên kịp thời. Và đôi khi, dưới sự cho phép của họ, bạn sẽ có cơ hội “ra tay” nặng hơn – đơn giản thôi, họ có khả năng chịu đựng hay chống đỡ điều đó.
-Sparring hạn chế được cường độ va chạm đi rất nhiều. Rất nhiều người chọn sparring để “thể hiện” mình một cách dễ dàng, thay vì ăn đòn liên tục trên sàn đấu. Một người bạn tập sparring đúng nghĩa là người tuân thủ đúng bài bản sparring, cũng như biết cách hạn chế những va chạm có nguy cơ kết thúc buổi tập, hoặc nặng hơn là buộc người còn lại phải nghỉ tập mất mấy ngày. Ngược lại, những người bạn tập sparring lợi dụng tính chất ít va chạm của sparring để lấn lướt, tìm cách triệt hạ bạn, tìm cách thể hiện với những người xung quanh, thì tốt nhất nên mời họ lên sàn (vì đằng nào họ cũng đang đánh kiểu trên sàn rồi), hoặc yêu cầu thay đổi bạn tập.
Custom – một yếu tố quan trọng khác của sparring
Custom – hay tuỳ biến là những thay đổi nhỏ trong bài sparring, để phù hợp hơn với thể trạng, trình độ của những người tập sparring, thiết lập lại tính cân bằng cho buổi sparring giữa hai người không cùng trình độ, hoặc hạn chế các rủi ro do thiếu bảo hộ, hoặc bảo hộ không đúng quy cách.
Lấy một ví dụ cơ bản: trong một buổi đấu tập kickbox mà bạn quên mang bảo hộ hạ bộ – bạn có thể đổi sang sparring thuần Boxing (chỉ có các đòn đấm), hoặc giao ước trước với bạn tập là không sử dụng các đòn đá tầm trung và thấp. Hoặc nếu bạn đang có chấn thương ở đâu đó trên cơ thể nhưng không quá nghiệm trọng, bạn vẫn có thể luyện tập nhưng cần tránh va chạm chỗ đó, bạn có thể giao ước với bạn tập là tránh tấn công vào vị trí đó, và bạn có thể đổi lại sự cân bằng cho bạn tập bằng cách đồng ý hạn chế – tự cấm vài kĩ thuật tấn công của bản thân.
Có một lần, tôi được gặp và giao lưu cùng người tập Brazilian Jiujitsu. Tôi thực sự muốn được đấu với anh ấy một lần theo luật BJJ để được trải nghiệm lối chơi của BJJ nhưng vấn đề đặt ra là tôi không hề có kĩ năng grapling (hệ kĩ năng đặc trưng của BJJ). Và thế là tôi đã giao ước cùng với anh ấy như thế này: anh ấy sẽ tìm cách khoá, siết tôi và buộc tôi tapout (được coi là thắng trong luật BJJ), còn tôi sẽ chống đỡ bằng bản năng tự nhiên. Dĩ nhiên, vì tôi không có kĩ năng, còn anh ấy lại khá giỏi, cho nên luật đã được sửa lại: anh ấy chỉ có 30 giây để làm điều đó, nếu không, anh ấy thua.
Ví dụ trên không phải là một kiểu sparring, nhưng tôi dùng nó để minh hoạ cho việc bạn tạo nên những custom để lập lại cân bằng, hoặc sự phù hợp cho bài sparring của mình. Muốn có được những custom tốt, bạn cần có kinh nghiệm và hiểu biết về sparring, đòn thế, cũng như các dụng cụ bảo hộ.
Các dạng Sparring cơ bản
1. Sparring theo kịch bản (Drilling)
Drilling là tập luyện theo các drill – hiểu ngắn gọn là các chuỗi động tác – đòn đánh xác định, có mục đích và ý định phù hợp với ý đồ luyện tập.
Có một số tài liệu không thừa nhận Drilling thuộc khái niệm Sparring. Tuy nhiên, tính chất, mục đích của Drilling gần như tương đồng với sparring, và hầu hết các bài drilling cần 2 người (một người tập, một người làm đối thủ để tạo điều kiện, tình huống đòn), nên cũng có thể xem là bước trung gian từ những kĩ thuật cơ bản tiến lên Sparring toàn phần.
Người tập (ở đây tôi xin viết tắt là A) và người bạn tập (B) thường sử dụng vật đệm như mitts (hình dưới) làm mục tiêu cho các đòn đánh.
Nhìn chung ở hầu hết các môn võ:
– B sử dụng mitts làm mục tiêu giả định, liên tục thay đổi vị trí mitts với tốc độ phù hợp, kết hợp với tư thế và có thể với cả footwork (bước chân), mô phỏng các tình huống có thể ra đòn, hoặc các động tác khác.
– A dựa vào bài bản đã có, tấn công mitts hoặc tránh né các đòn đánh đến từ B, từ đó hình thành nên phản xạ và thói quen ra đòn khi đấu thật.
Các bạn có thể tìm hiểu các video hướng dẫn drill phù hợp cho từng môn trên Internet với từ các từ khoá: “Boxing drill”, “Muay Thai drill”….., Video dưới đây là một ví dụ điển hình:
2. Sparring
Vâng, đây chính là phần cuối cùng trong bài viết dài hơi này. Đây chính là đích đến cuối cùng mà chúng ta đã mất công tìm hiểu từ tính tất yếu, nguyên lý, tính chất, các lưu ý… Và bạn sẽ bất ngờ khi đọc đến dòng bên dưới:
“Xỏ găng dợt nhẹ nhàng chút đi!”
Vâng, đây chính là câu nói thân thuộc, gần gũi nhất để bạn hình dung dễ dàng nhất về sparring. Một câu nói mà bạn sẽ thường xuyên nghe thấy trong các phòng tập Boxing, Kickboxing…
Sparring (toàn phần) chỉ đơn giản là một trận đấu ít sát thương và không có tình huống triệt hạ. Đòn thế chậm đi hoặc nhẹ hơn. Ý đồ chiến đấu của bạn rõ ràng hơn. Bạn sẽ dễ dàng làm quen với cách chọn thời cơ ra đòn, xử lý các tình huống… Đơn giản thôi! Bạn có thời gian để làm điều đó mà! Những cú đấm bay đến vẫn khá nhanh, nhưng chậm hơn hẳn những cú đòn sấm sét trong đấu thật. Đừng nghĩ rằng sparring khiến bạn chậm đi! Khi bạn đã thành thạo trong sparring rồi, bạn sẽ thấy kết quả thi đấu của mình tốt hơn nhiều. Chính cách tập điên cuồng lao lên sàn đấu (tôi nhắc lại – sàn đấu), dính một cú knock out sau 1 phút, nghỉ một ngày rồi quay lại tập mới thực sự khiến bạn chậm – chậm cả một quá trình tiến bộ chứ không chỉ chậm một cú nghiêng đầu né đòn.
Cảnh võ sĩ MMA Lyoto Machida sparring với diễn viên võ thuật Michael Jai White trong phim Never back down 2. Dù là phim nhưng tôi nghĩ rằng đây là một clip mang tính đại diện rõ ràng, và giúp cho các bạn (kể cả những bạn không luyện tập võ thuật) có thể dễ dàng hình dung được sự khác biệt giữa sparring và đấu thật.
Thực tế thì Sparring không hề xa lạ. Kể cả khi bạn chưa từng nghe đến từ này, bạn có thể cũng đã từng tập qua nó rồi, nhưng bạn biết đến nó với một cái tên khác: “đấu tập”. Điều quan trọng là một khi chúng ta đã hiểu rõ vì sao chúng ta nên tập sparring, làm thế nào để hiệu quả hoá các bài tập, thì tôi tin chắc, bạn sẽ đến buổi tập một cách tự tin hơn, sáng suốt hơn, và dễ dàng tự trả lời được những khúc mắc xuyên suốt quá trình tập.
Rất mong bài viết về sparring này thực sự giúp ích những bạn mới tập võ thuật đối kháng!
Cáo Già