Tsukahara Bokuden (1489-1571) là kiếm sĩ nổi tiếng, sống ở thời thời Sengoku (Chiến quốc), được mệnh danh là một trong những huyền thoại kiếm đạo tài năng nhất từng có trong lịch sử.
Thân pháp trong kiếm thuật, côn thuật và quyền thuật trong Aikido
Mối tương quan Thiền học và Kiếm thuật
Có nhiều sử liệu không thống nhất về Bokuden, thế nhưng có một điều chắc chắn rằng ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình quý tộc. Sau khi tập luyện kiếm thuật Kashima Ko-ryū của gia đình và Tenshin Shōden Katori Shintō-ryū, ông quyết định từ bỏ cuộc sống quyền quý, phiêu lưu khắp Nhật Bản đề trau dồi kiếm thuật. Có sách ghi lại rằng trong suốt cuộc đời, Bokuden đã tham gia 39 trận đấu kiếm (chỉ tính những trận đấu công khai), 19 lần bằng kiếm thật và chưa từng bị thương. Có tài liệu khác cho rằng số người chết dưới lưỡi kiếm của Bokuden lên tới 212 người. Về sau, ông còn dạy kiếm đạo cho quân đội Nhật Bản, sáng lập hệ phái kiếm thuật Kashima Shintō-ryū. Ông còn được người đời xưng tụng là “kiếm thánh”.
Thế nhưng, câu chuyện nổi tiếng nhất về Tsukahara Bokuden lại không phải là những đường kiếm đẫm máu, mà lại là trận đấu kinh điển hồ Biwa – đến nay vẫn thường được nhắc lại trong những giai thoại văn hóa Nhật Bản.
Một ngày, Bokuden theo chuyến thuyền buôn đông người vượt qua hồ Biwa. Trên thuyền, đám đông vây quanh một Samurai để nghe anh ta thao thao về những đường kiếm ảo diệu mà anh ta thành thạo, về những chiến tích lẫy lừng mà anh ta trải qua, về những trận đấu sinh tử mà có thể anh ta đã mất mạng nếu không nhờ vào tuyệt kỹ của mình, câu chuyện hào hứng đến độ anh ta phải vừa kể vừa dùng tay lau nước bọt chảy ra hai bên mép của mình.
Đứng ngoài câu chuyện, Bokuden chỉ nhìn ra chỗ khác, hông đeo kiếm, miệng vừa ăn khoai nước vừa uống rượu. Nhìn thấy điều đó, người Samurai nổi giận, bước lại và định cất lời. Thế nhưng, Bokuden đã lên tiếng trước:
“Tôi biết anh muốn nói gì,nhưng kiếm thuật của tôi không giống anh,kiếm thuật của anh dùng để đánh người ta,còn kiếm thuật của tôi chỉ để khỏi bị người ta đánh.”
Người Samurai trả lời:
“Ông có dám cho tôi biết ông thuộc trường phái nào hay không?”
“Điều ấy không quan trọng, vì với tay không tôi cũng thắng được anh, thì đâu cần nói anh nghe trường phái làm gì, chỉ có điều ở đây đông người quá, nếu chúng ta đánh nhau tất làm thương tổn đến những người vô tội, vậy anh có dám tỉ đấu với tôi ở doi đất ở giữa hồ kia hay không?
“Đương nhiên là được!”
(Có giai thoại cho rằng người Samurai đã nhận ra đó là Bokuden nên mới lên tiếng thách đấu trước)
Ngay khi thuyền vừa cập vào doi đất, tay Samurai hùng hổ nhảy vào giữa doi đất chọn chỗ tốt nhất đứng thủ thế, trong lúc Bokuden tháo kiếm đeo bên mình như chuẩn bị đưa cho người lái thuyền, nhưng đồng thời chụp cây chống thuyền đẩy mạnh vào doi đất để thuyền tách bến càng xa càng tốt, đến khi đủ xa để tay Samurai đứng lại một mình giữa doi đất, không cách gì bơi ra được, Bokuden mới nói vọng lại:
“Tôi đã nói là tay không cũng thắng được anh mà. Anh nên nhớ : Kiếm có thể dùng để giết người, nhưng kiếm cũng có thể dùng để cứu người.”
Có người kể rằng sau này, khi biết người mà mình định thách đấu là Bokuden, tay Samurai này trốn biệt không còn ai biết anh ta ở đâu nữa.Nhưng ít nhất anh còn giữ được cái mạng của mình và sống tử tế hơn.
Người Nhật thường kể cho nhau nghe câu chuyện này với lời nhận xét :
“Kiếm thuật của Miyamoto Musashi (một huyền thoại kiếm đạo khác, sau thời của Bokuden) là kiếm thuật vô địch, dùng để lấy mạng người khác; kiếm thuật Tsukahara Bokuden ảo diệu hơn ở chỗ chỉ lấy đi lòng kiêu ngạo của người ta, nhưng vẫn chừa cho người ấy cái mạng. Sinh mệnh một khi tưởng đã mất rồi mà còn giữ được, thì người ta nhất định sẽ biết cách mà sống cho tốt hơn.”
Trường phái kiếm thuật Kashima Shintō-ryū do Bokuden sáng lập.
[jwplayer player=”1″ mediaid=”103427″]
Y.N