Tên đầy đủ của ông là Lê Thanh Vĩnh, nhưng mọi người vẫn thường gọi ông là “Vĩnh Judo”, bởi những kì tích mà vị võ sư mang đến cho Việt Nam. Thật bất ngờ là bên cạnh sự nghiệp võ nổi danh, ông còn có sự nghiệp viết đồ sộ.
14 quốc gia tham dự giải Judo quốc tế Việt Nam năm 2016
Kỹ thuật Hip Throw “chuẩn mực” trong Judo và MMA
VÕ NGHIỆP CỦA “JUDOKA VIỆT NAM”
“Judoka Việt Nam” – đây là danh hiệu rất thích hợp khi nói về võ sư Lê Thanh Vĩnh. Nhưng võ sư khá khiêm tốn khi được gọi như vậy, ông chia sẻ :”Danh hiệu đó lớn lắm, tôi đến với Judo từ… tình cờ”. Võ sư đã hơn 70 tuổi, là người con của đất Thuận An (Huế), rất hoạt bát, sâu sắc. Với khuôn mặt ông hiền từ, phúc hậu cùng giọng nói nhẹ nhàng và phong thái điềm tĩnh, chính những yếu tố đó đã khiến mọi người quý ông ngay từ lần đầu gặp.
Chia sẻ về con đường đi đến sự nghiệp võ, ông rất vui vẻ và hào hứng. Đó là những ngày của năm 1963, khi một chàng trai tràn đầy nhiệt huyết của tuổi 18 bước chân vào Sài Gòn để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ hội họa. Khi ấy, ông trọ gần Viện Nhu đạo Quang Trung do nhà sư Thích Tâm Giác sáng lập, thấy nhiều võ sinh đến tập luyện tại viện, vì tò mò nên ông cũng đến đăng kí học. Sau một thời gian ngắn luyện tập, võ sư đã lọt vào “mắt xanh” của vị Viện trưởng. Sự việc ấy như một bước ngoặt đưa ông vào con đường Judo.
Hơn 3 năm sau, Lê Thanh Vĩnh được chọn vào đội tuyển Judo quốc gia (1967 – 1969). Khi tham gia vào đội tuyển quốc gia, ông có cơ hội tiếp xúc và luyện tập cùng nhiều HLV chuyên nghiệp, ông nhận ra có khá nhiều sự khác biệt giữa khi luyện tập và thi đấu. Như một cơ duyên mà võ sư đến với Judo, thế là ông đành gác lại giấc mơ trở thành họa sĩ và tiếp tục luyện tập judo.
2 năm sau, ông về Bình Dương mở lò dạy võ và truyền đạt niềm đam mê với Judo của mình. Nhưng không được bao lâu, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, các lò võ ở khắp nước đều phải đóng cửa, Lê Thanh Hải về quê vợ và làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh. Đến năm 1984, ông được Giám đốc sở TDTT Đồng Tháp (quê vợ) mời về làm việc.
Nếu như phải chọn một cột mốc mà Lê Thành Vĩnh phải tự hào, thì đó ắt hẳn là việc ông đưa 2 học trò “chân đất” Kiều Hạnh và Ngọc Hùng đạt HCV tại Giải vô địch trẻ toàn quốc tổ chức tại Cần Thơ vào năm 1998. Năm 2000, võ sư đưa Đồng Tháp trở thành hiện tượng tại cúp CLB mạnh toàn quốc lần I tại Bình Thuận khi giành hạng nhất toàn đoàn. Ngay sau đó, ông được bổ nhiệm làm HLV trưởng quốc gia bộ môn Judo. Xuất sắc hơn là khi lần đầu huấn luyện đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 22 thì đội tuyển Judo đã giành được 6 HCV, 1 HCB, 6 HCĐ.
Không dừng lại ở đó, điều khiến mọi người nhớ đến ông chính là sự nhẫn nại nhặt “ngọc trong đá”. Tiêu biểu là trường hợp Nguyễn Thị Như Ý. Cô là người không có đủ điều kiện trong đội tuyển môn ném đẩy, được sự dẫn dắt của võ sư, Như Ý trở thành chủ nhân của 5 chiếc huy chương trong 5 lần tham dự SEA Games (23-28).
Võ sư Lê Thanh Vĩnh là người thầy rất có tâm với nghề. Ông ngoài việc bỏ tiền túi cho Như Ý uống nước, võ sư còn lên giáo án luyện tập cho cô hết mức có thể. Chưa đầy 1 năm sau khi làm quen với Judo, không phụ sự mong đợi của vị võ sư, Như Ý đã giành HCĐ hạng 63kg nữ tại Cần Thơ, điều này đã giúp cô tiến xa hơn với sự nghiệp về sau.
“ĐẠO” CẦM BÚT CỦA VÕ SƯ
Không giống với phần lớn người chơi thể thao chuyên nghiệp, họ thường không thích viết, ngại viết, võ sư Thanh Vĩnh đến với nghề viết từ khá sớm. Sau gần 3 năm làm quen với Judo, khi mới 21 tuổi ông đã cho xuất bản tác phẩm “Judo – Phương pháp ôn đòn” (NXB Đời Mới- 1966) và suốt gần nửa thế kỷ qua, võ sư vẫn tranh thủ thời gian sau giờ tập để hoàn thành nhiều tác phẩm khác: “Judo – Liên phản đòn”, “Căn bản Judo”, “Judo – Kỹ thuật thi lên đai đen từ 1 đến 4 đẳng”, “Biến thế Judo”…
Võ sư Vĩnh không chỉ đến với nghề viết sớm, mà sự gắn bó bền bỉ của ông trong nghề này cũng phải khiến người khác nể phục. Ở tuổi 70, bút lực của ông vẫn dồi dào, võ sư vừa hoàn thành tác phẩm “Judo thành tích cao”, được ThS Lý Đại Nghĩa, Tổng thư ký Liên đoàn Judo Đông Nam Á đánh giá: “Đây là tài liệu quý giá, giúp cho HLV, VĐV cấp cao và các môn sinh luyện tập Judo”.
Niềm đam mê viết trong vị võ sư này rất lớn, Lê Thanh Vĩnh không chỉ viết báo mà ông còn song song viết nhiều thể loại báo khác nhau. Dù ở thể loại nào, thời điểm nào, thì những gì ông viết ra đều tạo được ấn tượng trong lòng độc giả.
Võ sư luôn tạo được sự cuốn hút với những người mình gặp, ông có hiểu biết phong phú với nhiều lĩnh vực khác nhau, mà điều đặc biệt, chính là chiêm nghiệm của ông đối với “đạo viết” của người học võ. Lê Thanh Vĩnh viết rất nhiều là thế, viết suốt năm, suốt tháng, ông viết với niềm đam mê và nhiệt huyết của cả đời người.
Dù thế, võ sư không nhận mình là người viết chuyên nghiệp, nhưng từ sự kiện báo chí “nói quá sự thật về đời tư” khiến nhà vô địch Judo Nguyễn Thị Như Ý rơi nước mắt, ông Vĩnh đã nghiệm ra nhiều bài học khiến những người làm báo giật mình về đạo đức : “Báo chí là nói sự thật, nhưng không phải sự thật nào cũng đưa lên báo. Hãy đặt tâm trạng của người được phản ánh để cân nhắc sao cho khỏi phải xót xa, ân hận…. về những điều mình viết. Nếu không làm được thì xin đừng viết”.
Có thể nói, cuộc đời của võ sư Thanh Vĩnh là một cuốn sách. Văn và võ của ông hòa quyện vào nhau, tạo nên một tấm gương sáng cho thế hệ hiện tại. Qua những gì võ sư chia sẻ, những người làm báo càng nên có cái nhìn khách quan và toàn diện cho những điều đang viết và sắp viết.
Thanh Thanh