Hơn 30 năm nay, ở giữa lòng TPHCM có ba sư thầy chùa Vạn Thọ (đường Hoàng Sa, quận 1, TPHCM) vẫn ngày ngày chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân.
Các sư thầy đó chính là những người quản lý phòng khám “trật đả cốt” (các bệnh bong gân, trật khớp, gãy xương…) của chùa Vạn Thọ. Thời gian qua, các sư thầy đã chữa hết bệnh cho vô số người dân nghèo có liên quan tới các chứng”trật đả cốt”.
Thu hút nhiều lượt bệnh nhân nghèo tìm đến
Chủ nhân phòng khám, cũng là trụ trì của chùa Vạn Thọ là hòa thượng Thích Thanh Sơn (SN 1929, quê Tiền Giang). Năm 1980, hòa thượng Sơn được sư phụ của mình là hòa thượng Thích Thiện Tường giao làm trụ trì chùa Vạn Thọ.
Phòng khám “trật đả cốt” cũng được ông thành lập từ ngày nhận nhiệm vụ trụ trì. Gọi là phòng khám nhưng thật ra nó chỉ là một gian phòng nằm bên trái chính điện có diện tích khoảng 50m2.
Tuy vậy, nơi đây là chốn hàng trăm mảnh đời nghèo khó tìm đến chữa bệnh. Những vết thương của họ mắc phải đa số do lao động nặng nhọc hoặc bất cẩn mà bị thương, người bị bể xương, kẻ bị lật cổ chân.
Từ những người già có vấn đề về xương sống đến những trẻ em bị bong gân, trật khớp đều được hòa thượng Thích Thanh Sơn và hai đồ đệ là lương y Đức Nguyên và lương y Đức Hòa cứu chữa tận tình chu đáo.
Trao đổi với phóng viên báo Công lý và Xã hội ngay trên giường bệnh tại phòng khám chùa Vạn Thọ, anh Trần Hữu Phát (ngụ đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TPHCM) tâm sự: “Tôi làm phụ hồ cũng được gần 6 năm. Trong một lần đi làm vì không cẩn thận bị té từ trên giàn giáo xuống, may mà không nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, kể từ lần té đó tôi cảm nhận lưng bắt đầu đau. Thậm chí về sau, tôi ngồi không được mà đứng cũng không xong, đau không thể tả được”.
“Do không có điều kiện kinh tế để đến bệnh viện khám chữa, cơn đau ngày càng lớn khiến cho công việc của tôi bị đình trệ, tôi buồn lắm. Một dịp tình cờ, nghe mấy ông xe ôm gần nhà cho biết thông tin về phòng khám ở chùa này nên tôi tìm đến để được chữa trị.
Các thầy nhiệt tình giúp đỡ, đắp thuốc gần một tháng nay lưng tôi đã đỡ rất nhiều. Tôi có thể ngồi và đi lại dễ dàng hơn trước. Ở đây, các sư thầy tốt lắm, chữa bệnh rất hay và điều đặc biệt là tôi không phải tốn tiền”, anh Phát chia sẻ thêm.
Nói về việc làm ý nghĩa của mình nhằm giúp người dân nghèo khó, lương y Đức Nguyên tâm sự: “Bệnh nhân đến đây đa số là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều bệnh nhân làm những công việc lao động tay chân nên thường bị bong gân, trật khớp hay gãy xương. Những người này hầu hết không có điều kiện chữa trị tại các bệnh viện nên họ tìm đến đây.
Thấu hiểu được nỗi khổ tâm của người bệnh là không có tiền chữa trị nên chúng tôi đem hết tâm trí và năng lực vào bài thuốc. Mình phải chữa làm sao cho dứt bệnh để bệnh nhân không trở lại kiếm mình vì bệnh tái phát nữa. Không phải tôi sợ bệnh nhân cũ phiền mình đâu, tôi chỉ lo họ bỏ bê công việc mà tới đây, như vậy mất công người bệnh vô cùng”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trung bình mỗi ngày, phòng khám “trật đả cốt” của chùa Vạn Thọ chữa trị từ 60 – 70 bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân của phòng khám được các thầy chữa khỏi bệnh, tiếng lành đồn xa bệnh nhân của phòng khám không ngừng tăng qua các năm.
Không chỉ ở TPHCM mà những người ở các tỉnh lân cận cũng về đây khám và chữa bệnh. “Làm việc vất vả nhưng mà vui, thấy người ta khỏi bệnh thì tâm mình như cũng được đả thông. Những cơn đau của bệnh nhân không chỉ được xoa dịu bởi bài thuốc mà còn được xoa dịu bởi những nụ cười an ủi của các sư thầy”, một Phật tử phụ việc trong phòng khám vui vẻ nói.
Bài thuốc bí truyền chữa “trật đả cốt”
Nói về nguồn gốc của bài thuốc chuyên trị “trật đả cốt”, hòa thượng Thích Thanh Sơn tiết lộ: “Bài thuốc có từ đời hòa thượng Thiện Thông. Sau khi gặp gỡ, hòa thượng nhận thấy tôi có đam mê, nhiệt huyết với Đông y nên đã truyền đạt lại.
Thành phần chính của bài thuốc là cây nga truật và một số loại thảo dược khác. Mách thì dễ nhưng tìm mới khó. Để tìm được cây nga truật tôi đã từng phải trầy trật mới có được. Các đây khoảng hơn 20 năm, cây nga truật vào lúc đó rất khó tìm.
Dù tôi đã “đào bới” từng ngõ ngách khắp các vùng rừng núi nhưng vẫn tìm không ra loại cây này. Tuy nhiên, tôi không bao giờ bỏ cuộc. Sau nhiều năm để tâm tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng tìm ra cây nga truật ở núi Sam (tỉnh An Giang). Sau đó, tôi đem về ươm trồng để điều chế bài thuốc”.
Theo hòa thượng Thích Thanh Sơn, liều lượng sử dụng thuốc tùy thuộc vào tình trạng nặng hay nhẹ của bệnh nhân. Ngoài việc bó thuốc, đắp thuốc, người bệnh phải uống thêm thuốc. Bài thuốc cổ truyền muốn phát huy hết tác dụng còn phải kết hợp với việc đả thông huyệt đạo.
Vốn là võ sư, hòa thượng Thích Thanh Sơn đã áp dụng võ thuật vào công việc chữa bệnh để đảm bảo vết thương nhanh chóng hồi phục. Niềm vui của thầy là được nhìn thấy các bệnh nhân tới thăm khám được hồi phục sức khỏe để chăm lo cho công việc.
Hơn 30 năm gắn bó với công việc chữa bệnh cứu người, có những kỷ niệm mà hòa thượng Thích Thanh Sơn không bao giờ quên. Tâm sự với phóng viên, hòa thượng Thích Thanh Sơn chia sẻ: “Khoảng 10 năm trước, có một anh thanh niên bị người ta đánh bể hai xương mắt cá chân được bạn cõng đến trước cửa chùa. Hỏi ra mới biết anh này hành nghề trộm cắp.
Tôi đồng ý chữa cho anh nếu như anh hứa bỏ không làm đạo chích nữa và hãy tìm một công việc lương thiện khác mà làm. Cứ hai lần mỗi tuần, người bạn lại cõng anh thanh niên ấy đến chùa chữa trị. Sau ba tháng, vết thương đã hồi phục hoàn toàn.
Sau khi anh ta khỏi bệnh thì đi đâu không rõ. Khoảng một năm sau, thì anh thanh niên ấy đến. Tôi hỏi thăm tình hình xem anh ta đã hoàn lương chưa thì người này vui vẻ trả lời đã có công việc ổn định. Nghe như vậy, tôi càng vui hơn”.
Có nhiều bệnh nhân hoàn cảnh rất khó khăn mà khi giúp được họ các sư thầy thấy rất hạnh phúc. Cũng theo lời hòa thượng Thích Thanh Sơn, ở quận 4 (TPHCM) có một bà lão không nhà cửa, không nơi nương tựa, sống nhờ ở mái hiên.
Bà bị lật cổ chân không đi được nên phải lết từ lúc 3h sáng đến 2h chiều ngày hôm sau mới đến được chùa Vạn Thọ chữa trị. Bằng tấm lòng từ bi, mỗi lần tới thời hạn chữa bệnh, hòa thượng Thích Thanh Sơn lại thuê bác xe ôm trước cổng chùa chở bà lão đến khám bệnh.
Cứ như vậy, 4 tháng sau, bà lão đã hoàn toàn bình phục. Nhìn những nụ cười của bệnh nhân khi bước ra khỏi phòng khám, gương mặt của vị trụ trì tuổi 82 hiện lên vẻ hạnh phúc rạng ngời…
Theo Công lý và Xã hội