Những bí ẩn về Bát trảm đao

“Bát trảm đao” là một trong những khái niệm phổ biến nhất của làng võ thuật cổ điển Trung Hoa, đặc biệt là nhờ sự phổ biến của Vịnh Xuân quyền. Tuy nhiên, có nhiều điều không phải ai cũng biết về Bát trảm đao

Cận cảnh màn đối luyện bát trảm đao trong Vịnh Xuân Quyền
Vịnh Xuân Song Sát Đao: Phim xuất sắc về Bát Trảm Đao

BÁT TRẢM ĐAO KHÔNG PHẢI MỘT VŨ KHÍ

Không như nhiều người nhầm tưởng, khái niệm “bát trảm đao” không phải một loại vũ khí. “Bát trảm đao” là tên một bài đao của Vịnh Xuân, bao gồm 8 đoạn (bát trảm) quyền khác nhau với hình ý dụng đao khác nhau.

Loại đao dùng trong Vịnh Xuân là một dòng song đao bản lớn và ngắn đặc trưng của võ thuật Nam Trung Hoa. Tùy theo dòng phái mà loại đao này được gọi với nhiều cái tên như Song tô, Hồ điệp đao, Thủy thủ, Đao quai, Hồ Điệp song đao hay Nhị tự song đao.

Trong làng võ thuật Trung Hoa, không phải chỉ riêng Vịnh Xuân có sử dụng song tô. Loại đao này xuất hiện trong hầu hết các dòng võ Nam Trung Hoa như Thái Lý Phật, Hồng Gia… nhưng Bát trảm đao lại là đặc trưng kỹ thuật của Vịnh Xuân.

CHỈ CÓ 4 NGƯỜI BIẾT BÁT TRẢM ĐAO

Tương truyền, danh sư Diệp Vấn chỉ truyền bài Bát trảm đao cho 4 đệ tử. Sau này, có rất nhiều người truyền dạy Vịnh Xuân và các dị bản quyền Bát trảm đao khác nhau, nhưng rất khó để xác định được đâu là bài gốc (hoặc gần với bài gốc nhất).

BÁT TRẢM ĐAO ĐƠN GIẢN HƠN PHIM

Trong các tựa phim như Diệp Vấn 3, ta có thể thấy sự biến ảo khôn lường của Bát trảm đao trong chiến đấu. Tuy nhiên đó không hẳn là sự thật.

Đây là sự phóng đại của điện ảnh. Trên thực tế, với tính cơ động cao, song tô sở hữu lối đánh hết sức đơn giản, ngắn gọn và phần nhiều mang tính hiểm hóc, chủ yếu là khống chế hành vi tấn công của đối thủ, nhập nội (áp sát) và ra đòn. Trên phim ảnh, hầu như chỉ có tựa phim Final Master là thể hiện rõ sự thật của lối đánh song tô:

BÁT TRẢM ĐAO KHÔNG CÓ SỰ THỐNG NHẤT TUYỆT ĐỐI

Như đã nói, Bát trảm đao hiện nay có rất nhiều dị bản. Ngoài ra, hình thức của thanh đao song tô tùy theo dòng phái cũng khác nhau rất nhiều. Chẳng hạn như đao của Vịnh Xuân dòng Hồng Thuyền có mũi vát nhọn để tăng uy lực cho các đòn đâm thì nhiều dòng phái khác lại có mũi hình 1/4 đường tròn để tạo góc cắt – rạch tốt hơn. Như vậy, ngay từ trong đặc tính chế tác vũ khí đã thấy các bài Bát trảm đao hiện nay có thể triển khai thành hình ý và hiệu quả chiến đấu khác nhau.

Phạm Vũ