Lịch sử hình thành võ Tân Khánh Bà Trà

Mảnh đất Tân Khánh – Bà Trà cũng như những vùng đất mới khác ở Nam Bộ khi người Việt mới từ Trung Bộ vào khai phá, thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, đầy rẫy thú dữ như cọp, voi, trăn, rắn, trâu rừng, heo rừng, nai, khỉ, chuột, sấu, côn trùng (mọt, mối, kiến, rít, ong…). Những thế hệ lưu dân khai hoang vùng đất mới phương Nam đã từng mô tả cảnh tượng này qua câu ca dao:

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,

Xuống sông sợ đĩa cắn, lên rừng sợ cọp um!

Hay:

Đến đây xứ sở lạ lùng,

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng mình phải kinh!

Ngả 4 Bình Chuẩn (xưa là đất Bà Trà)
Ngã 4 Bình Chuẩn (xưa là đất Bà Trà)

Nhưng đáng sợ nhất trong những loài thú này chính là cọp. Cọp có thể sống ở mọi địa hình: giữa sình lầy nước mặn, ở bãi bùn nước lợ với rặng dừa nước dày bịt, ở gò đất với vài cây kè, cây gừa giữa cỏ thấp, bên đám tràm lưa thưa… Đất thấp và trống trải, cọp vẫn có thể tạo căn cứ, kết bầy sinh con. Những vị bô lão ở Tân Phước Khánh và Bình Chuẩn ngày nay kể lại các thế hệ ông bà đi trước nói rằng đất giồng gần bờ sông như Tân Khánh – Bà Trà có nhiều cây đa, cây gừa mọc um tùm là nơi cọp thường bám giữ, ít đổi địa bàn vì sợ không tranh giành được với các đối thủ khác. Cho nên dân gian có câu: “Rừng nào, cọp nấy”! Tuy vậy, địa bàn nào có cọp thì dân khai hoang thường không phải sợ nai và heo rừng, là hai loại thú rừng thường phá hoại hoa màu, nương rẩy, bởi nai và heo rừng là hai thức ăn lý tưởng của cọp.

Ngả 4 Miếu bưng cù (Tân Phước Khánh)
Ngã 4 miếu Bưng Cù (Tân Phước Khánh)

Những bậc cao niên ở Tân Khánh Bà Trà cũng nói rằng các bậc tiền bối của họ đã từng kể lại, thời khai hoang, dù cọp có tới lui, giết người, nhưng những lớp người đi tiên phong khai phá vẫn bám trụ, một mặt họ sử dụng vốn liếng võ thuật mà họ đã mang theo trên hành trình đi mở đất để khuất phục “chúa sơn lâm”, một mặt khác họ liên kết nhau để đánh đuổi cọp. Dần dần, qua nhiều lần chạm trán với cọp, người ta đã nắm được quy luật chiến đấu với cọp: cọp quỳ chân sau, chống chân trước là đang chờ đợi; trước khi vồ mồi, cọp chạy theo thế bò sát rồi phóng tới; đuôi cọp phe phẩy hoặc để ở phía nào cũng là chỉ dẫn trước hướng tấn công là phía đối diện của hướng đuôi phe phẩy… Những bậc võ dõng ngày xưa của Tân Khánh Bà Trà nổi tiếng đả hổ thường dùng cây roi bằng gỗ mật cật, làu táo hay căm xe, khá dài, nặng và cứng chắc. Nhiều con cọp từng đánh nhau với người trở nên khôn ngoan, thường dùng tư thế mà dân nghề võ gọi là thế “trâu giằn” để dụ dỗ những người chưa có kinh nghiệp chiến đấu với chúng. Theo đó, con cọp nằm ngửa bụng lên, nhìn đối thủ qua hai chân trước và hai chân sau. Với tư thế ấy, cọp dưỡng sức chờ đợi thời cơ. Ai nôn nóng, xốc tới đánh, cọp sẽ chụp roi, giữ chặt, người mạnh khỏe cỡ nào cũng không thể giằn ra nổi, cọp thừa cơ mà vồ xé chết trong nháy mắt…! Buông roi để chạy thì lại càng mau chết! Dân Tân Khánh Bà Trà từ đời này qua đời khác luôn truyền lại cho thế hệ con cháu nghe về kinh nghiệm phá thế “trâu giằn” của cọp mà hai anh em ông Ất, ông Giá từng sử dụng.

vothuat.info

Chuyện kể rằng ông Giá (em ruột ông Hai Ất – hai ông nổi tiếng vùng Tân Khánh Bà Trà với bao chiến công đả hổ) đánh nhau với cọp bằng cây roi mật cật ở Hố Ngỡi (nay thuộc xã Tân Vĩnh Hiệp, kế cận thị trấn Tân Phước Khánh, cùng thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) một hồi lâu bất phân thắng bại thì cọp đã ngả lăn nằm ngửa trên mặt đất, giơ bốn chân lên trời, vào thế để dụ ông Giá. Lúc đó, ông Ất hay chuyện chạy đến hỗ trợ cho em, thấy vậy, đã cỡi phăng chiếc áo bà ba ra và quăng thẳng vào con cọp. Cọp tưởng ông Giá nhảy vào tấn công nên đã dùng cả bốn chân chụp lấy định cấu xé cho chết. Thừa cơ hội, hai anh em ông Ất và ông Giá quơ roi đập túi bụi vào mình cọp, khiến cho con vật đau quá, phải bỏ chiếc áo bà ba rách ra, cong đuôi chạy mất hút vào rừng! Người ta cũng kể rằng ông Ba Giá đã từng hạ cọp bằng tay không. Khi cọp nhảy tới vồ xuống, ông Ba Giá đã hụp xuống, làm cho hai chân trước của cọp vồ xuống gác trên hai vai thò ló ra sau lưng. Ông Ba Giá nhanh nhẹn dùng hai tay nằm ghì chặt hai chân trước của cọp rồi dùng đầu đội lên phía dưới càm của cọp, làm cho miệng cọp không hả ra được, nanh cọp trở thành vô hiệu!

Tổng kết cuối cùng là trước khi giết cọp thì con người phải đánh với nó vài hiệp cho nó mệt rồi mới ra tay dễ dàng [Sơn Nam (1984): Đất Gia Định xưa, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh; trang 37 – 39]. Cũng vì những lý do đó mà người ta đã gọi Tân Khánh – Bà Trà là “Xứ Đả Hổ” và hai anh em ông Ất, ông Giá được người đời tặng cho biệt danh là “Võ Tòng Tân Khánh”!.

vothuat.info

Tuy nhiên, thái độ của người dân Tân Khánh – Bà Trà thời khai hoang: vừa biết ơn cọp vì nhờ nó mà sự phá phách của các loài thú rừng khác giảm thiểu; vừa thẳng tay trừng trị, nếu cần thì rủ nhau đi săn bắt, giết không nương tay để từ đó có biết bao câu chuyện đả hổ lưu truyền trên đất Tân Khánh – Bà Trà xưa nay; vừa kính n xem như vị thần và đem thờ ngay trên bức bình phong dựng trước đình làng với danh gọi tôn xưng là “Ông Hổ” mà hằng năm dân làng đều phải dâng cúng đầu heo như chuyện kể “Cúng đầu heo cho Chúa sơn lâm” khá phổ biến ở Tân Khánh Bà Trà.

Đó là trên đất liền, rừng rậm bao quanh. Còn bước xuống sông nước thì cá sấu là nỗi kinh hoàng cho những người đi mở đất. Có không biết bao nhiêu người trở thành miếng mồi ngon cho loài thú dữ này để thế hệ đi sau cũng đúc kết thành kinh nghiệm diệt trừ loài ác thú này: đâm thẳng vào chiếc miệng há rộng của chúng! Chiếc miệng của cá sấu vừa là sự nguy hiểm cho con người khi bị nó ngoạm phải, nhưng đồng thời cũng là chỗ yếu của loài thú này – đó là chỗ mềm mại nhất của loài cá sấu mà con người dễ làm sát thương nhất! Từ đó mới có câu thành ngữ hình thành từ kinh nghiệm của những người đi mở đất: “Thứ nhất là phá sơn lâm, thứ hai là đâm hà bá”. Phá sơn lâm là phá rừng núi, tức là loại trừ địa bàn cư trú của cọp, đâm hà bá là đâm vào chỗ nhược của loài cá sấu – ác thú dưới sông nước!

Võ sư Hồ Văn Lành
Võ sư Hồ Văn Lành

Những kinh nghiệm diệt trừ thú dữ của những lưu dân người Việt vào khai phá đất phương Nam có thể hình thành từ những kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên phải mất biết bao nhiêu thời gian, mất biết bao nhiêu nhân mạng, những người đi khai hoang mới đúc kết thành kinh nghiệm. Kinh nghiệm ứng phó với thú dữ, người Việt còn có thể học hỏi ngay lớp cư dân bản địa đã từng cư trú lâu đời trên mảnh đất này do thời gian đấu người Việt đã sống cộng cư với dân bản địa, gồm người Khmer, người Stiêng, người Mạ, người Châu Ro… Bên cạnh những kinh nghiệm tồn tại trên vùng đất dữ, nhiều bản sắc văn hóa khác của các cư dân bản địa cũng đã được những người đi khai hoang tiếp thu. Vài ví dụ về các tập tục mà người Việt đã tiếp thu của người Khmer trên bước đường mở đất như: tập tục nhà trai của người Nam Bộ (trong đó có người Tân Khánh Bà Trà) thường trao sính lễ đính hôn cho nhà gái là đôi bông tai (còn gọi là đôi hoa tai) để cô dâu đeo, hay tập tục người Việt ở Nam Bộ (trong đó có người Tân Khánh Bà Trà) thường dằn nải chuối sứ già (nghĩa là không còn non, nhưng chưa chín) lên bụng người chết để hút tất cả khí độc từ thi thể bốc ra trong quá trình phân hủy… Quá trình giao lưu văn hóa đó cũng diễn ra trên lãnh vực võ thuật: người Tân Khánh Bà Trà thường sử dụng ngọn đá vòng cầu bằng ống chân giống như võ thuật của người Khmer…

  Ngoài ra, trên vùng đất mới, thời khai hoang, bộ máy cai trị của chính quyền còn lỏng lẻo đã dẫn đến nạn trộm cướp, phá rối trật tự trị an khá nhiều. Một mặt do tình hình dân cư khai hoang lập ấp vốn đa phần là dân tứ chiếng, nghèo đói cho nên “ngựa quen đường cũ”. Một mặt khác, “người Miên (tức dân Chân Lạp) cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam dường như sẵn sàng hưởng ứng, chống đối quan lại địa phương khi ở Cao Miên (tức nước Chân Lạp) phong trào lên cao” [Sơn Nam (1973): Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nhà xuất bản Đông Phố, Sài Gòn; trang 91]. Do vậy, những lớp người đến khẩn hoang đầu tiên không phải đều gặp những thuận lợi, dễ dàng, bởi một mặt họ luôn phải sẵn sàng diệt trừ các loài thú dữ để tồn tại, một mặt họ lại luôn phải sẵn sàng đương đầu với bọn cường hào, ác bá, cướp bóc để bảo vệ thành quả lao động của bản thân, gia đình, chòm xóm… Do đó, ở Tân Khánh Bà Trà có nhiều gia đình ở hai, ba đời mà vẫn chưa định cư được.

Chính trong điều kiện thiên nhiên và xã hội khắc nghiệt như vậy, để có thể tồn tại trên vùng đất mới, thế hệ người Việt đi mở đất một mặt phải đoàn kết nhau lại, một mặt tận dụng tất cả kiến thức, kinh nghiệm để bảo đảm sự bình an cho tánh mạng và cho thành quả của công sức lao động. Sách “Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ” ghi: “Lưu dân người Việt khi vào vùng đất mới làm ăn sinh sống, đến đâu họ cũng nhanh chóng kết thành chòm xóm, để dựa vào nhau làm ăn, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau những lúc gặp khó khăn hoạn nạn, bảo vệ cho nhau, chống lại thú dữ, cướp bóc, cường hào” [Huỳnh Lứa (1987): Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh; trang 55].Tuy nhiên, trong thực tiễn, không gian sống của vùng đất mới không giống như ở quê cha đất tổ tại miền Trung, miền Bắc, cho nên bên cạnh vốn liếng võ thuật truyền thống dân tộc mang theo bên cạnh mớ hành trang vật chất đạm bạc, ít ỏi, những kiến thức võ thuật, kinh nghiệm thực tiễn tiếp thu của dân tộc anh em, một lần nữa những người đi mở đất, xuất phát từ những kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn, đã sáng tạo thêm những đòn thế, bài bản võ thuật mới mẻ hơn để thích nghi với thiên nhiên và xã hội nơi quê hương mới, làm phong phú vốn liếng võ thuật Tân Khánh Bà Trà nói riêng và cho tài sản võ thuật của đất nước nói chung. Chính từ trong bối cảnh đó, môn võ thuật Tân Khánh đã hình thành, góp phần tạo nên sự phong phú cho nền võ thuật Việt Nam.

Xem thêm Video về võ Tân Khánh Bà Trà:

[jwplayer player=”1″ mediaid=”83179″]

Võ sư HỒ TƯỜNG – Tiến sĩ Văn hóa học