Từ trận thách đấu Vịnh Xuân nhìn về xu hướng underground

Đã hơn 40 năm kể từ sau 1975, người ta mới chứng kiến một trận thách đấu thu hút sự quan tâm của nhiều người đến thế.

Francois Flores – Huỳnh Tuấn Kiệt: Trận đại chiến “kinh điển” trong làng võ Việt
HOT: Cao thủ Vịnh Xuân Francois Flores đặt chân đến TP.HCM, chính thức tìm gặp Huỳnh Tuấn Kiệt

Đầu xôm, đuôi nhạt

Trận thách đấu giữa võ sư Francois Flores (môn phái Vịnh Xuân Nam Anh đến từ Canada) với võ sư Đoàn Bảo Châu (môn phái karate) và sau đó là với võ sư Hoài Linh (môn phái Vịnh Xuân chi phái Hà Nội) đã làm nóng mạng xã hội suốt những ngày vừa qua. Những bài tường thuật từ các trang báo mạng có hàng vạn lượt đọc và bình luận, khiến vụ thách đấu trở thành sự kiện võ thuật “hot” nhất từ trước đến nay trong làng võ nước nhà. Thế nhưng thực chất những trận thách đấu nói trên diễn ra như thế nào?

Trận thách đấu được quảng cáo rùm beng hàng tháng trời nhưng rốt cuộc diễn ra với chất lượng chuyên môn quá thấp.

Đánh giá về trận thách đấu của Flores và Đoàn Bảo Châu, một võ sư nguyên là lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam nói rằng đó là một trận “chẳng ra làm sao cả”, trong khi một tuyển thủ từng nhiều lần vô địch quốc gia và khu vực cho biết cả hai trận đấu “giống như đánh lộn” chứ không phải là giao lưu võ học. Thậm chí còn có cả những bình luận khá “ác” khi cho rằng đánh như thế chẳng khác gì đánh… ghen (!). Bỏ qua những bình luận không mấy thiện cảm ấy, câu hỏi đặt ra là vậy thì tại sao một trận đấu “chẳng ra làm sao cả” lại nhận được sự quan tâm của nhiều người đến thế.

 

Võ vốn là… võ

Võ thuật, thẳng thắn mà nói, vốn là… võ chứ không phải môn thể dục, không nhằm để biểu diễn và cũng chẳng mang tính thể thao. Võ được con người sinh ra để chiến đấu trong quá trình sinh tồn với thiên nhiên và trong quá trình cạnh tranh để sinh tồn qua vô số cuộc chiến tranh, bằng cách mô phỏng các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của chính con người và của thiên nhiên (như sông biển, cỏ cây, muông thú…). Ở thế giới văn minh ngày nay, nhiều môn võ đã được chuyển sang hình thái thể thao, mang tính biểu diễn nhiều hơn và nếu có thi đấu đối kháng thì những môn võ thể thao chú trọng đến khía cạnh an toàn cho võ sỹ. Thế nhưng con người dù hiện đại đến mấy thì trong thẳm sâu vẫn có bản năng sinh tồn. Bản năng này dẫn hướng con người tới sự thích thú nếu được xem đấu võ “theo kiểu sinh tồn”, mà ngày nay hình thái võ ấy được gọi dưới cái tên “thực chiến”, là “võ đường phố” (street fight), nơi không có dây ring võ đài, không có trọng tài và chẳng bị chi phối bởi bất cứ thứ luật lệ nào. Ở mức độ thấp hơn, người ta thích xem những trận đấu “mô phỏng thực chiến”, hiểu một cách nôm na là đánh đối kháng với những điều kiện gần với các trận đấu đường phố nhất, chỉ khác là có trọng tài, có một vài trang bị an toàn cùng các điều luật quy định nhằm tránh xảy ra các chấn thương nặng hoặc tử vong. Những trận đấu này có thể thấy ở hình thái đấu tự do MMA trên các võ đài UFC hiện nay.

Người ta quan tâm tới trận đấu như thế này bởi nó có hơi hướng của sự mô phỏng thực chiến, với hai võ sỹ không mang găng giáp.

Đó cũng là lý do ở Việt Nam không hề thiếu giải đấu võ thuật, đơn cử như vòng chung kết võ cổ truyền vào tháng 8 sắp tới, song khó mà thu hút được sự quan tâm của nhiều người bằng trận thách đấu “chẳng ra làm sao cả” nói trên. Đơn giản là vì trận thách đấu có hơi hướng của một trận mô phỏng thực chiến với hai võ sỹ không mang găng giáp, trong khi người xem sẽ thấy xa lạ hơn với các võ sỹ võ cổ truyền nhưng lại mang găng boxing, giáp cùng những trang bị an toàn khác. Cũng cần nhớ rằng phần đông những người quan tâm trận thách đấu là những người thích võ chứ không hẳn đã học võ, thích trở thành võ sỹ lừng lẫy địa cầu chứ chưa chắc đã sẵn sàng và đủ điều kiện để khổ luyện. Những mô hình, nhân vật mà họ thích chủ yếu đến từ phim ảnh, sách truyện, thế nên loại hình võ thể thao khó có thể thỏa mãn được sở thích của họ.

 

Underground và chuyện sinh tồn

Sinh tồn đi theo suốt đời sống con người bất kể là thời thượng cổ hay nền văn minh hiện đại ngày nay. Võ thể thao có giúp con người sinh tồn không? Câu trả lời là nếu có thì rất hãn hữu.

Cạm bẫy luôn rình rập con người thậm chí ngay trong căn nhà của họ – nơi họ tưởng rằng an toàn. Thành thử bên cạnh võ thể thao, người ta không hề quên những loại hình võ thuật chiến đấu vốn giúp con người tồn tại hàng ngàn năm qua. Đơn cử như võ tự vệ được dạy một cách phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, có vô số lớp dạy võ tự vệ, dạy cách chiến đấu thực sự cho người có nhu cầu. Một hình thái truyền dạy theo kiểu này được gọi là underground – hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là không chính thống. Các nhóm underground chia sẻ với nhau những kinh nghiệm, kỹ năng võ thuật hiệu quả khi con người rơi vào tình huống nguy hiểm ngoài đường phố, nơi mà người ta không thể nhờ trọng tài hoặc yêu cầu kẻ tấn công phải đánh đúng luật.

Những trận đấu võ cổ truyền với võ sỹ mang găng boxing khiến nhiều người cảm thấy xa lạ nếu so với khái niệm về võ cổ truyền trong tâm trí họ.

Nhóm underground nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay là DBVN. Nhóm này quy tụ nhiều kiện tướng, VĐV cấp quốc gia cùng hàng ngàn người học võ, đam mê võ thuật. Những buổi gặp gỡ (off-line) của nhóm luôn rất hữu ích cho thành viên, ngoài việc chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ năng đánh thực chiến hoặc các kỹ thuật mới, những buổi gặp gỡ này còn là cơ hội cho các thành viên thi đấu giao lưu (dĩ nhiên có trọng tài và luật) theo lối mô phỏng thực chiến rất sống động và với chất lượng chuyên môn cao hơn nhiều so với trận thách đấu “chẳng ra làm sao cả” đã nói ở đầu bài. Vì nhiều lý do, trong đó có sự cứng nhắc, máy móc của cơ quan quản lý nên những nhóm underground như DBVN vẫn chỉ hoạt động theo lối âm thầm, dù thu hút được ngày càng đông đảo thành viên.

Underground – Một hình thái chia sẻ kinh nghiệm võ thực chiến một cách hiệu quả.

Nhu cầu được xem giao lưu, tỷ thí võ cũng như nhu cầu hiểu biết, sử dụng võ để tự vệ, chiến đấu là những nhu cầu có thật. Những nhu cầu ấy lớn hơn nhiều so với việc đi xem biểu diễn, thi đấu võ thể thao và nếu các cơ quan quản lý “thấu cảm” được điều đó để có thể nhìn nhau và nói “phải làm gì đi chứ”, hẳn là phong trào luyện tập võ thuật ở nước ta sẽ có cơ phát triển mạnh cả về lượng và chất. Bởi nền tảng cho câu chuyện dài dòng này là ở chỗ dân tộc Việt vốn là một dân tộc thượng võ, trong hàng ngàn năm.

N.A