Trong đời sống thường ngày, võ thuật mang hai ý nghĩa. Một là, kiện thân, tăng cường sức khỏe, có thể sử dụng chiêu thức, quyền cước hoa mỹ. Hai là, biểu diễn, đem lại sự thưởng thức cao đẹp đối với người xem. Những điều này có thể đem lại niềm say mê của mọi người đối với võ thuật. Nhưng đối với tầng lớp thanh thiếu niên thì đại đa số tập võ là nhằm sử dụng để tự vệ, phòng thân. Nói một cách cụ thể, đó là sử dụng kungfu “cứng”, gặp những kẻ hung bạo, đứng trước nguy cơ thiệt mạng mà nếu luyện võ chỉ nhằm mục đích hoa mỹ thì đối phó sẽ trở nên khó khăn. Điều này đã khiến cho những người tập võ thuật Thiếu Lâm quyết tâm khổ luyện bản lĩnh thực chiến.
1) Trọng thực chiến, đơn giản không hoa mỹ
“Trọng thực chiến, đơn giản không khoa trương” là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của quyền thuật Thiếu Lâm. Sự hình thành và chức năng của quyền thuật Thiếu Lâm có mối quan hệ mật thiết với chính trị xã hội, quân sự và đời sống hiện thực. Vì vậy có thể nói, võ thuật chính là văn hóa, hơn nữa đó là văn hóa nhân sinh hết sức lý thú.
2) Quyền đi theo đường thẳng
Đây là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất và cũng là dễ phân biệt nhất giữa phong cách võ thuật Thiếu Lâm với các môn phái võ thuật khác. Nghĩa là mỗi một bài quyền Thiếu Lâm từ khởi thức cho đến thu thức đều luôn duy trì hướng vận động theo một đường thẳng. Kiểu vận động này hết sức có lợi đối với việc gia tốc, qua đó ảnh hưởng tích cực đến thực chiến ( Trong thực chiến, tốc độ được coi là trên nhất).
3) Phi khúc phi trực (Không cong, không thẳng)
” Phi khúc phi trực” chủ yếu chỉ đặc điểm thủ pháp. Khi xuất quyền hoặc xuất chưởng tấn công đối phương, yêu cầu cánh tay thẳng mà không thẳng, cong mà không cong, Bởi vì nếu cánh tay thẳng quá thì các mạch, gân, sẽ trở nên căng, không những dễ bị phản công mà còn gây bất lợi khi thu về. Ngược lại nếu cánh tay cong quá thì vừa không có sức mạnh, vừa làm mất đi cự li có thể đánh vào bô vị yếu hại của đối phương. Vì vậy trong quá trình luyện tập trường kỳ, các võ tăng đã đúc kết được kinh nghiệm ‘phi khúc phi trực”, có lợi cho cả tấn công lẫn phòng thủ, linh hoạt vận dụng
4) Cổn nhập xuất
“ Cổn nhập xuất” là chỉ khi xuất quyền hoặc xuất chưởng thì cánh tay cần phải xoay vòng, thể hiện la hoàn kình để tấn công đối phương. Đặc điểm của nó là, mượn đà xoay chuyển, điều khí ở Đan Điền, trợ lực cho cánh tay đánh vào bộ vị yếu hại của đối phương.
5) Quyền đánh “ngọa ngưu chi địa”
“Ngọa ngưu chi địa” nghĩa là nơi trâu nằm. Đây là chỉ đến phạm vi hoạt động của quyền thuật Thiếu Lâm. Thiếu Lâm quyền không cần những nơi đất rộng mới có thể diễn luyện được mà chỉ cần một phạm vi không gian nhỏ hẹp là có thể thực hiện được. Thiếu Lâm quyền không chịu sự ràng buộc về sân bãi, ở mọi nơi, mọi chỗ đều có thể phát huy được uy lực.
6) Thiền Võ hợp nhất
Thiếu Lâm Tự là tổ đình của Phật giáo Thiền Tông. Tư tưởng Thiền Tông không những ảnh hưởng đến đời sống của tăng nhân mà còn ảnh hưởng đến phong cách, đặc điểm của quyền thuật Thiếu Lâm. Mỗi một bài quyền Thiếu Lâm đều chứa đựng những triết lý của Phật giáo, coi “tâm” pháp là chiến thuật phi “hình” pháp. Sự vận động của những động tác trong từng bài quyền đều nằm dưới sự chi phối hay trạng thái Thiền định, ví dụ như chắp tay kính lễ , “Đồng tử bái Quan Âm”, “Thiên Địa hợp nhất”…
Ly Nguyễn