Kyokushin được xem như một trong những bộ môn thể thao đối kháng ấn tượng nhất thời đại, được mệnh danh như “lưu phái tàn khốc nhất của Karate. Với cội nguồn đó, Kudo tuy được cố ý phát triển theo một con đường “nhẹ nhàng” hơn nhưng vẫn kế thừa sự tàn khốc và thực chiến đặc trưng của Kyokushin theo một cách rất riêng.
Do Mawashi – đòn đá ma quái của Kyokushin Karate
Không đấm mặt, vì sao Kyokushin vẫn tàn khốc nhất làng Karate
Lưu phái Kyokushin được tổ sư Mas Oyama sáng lập năm 1964 với nền tảng phần lớn từ Shotokan Karate. Kể từ mùa giải Vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1975, luật thi đấu của Kyokushin không có nhiều thay đổi.
Luật thi đấu là một trong những đặc trưng – và cũng là trở ngại lớn nhất của Kyokushin. Tuy không cho phép những đòn đấm vào vùng mặt nhưng những đòn đá lại có thể thoải mái làm điều đó. Điều đáng nói hơn nữa là môn sinh thi đấu Kyokushin không dùng bất cứ loại bảo hộ vùng đầu nào như mũ bảo hộ hay thậm chí là không bắt buộc sử dụng miếng bảo hộ răng – hàm, vật dụng được xem như sự bảo hộ tối thiểu cho các VĐV võ thuật đối kháng.
Mặc cho sự nguy hiểm trên sàn tập lẫn thảm đấu, Kyokushin vẫn phát triển với tốc độ chóng mặt. Đúng với như cái tên “sự thật tuyệt đối” của Kyokushin, bộ môn này gìn giữ một quan niệm thực tế đến mức tàn khốc về võ thuật đối kháng. Ngày nay, chỉ riêng số võ sinh – võ sư tập luyện trên 40 năm của Kyokushin cũng đã lên đến con số 12 ngàn người. Nhiều võ sĩ Kyokushin còn thành danh cả trên sàn Kickboxing hay MMA như Bas Rutten, Andy Hug, GSP…
Nhưng đường lối của Kyokushin không hẳn đã làm hài lòng tất cả, trong đó có Takashi Azuma – người sáng lập nên Kudo.
Azuma sinh năm 1949 và bắt đầu tập luyện Judo từ năm 16 tuổi. Bảy năm sau đó, ông bắt đầu phục vụ trong Quân đội Nhật Bản và tham gia tập luyện Kyokushin.
Tuy được đánh giá là một thiên tài Kyokushin nhưng ông không đồng ý với những quan niệm của bộ môn này. Trước hết, ông cho rằng những chấn thương vùng đầu của Kyokushin là điều cần phải đặc biệt cân nhắc – nhất là khi những nhà lãnh đạo Kyokushin không có ý định thay đổi quy định bảo hộ, vốn là điều làm nên đặc trưng của bộ môn này. Kế đến, việc sử dụng kỹ thuật thuần striking (đả thương bằng va chạm) khiến các võ sĩ có lợi thế thể chất dễ dàng áp đảo được trận đấu theo luật Kyokushin.
Năm 1981, Azuma lập ra Kudo – một thể thức tập luyện và thi đấu đối kháng mới mang đậm tính võ tổng hợp.
Việc sử dụng mũ kính để bảo vệ toàn bộ vùng đầu không phải là điểm khác biệt duy nhất giữa Kudo và Kyokushin. Nếu như Kyokushin là một môn thuần striking thì Kudo mang xu hướng võ tổng hợp hơn khi sử dụng cả các kỹ thuật vật, khóa siết – một sự điều chỉnh mà Azuma tin rằng “sẽ giúp các võ sĩ chênh lệch về thể chất có thể thi đấu một cách công bằng và đầy tính cạnh tranh hơn”. Kudo còn loại bỏ hoàn toàn các bài quyền khỏi giáo trình của mình mà tập trung vào việc rèn luyện kỹ thuật, thể chất và kinh nghiệm giao đấu. Những đặc điểm đó khiến Kudo vừa mang hơi hướng của Karate (xét về mặt lý thuyết thì Kudo gián tiếp được sinh ra từ Shotokan Karate và Judo), vừa bị làng Karate Nhật… chối bỏ.
Đúng với những tiêu chí ban đầu (chữ “Ku” – 空 trong “Kudo” có nghĩa đen là “bầu trời” nhưng có nghĩa ẩn dụ là sự “khai mở” và “chấp nhận”), Kudo đã tạo nên một nơi chốn mới cho những người vừa yêu thích sự cương mãnh, chân thực và nghiêm túc của Kyokushin, vừa muốn tập luyện một phong cách võ thuật tổng hợp. Kudo sinh ra đúng vào thời đại mà võ tổng hợp trở thành xu thế toàn cầu, khi nhà Gracie ở Nam Mỹ đang tìm cách hình thành MMA (điều họ đã thực sự làm được vào năm 1993) hay khi Tổ sư Kang Jun đang suy nghĩ về một môn “võ tổng hợp” cho người Hàn (dẫn đến sự thành lập của Gongkwon Yusul vào năm 1996).
Kudo cũng được xem như trường phái lớn cuối cùng được phát triển và tách biệt khỏi đại gia đình Karate vốn đã tồn tại với hàng chục hệ phái lớn nhỏ toàn thế giới. Môn “Karate tổng hợp” còn được xem như dấu chấm kết lại thời kỳ phát triển đa dạng và phức tạp của làng võ thế giới cuối thế kỷ 20. Sự thành công của Kudo kể từ khi tách khỏi Kyokushin được xem như lời khẳng định “đây là thời đại của võ tổng hợp” – hay nói đúng hơn là “những bộ môn võ thuật mang phong cách tổng hợp”.
Bạn chỉ biết đến MMA của quần short và lồng sắt? Đừng quên còn có một Kudo nữa trong làng “võ tổng hợp”, một thành viên quan trọng của làng võ thuật thế giới đang dần chứng minh vị thế của mình với sự tồn tại trên 52 quốc gia.