Làng võ thuật Trung Hoa là một trong những nền võ học lâu đời nhất, và đương nhiên nó chứng kiến sự thay đổi mãnh liệt, to lớn và tàn khốc nhất từng có. Kể từ khi Tán thủ ra đời, các trường phái võ thuật phương Tây như Boxing du nhập vào Trung Quốc, mối mâu thuẫn “cũ – mới” bùng nổ thực sự. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ những tháng ngày của sự kiện Từ Hiểu Đông diễn ra căng thẳng như thế nào.
Công chiếu phim về trận đánh Lý Tiểu Long – Hoàng Trạch Dân
Phim hay tháng 9: Tiểu Long tái sinh – Birth of the Dragon
Lý Tiểu Long là người sinh ra và lớn lên giữa mối mâu thuẫn đó, giữa thời chuyển giao cổ điển – hiện đại của nền võ thuật Á Đông, chính bản thân ông cũng là người có dịp “đi Tây về Đông” nên dễ dàng chứng kiến điều đó một cách rõ ràng. Những nhà làm phim Birth of the Dragon (tựa Việt: Tiểu Long tái sinh) đã vận dụng điều này hết sức khôn khéo, thậm chí cường điệu hóa nó một cách mạnh mẽ.
Lý Tiểu Long bắt đầu dạy kungfu tại Mỹ từ khi mới 21 tuổi (năm 1961) tại trường Đại học Washington, nơi anh đang theo học khoa Triết. Anh liên tục giành nhiều thành công vang dội, đặc biệt là từ khi biểu diễn kungfu công khai trước truyền thông cả nước Mỹ tại giải Kempo Karate mở rộng Longbeach (1964) với lời mời của người bạn thân Ed Parker. Điều này khiến giới võ thuật Trung Hoa trong nước và cả hải ngoại sôi sục, bởi lẽ thời điểm đó người phương Tây luôn giữ định kiến “Đông Á bệnh phu” với người Trung Hoa, và người Trung Hoa cũng có quy tắc ngầm rằng không bao giờ truyền dạy kungfu cho người phương Tây. Chính Diệp Vấn – người thầy nổi tiếng với tư tưởng cởi mở nhất trong những người Lý Tiểu Long từng theo học cũng không đồng tình với việc này. Năm 1965, Hoàng Trạch Dân, một võ sư kungfu tại các khu phố Tàu ở Mỹ thách đấu Lý Tiểu Long, với điều kiện rằng nếu một trong hai người thua cuộc, người đó phải ngừng dạy võ vĩnh viễn. Không có nhiều văn bản xác thực kết quả trận đấu, nhưng theo đại đa số lời đồn, Lý Tiểu Long đã đánh bại Hoàng Trạch Dân. Sau đó, chính Lý Tiểu Long lại tự thắc mắc “Vì sao trận đấu kéo dài đến thế?”. Thế là ông hệ thống lại các kỹ năng chiến đấu của mình với mục đích hạ gục đối thủ nhanh gọn hơn nữa, cuối cùng sáng tạo ra Triệt quyền đạo.
Hơn cả những sự thật lịch sử, phim Tiểu Long tái sinh đẩy mối mâu thuẫn của võ thuật Trung Hoa lên cao trào bằng cách khắc họa cặp nhân vật Lý Tiểu Long – Hoàng Trạch Dân trái ngược rõ ràng (dẫu có chút sai khác với lịch sử). Ngay trong những trailer đầu tiên được “nhá hàng”, đã có những tình tiết khiến khán giả hiểu ngay nguyên nhân của cuộc đối đầu huyền thoại này:
Hoàng Trạch Dân: “Sư phụ Lý của anh dạy gì?”
McKee (học trò Lý Tiểu Long): “Đánh người”
Hoàng Trạch Dân (bất ngờ): “Đánh người ư”?
Trong các trích đoạn rời rạc khác được tiết lộ trong trailer, Hoàng Trạch Dân và Lý Tiểu Long cũng thể hiện tư tưởng hoàn toàn trái ngược về võ thuật. Trong khi Lý Tiểu Long nói: “Đây (ý chỉ võ thuật) là chuyện ai sẽ sống và ai sẽ chết” cũng như rất nhiều lời ca ngợi tính thực chiến của võ thuật thì Hoàng Trạch Dân lại nói về võ thuật một cách đầy triết lý: “Kungfu Bắc Thiếu Lâm là sự tự kỷ luật và tự giác ngộ”.
Như vậy, không nghi ngờ gì nữa, ý đồ của tựa phim đã được bộc lộ rõ. Đây không còn là cuộc thách đấu đơn thuần chỉ vì “không muốn con cháu người Hoa tiếp tục dạy võ cho những người Tây coi chúng ta là bệnh phu nhược tiểu” nữa, mà là cuộc đối đầu thời đại, cuộc đối đầu giữa hai luồng tư tưởng khác nhau trong nền võ thuật Trung Hoa.
Ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc đối đầu đó? Câu trả lời sẽ được hé lộ khi tựa phim “cập bến” các phòng vé Việt vào ngày 8/9 sắp tới.
Phạm Vũ