Việc nghiên cứu, xác định và điểu khiển được nguyên nhân bẩm sinh của bạo lực rất quan trọng. Về mặt tích cực, những người có tố chất bạo lực bẩm sinh sẽ dễ thành công trong sự nghiệp võ thuật đối kháng hơn người bình thường có cùng chế độ tập luyện.Tuy nhiên, tố chất bạo lực cũng thúc đẩy việc hình thành tội phạm, thậm chí là sát thủ giết người hàng loạt.
Hạ nhục lá cờ tổ quốc, võ sĩ UFC thể hiện sự giận dữ bằng đôi mắt sát thủ
Giải mã môn võ sát thủ của đặc nhiệm Hàn Quốc
Trong võ thuật, ta dễ dàng nhận thấy nhiều võ sĩ thuộc hình mẫu “sát thủ”. Anh ta có thể có một bản tính cộc cằn ngoài đời, nhưng cũng có rất nhiều người hoàn toàn hiền lành ngoài đời. Nhưng khi bước lên sàn đấu, anh ta thi đấu như một zombie không biết đau đớn và sở hữu lối đòn dồn dập đến đáng sợ. Lối đánh này khác hẳn với những kiểu võ sĩ chủ yếu thành công dựa vào tốc độ, kỹ thuật, chiến thuật và thi đấu hoàn toàn bình tĩnh.
Sự xuất hiện của những vụ án thảm sát khiến các nhà khoa học một lần nữa lại phải bắt tay vào nghiên cứu bản năng bạo lực của con người, đặc biệt là sau một số vụ việc khó hiểu như Satoshi Uematsu – một thanh niên Nhật Bản giết hại 19 người trong trung tâm khuyết tật. Điều đáng nói rằng Uematsu có một tiểu sử hết sức bình thường, được giáo dục bài bản và không hề có tiền sử tội phạm. Bạn bè và người thân cũng nhận định đây là một thanh niên bình thường và có phần hiền lành.
Nhiều người cho rằng Uematsu tâm thần. Điều này trùng khớp với các khám nghiệm tâm lý, nhưng nó không phải lý do toàn diện, bởi Uematsu không phải người duy nhất hành xử như thế. Bên cạnh một số đông tội phạm xuất thân từ tuổi thơ chịu bạo hành hay có tiền sử nghiện rượu, ma túy,,, nhiều tội phạm (trong đó có cả những sát thủ hàng loạt) lại hành xử như thể bạo lực là một phần của bản năng và hoàn toàn trái ngược với môi trường sống yên bình, lành mạnh mà họ thụ hưởng. Gilles De Rais (Pháp), Ishikawa (Nhật)… Harold Shipman (Anh) là những ví dụ như thế. Điều này càng khiến các nhà khoa học tin rằng các yếu tố bẩm sinh cũng có tác động tới hành vi bạo lực.
Và quả thật, các nghiên cứu sau đó cũng chỉ ra rằng có một số loại gene di truyền có thể biến một người trở thành kẻ giết người, hay ít nhất là có khả năng chịu đựng, kiểm soát và tự tăng tiến mức độ bạo lực hơn người bình thường. CDH13 (cadherin 13) – một loại gene tham gia vào quá trình liên kết neuron trong não bộ là ví dụ. CDH13 được cho là có thể kích hoạt phản ứng bạo lực ở người. Hoặc như gene monoamine oxidase A (MAOA) ngăn cản não bộ sản sinh ra dopamine – “hoormine hạnh phúc”, khiến con người dễ có các hành vi bạo lực hơn mà không thấy thỏa mãn.
Ken Kiehl là nhà tâm lý học đã từng thực hiện rất nhiều nghiên cứu về những tội phạm giết người hàng loạt. Ông đã phỏng vấn và thực hiện các xét nghiệm trên hơn 4.000 tội phạm tại Mỹ – nghiên cứu với quy mô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này. Theo Kiehl, thí nghiệm của ông cho kết quả những kẻ tội phạm tâm thần có ít chất xám và hạch hạnh nhân trong não bộ nhỏ hơn.
Tiếp đến, Kiehl sử dụng công nghệ chụp cộng hưởng từ (fMRI), tập trung hướng đến khu vực vỏ não vành trước (anterior cingulate cortex – ACC) – khu vực chịu trách nhiệm quản lý chuyển động của cơ thể. Cuối cùng, họ theo dõi những tên tội phạm này trong 4 năm. Kết quả cho thấy những tên tội phạm có ACC hoạt động yếu thường có xu hướng tiếp tục phạm tội sau khi được ra tù. Thậm chí, điều này đúng ngay cả khi họ tính thêm cả những yếu tố khác như tuổi tác, thói quen sử dụng rượu bia, ma túy…
Một nghiên cứu khác do Helen Morrison – bác sĩ giám định tâm thần tại Chicago – thực hiện trên 135 tội phạm giết người hàng loạt cũng đem lại kết luận tương tự. Morrison cho rằng nhiều kẻ trở thành sát nhân là do có lỗi trong gene, khiến họ có thêm một nhiễm sắc thể. Ví dụ như Bobby Joe Long – một tên tội phạm điển hình với 3 tội danh cướp – giết – hiếp, có thừa một nhiễm sắc thể X. Theo cô Morrison, việc có thừa một nhiễm sắc thể đã khiến Long bị thừa oestrogen, để rồi hắn cảm thấy phẫn nộ và cuồng loạn vào tuổi dậy thì trước những bất ổn xảy ra với chính cơ thể mình. Hoặc như trường hợp của Richard Speck – tên tội phạm đã tra tấn, cưỡng hiếp và giết 8 nữ y tá trường học tại Chicago. Hắn cũng có thừa một nhiễm sắc thể Y.
Trong khi đó, với định hướng nghiên cứu tương tự, giáo sư Jim Fallon, chuyên gia thần kinh học tại ĐH California thì tìm ra một loại ADN gây bạo lực: MAO-A. Loại ADN này được xem là “gene chiến binh”, tác động đến hormone cảm xúc serotonin trong não bộ, khiến con người trở nên bạo lực hơn.
Như vậy, có thể thấy bên cạnh các yếu tố như môi trường sống, giáo dục, ký ức… thì yếu tố bẩm sinh cũng có thể quyết định được một người lớn lên sẽ có xu hướng bạo lực hay không. Dĩ nhiên, ta không thể đánh đồng sát thủ với võ sĩ đối kháng, nhưng đừng quên rằng cả hai đều gắn bó với bạo lực theo những nguyên lý cơ bản giống nhau.
Phạm Vũ