(Bài dự thi Võ thuật trong trái tim tôi)
Tôi đã bắt đầu niềm đam mê võ thuật từ bé, với những bộ phim kiếm hiệp nói về lò võ Thiếu Lâm Tự, rồi đến hàng loạt tác phẩm điện ảnh kinh điển của võ thuật Trung Hoa như các phim cổ trang: Anh hùng Xạ điêu, Thiên Long Bát Bộ, Ỷ thiên Đồ long ký, Dương gia tướng, hay võ thuật hiện đại như: Tinh võ môn, Anh Hùng, Thập diện mai phục…
Đất nước Trung Hoa rộng lớn và có lịch sử phát triển lâu đời, dĩ nhiên, hệ thống văn hóa, tư tưởng vô cùng phức tạp. Nhưng ngày nào họ còn trân trọng giá trị tư tưởng về sự hòa hợp được đúc kết trong những thành tựu văn hóa đặc sắc như Thái cực quyền, Vịnh Xuân quyền thì họ vẫn giữ được sợi dây liên hệ của lịch sử để có thể bước tới tương lai.
Võ thuật không chỉ là môn học về kỹ thuật luyện tập chiến đấu, không chỉ là một môn nghệ thuật mà còn là môn khoa học nữa. Bởi vì hình thức của nó được xây dựng từ các lý thuyết căn bản của khoa học tự nhiên như vật lý học, sinh học đồng thời nội dung của nó chứa đựng lý thuyết của khoa học xã hội như triết học, nhân văn….. Tính triết lý và nhân văn đó chính là nét để khu biệt võ thuật với các môn thể thao khác. Bởi lẽ người ta chỉ gọi là Nhu đạo (Judo), Không thủ đạo (Karate), Hiệp khí đạo (Aikido), Thái cực đạo (Teakowndo) chứ không ai gọi là bóng đá đạo, cầu lông đạo hay quần vợt đạo bao giờ cả. Chữ “Đạo” trong võ được xã hội hóa và ăn sâu trong máu thịt các dân tộc có nền võ học lâu đời như Nhật bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt nam… Như vậy, võ học được hình thành từ sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức, tất cả mọi chuyển động cơ học của các kỹ thuật tay chân đều ngầm chứa nội dung mang tính đạo lý và nhân bản sâu sắc. Suy cho cùng, trong sâu xa võ có hai phần: thuật và đạo. Thuật chỉ đủ để giúp người ta biết võ. Còn đạo mới đưa người ta đến tận cùng của cái biết võ mà hành võ. Đạo chính là đẳng cấp cao nhất mà người tập võ chân chính phải phấn đấu đạt đến.
Từ niềm đam mê điện ảnh và võ thuật ấy, tôi đã bắt đầu tập luyện môn Vovinam, trước hết là để rèn luyện sức khỏe, học hỏi tinh hoa võ thuật dân tộc. Qua gần 6 năm gắn bó, tôi đã thật sự cảm nhận được ý nghĩa của 3 từ “Việt Võ Đạo” để ngày càng yêu quý hơn và phấn đấu rèn luyện nhiều hơn.
Năm 1938, võ sư Nguyễn Lộc trưởng thành khi Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ hơn nửa thế kỷ và nhân dân vẫn đang tiếp tục công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Là một người đam mê nghiên cứu và tập luyện võ thuật, đồng thời nhận thức rõ về ý nghĩa triết lý võ đạo: “Thanh niên dân tộc Lạc Hồng cần có lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức cách mạng, ý chí quật cường và nghị lực quả cảm; tất cả những điều đó phải được chứa đựng trong một thân thể khỏe mạnh, đanh thép, sức lực dẻo dai, chịu đựng được mọi gian khổ, có khả năng tự vệ và chiến đấu”. Từ đó, Nguyễn Lộc đã lấy môn vật và võ dân tộc Việt Nam làm nền tảng, khai thác mọi tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo thành môn phái riêng theo nguyên lý Cương – Nhu phối triển và đặt tên là Vovinam.
Từ một môn phái võ tự phát ở địa phương, nay Vovinam đã được thể thao hóa và xã hội hóa để trở thành một phong trào quần chúng, phổ biến rộng khắp đất nước Việt Nam và được quảng bá, giới thiệu và lan tỏa đến hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Tự hào Việt Võ Đạo đã được trở thành môn thi đấu chính thức của SEA Games 26 tại Indonesia và 27 tại Myanmar, của Asian Indoor Games 2009 tại Việt Nam. Tự hào với những màn biểu diễn của Võ Việt tại các kỳ “đại hội võ lâm” thế giới như IMAF Iran, Liên hoan Bercy hay Festival Chungju với sự tán thưởng và ủng hộ nhiệt liệt của hàng ngàn khán giả. Và tôi cũng vinh dự, hạnh phúc được đồng hành cùng đội tuyển Vovinam trong những chuyến lưu diễn quảng bá và thi đấu ấy. Những mái nhà chung của tất cả Việt Võ Đạo khắp nơi, từ các Liên đoàn, Hiệp hội Vovinam quốc gia đến những tổ chức quốc tế ra đời: Liên đoàn Vovinam Châu Á (AVF), Liên đoàn Vovinam Châu Âu (EVVF), Liên đoàn Vovinam Châu Phi (FAVV), Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á (SEAVF) đã trở thành một sự kết nối vững chắc để phong trào Việt Võ Đạo ngày càng phát triển mạnh mẽ, phát huy tinh thần thượng võ và góp phần bảo lưu, phát triển các giá trị văn hóa, võ học cao đẹp của môn phái Vovinam. Tôi ước mơ rằng võ Việt sẽ ngày càng phát triển để có thể trở thành một nét văn hóa, một môn thể thao sánh vai cùng các “đại phái” như Taekwondo của Hàn Quốc, Karate và Judo của Nhật Bản, hay Wushu, Thái cực quyền, Thiếu Lâm kungfu của Trung Hoa…
Để tiếp tục giấc mơ được có mặt ở những đấu trường quốc tế quan trọng hơn trong tương lai như Á Vận Hội (Asian Games), thì chúng ta cần không ngừng hoàn thiện và nâng cao cả về chất và lượng, trong công tác chuẩn hóa quy định, điều lệ và đào tạo chuyên môn, tổ chức thi đấu… Những nhiệm vụ, trọng trách ấy không chỉ đặt nặng đối với đội ngũ làm công tác quản lý phong trào mà còn đối với tất cả thành viên của gia đình Vovinam, và những ai yêu mến Vovinam – một nét đẹp văn hóa Việt.
Lê Vũ (Hóc Môn, TP.HCM)