Với chuỗi trận hầu như bất bại trên các đấu trường trong nước và quốc tế, mới 20 tuổi, cái tên Trần Bình Long đã trở nên lừng lẫy. Dũng mãnh chiến thắng lời thách thức của Lý Diệu Quang – môn đồ của Lý Tiểu Long, anh khiến bao trái tim người hâm mộ Việt Nam vỡ òa.
- Thành Long – và cái bóng của huyền thoại Lý Tiểu Long
- Những pha võ thuật “đặc sệt” Vịnh Xuân quyền của Lý Tiểu Long
Và cho đến tận bây giờ khi nhắc đến huyền thoại võ thuật xứ Gò, người ta vẫn không ngớt lời ca tụng về “tay đấm không biết mệt” Trần Bình Long.
Tuyệt chiêu “Phượng dực bạt phong”
Quả thật rất ngạc nhiên, khi võ sĩ một thời làm khiếp đảm các anh tài trên sới võ lại có vẻ mặt hiền hòa. Trước mặt chúng tôi là người đàn ông luống tuổi, cách chuyện trò đậm phong thái miền Tây sông nước. Bên chén trà chiều muộn, Trần Bình Long từ từ góp nhặt những câu chuyện quá khứ oai hùng. Trần Bình Long tên thật là Trần Văn Mừng, năm nay hơn 60 tuổi, trú tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ông là một trong những môn sinh ưu tú, góp phần “phát dương quang đại” cho võ đường Triệu Tử Long, hệ phái võ kinh xứ Gò Công. Cùng với vị huấn luyện viên Hồng Long, Trần Bình Long đã trở thành huyền thoại của đất võ xứ Gò.
Với tuyệt chiêu “Phượng dực bạt phong”, Trần Bình Long liên tục hạ nốc ao đối thủ. “Phượng dực bạt phong” cùng với Trần Bình Long đã tung hoành từ Nam chí Bắc… Với mãnh lực vô song, chiêu thức này đã khiến giới võ thuật thời bấy giờ vừa kinh hãi lại vừa bội phần thán phục. Đến nỗi, cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn thêu dệt những lời đồn đại ly kỳ về “Phượng dực bạt phong”. Rằng, Trần Bình Long đã lĩnh hội hết tinh hoa của “Phượng dực bạt phong”, nên mỗi khi ra chiêu thức là lập tức hạ gục được đối thủ. Rằng, mỗi khi Trần Bình Long xuất chiêu, trong khoảnh khắc liền xuất hiện luồng khí mang hình dáng phượng hoàng xé gió, vút lên trời cao…
Võ sư giải thích: “Phượng dực bạt phong” hay còn được gọi nôm na là “chỏ lật” nằm trong bộ Phượng hoàng quyền pháp của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đòn “chỏ lật” chủ yếu dùng cùi chỏ để bủa ra phía sau, hay lật bủa từ trên cao xuống”. Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn xem thế đánh, ông cười tươi, rồi ngay tức khắc sắc mặt thay đổi. Từ hiền hòa, ông trở nên trang nghiêm, quắc thước đến lạ lùng. Ông vừa đi quyền, vừa dùng lời giảng giải: “Gối, chỏ là những kỹ thuật cận chiến của võ thuật cổ truyền. Tượng hình các thế đánh cùi chỏ như đôi cánh phượng hoàng gọi là “phượng dực”.
“Tay đấm không biết mệt”
Thuở ấy, võ thuật được rất nhiều người yêu thích. Các sới đấu luôn đông nghẹt khán giả, và võ sĩ được tôn lên như những anh hùng. Bởi thế, như bao cậu trai cùng lứa, ước ao của cậu bé Mừng là lớn lên sẽ trở thành võ sĩ. Mỗi khi có hội đấu võ là y như rằng Mừng trốn ngủ trưa, chân trần chạy hàng mấy cây số đến xem cho bằng được những trận thượng võ đài. Lớn lên một chút, Mừng tìm đến võ đường Triệu Tử Long, nổi tiếng khắp đất Gò Công để ghi danh học võ. Tuy gầy nhom nhưng Trần Bình Long có ngộ tính võ thuật nên nhanh chóng trở thành môn sinh ưu tú. Và dưới sự dìu dắt của vị võ sư tài năng Hồng Long, con trai của sư tổ hệ phái Triệu Tử Long, Mừng cùng các đồng môn chẳng mấy chốc vang danh miền lục tỉnh.
Năm 1974, Trần Văn Mừng lúc ấy đã được đổi tên hiệu là Trần Bình Long, được Hồng Long ghi danh tham dự giải võ thuật. Năm ấy, Trần Bình Long mới vừa tròn 20 tuổi. Do thể hình thấp bé, chỉ cao 1m63 lại khá nhỏ tuổi nên chẳng mấy ai chú ý đến. Cậu “lính mới” này lọt vào vòng trong với chuỗi trận liên tiếp hạ nốc – ao đối thủ. Cho đến trận bán kết 1, cái tên Trần Bình Long mới khiến người ta kiêng dè. Trận này, Bình Long đấu với Lê Bảo Châu, một đàn anh dạn dày kinh nghiệm. Nhưng chỉ trong vòng 50 giây đầu của hiệp đấu, Trần Bình Long đã một chiêu đánh rớt đài Lê Bảo Châu. Lúc này, người ta mới ngỡ ngàng về chiêu thức dũng mãnh mà Bình Long sử dụng. Đó không gì khác, chính là “Phượng dực bạt phong”. Và cũng với tuyệt chiêu này, Trần Bình Long đã bước lên bục cao nhất của giải đấu võ thuật năm ấy.
Mới đạt giải vô địch ngày một, ngày hai, ngày thứ 3 đã có võ sĩ đến thách đấu cùng Trần Bình Long. Thầy trò Bình Long dù không khiếp sợ, nhưng nếu cứ thi đấu liên tục thì e rằng sức của Bình Long không chịu nổi. Trong khi đó, võ sĩ đến thách đấu ngày càng nhiều, lại có những đàn anh đã nổi danh trước đó như Xuân Hải, Lâm Điền Vũ (võ đường Xuân Bình, Sài Gòn cũ). Lo lắng là vậy nhưng trong các lần thượng đài, Bình Long lại xuất sắc hạ gục các đối thủ bằng “Phượng dực bạt phong” và tiếp tục toàn thắng với chuỗi trận nốc ao.
Về sau, do thời gian lưu lại Sài Gòn đã quá lâu, Bình Long cũng đã quá mệt mỏi với những trận thượng đài liên tục nên võ sư Hồng Long quyết định không nhận lời thách đấu nữa. Ông đưa Bình Long về quê để tiếp tục luyện tập và học văn hóa. Trở lại quê nhà, không lâu sau, Trần Bình Long ghi danh tham gia giải đấu “Người cày có ruộng”. Giải đấu được diễn ra ở Cần Thơ, tập trung hầu hết anh tài võ thuật của miền Tây. Vì đây là giải đấu giao hữu, nên không có cơ cấu giải. Tuy nhiên, lại với chuỗi trận bất bại, Trần Bình Long của hệ phái Triệu Tử Long, thuộc dòng võ kinh xứ Gò Công lại càng vang danh xa hơn.
Trận đấu “cân não” với môn đồ của Lý Tiểu Long
Trở thành võ sĩ chiến thắng tuyệt đối tại Việt Nam thời bấy giờ, võ sư Hồng Long khuyên Bình Long ngừng nhận lời thách đấu trong nước. Nhưng cũng chẳng được nghỉ ngơi lâu, các thư mời thách đấu từ các võ sĩ ngoại quốc được gửi về tới tấp. Và, có lẽ nhớ nhất với Trần Bình Long là trận nghênh chiến với Lý Diệu Quang, môn đồ của Lý Tiểu Long.
Nhận được thư thách đấu của Lý Diệu Quang, cả Trần Bình Long và Hồng Long bồi hồi không yên. Vì trước giờ, người bạn láng giềng phương Bắc luôn tự hào về nền võ học tinh hoa mấy nghìn năm. Tuy không xa lạ gì những trận tranh hùng với võ sĩ nước ngoài nhưng lần thượng đài cùng Lý Diệu Quang lại có ý nghĩa hoàn toàn khác. Không ai bảo ai, tất cả những người trong đoàn đều hiểu rằng, đây chính là cơ hội để võ thuật cổ truyền nước ta khẳng định vị thế không hề thua kém Kung-fu Trung Hoa.
Ngày thi đấu, Hồng Long vỗ vai Bình Long đầy tin cẩn. Bên dưới võ đài, những con tim Việt đang thổn thức hướng theo từng bước chân của Bình Long. Vào hiệp 1, như thường lệ Bình Long chưa vội tấn công, cả Lý Diệu Quang cũng vậy. Cả hai chỉ đánh cầm chừng để dò đòn đối phương. Tuy vậy nhưng các đòn thế vẫn không kém phần đẹp mắt. Kung-fu Trung Hoa quả thật không tầm thường, các đòn thế của tay chân luôn kết hợp uyển chuyển, nhìn thì đẹp mắt lại hiểm hóc khôn lường.
Nhưng Trần Bình Long cũng không phải là hạng tay mơ. Bao nhiêu tinh hoa của võ thuật cổ truyền mà ông đã lĩnh hội đều được mang ra thi triển. Với năng khiếu thiên bẩm, Bình Long liên tục hóa giải thành công những thế đánh của Diệu Quang. Sau mỗi lần hóa giải đều kèm theo một đòn hậu, lợi dụng lực của đối phương, khiến đại diện phía Trung Hoa mấy lần thất kinh, biến sắc. Vào hiệp hai, Lý Diệu Quang nhờ lợi thế chiều cao vung quyền đấm thẳng vào giữa ngực Bình Long, Long bình tĩnh né đòn. Nghĩ Bình Long mới xoay người chắc hẳn chưa kịp về lại thủ bộ vững nên nhanh như cắt, Diệu Quang kèm tiếp một đòn “đá vắt”, nhắm ngang người Bình Long lướt tới.
Phía dưới võ đài, Hồng Long thất sắc, vì ông đã nhìn ra đây quả là một đòn “sát thủ”. Bình Long nhíu mày rồi như một cơn gió, ông nhẹ nhàng lướt người qua trái, đạp cước tiền, tay tung chiêu “Phượng dực bạt phong”. Bộ quyền pháp Phượng hoàng quả thực quá ảo diệu, lại được Bình Long kết hợp nhuần nhuyễn, biến thủ thành công khiến Diệu Quang trở tay không kịp, lãnh trọn một đòn trời giáng ngã lăn ra võ đài. Tất cả khán giả đồng loạt đứng dậy, hồi hộp theo từng nhịp đếm của trọng tài, rồi vỡ òa theo tiếng tung hô: “Bình Long Việt Nam đã hạ “nốc ao” Lý Diệu Quang của Hồng Kông”. Cho đến tận bây giờ, ông Trần Bình Long vẫn không thể nào quên được cảm xúc tuyệt vời của lần đối đầu năm ấy. Bình Long chạy ngay xuống đài, Hồng Long ôm chầm lấy học trò, những giọt nước mắt hạnh phúc vỡ òa.
Sau này, Bình Long về quê theo nghề gõ đầu trẻ và trở thành thầy giáo Mừng. Ông bỏ nghề giáo viên cùng vợ làm kinh tế, việc làm ăn cứ thế phát đạt, nhưng vẫn canh cánh không yên vì môn phái Triệu Tử Long đang đến hồi suy thoái.
Ông Bình Long buồn buồn nói: “Mới đầu cũng duy trì sới võ, nhưng rồi khó khăn quá, mọi việc cứ thế buông xuôi. Mà hiện nay, cũng ít ai có cái tâm theo được võ cổ truyền. Nếu mà hệ phái Triệu Tử Long thất truyền chắc anh em chúng tôi mang tội lớn. Nhưng tình hình hiện tại, dường như rất khó. Huấn luyện viên Hồng Long bị đột quỵ, ngay cả đến tôi, thầy cũng không muốn gặp, anh em người mất, người vất vả mưu sinh. Biết phải làm sao”.
Tiêu Phong