Võ sư Châu Minh Hay là một trong những HLV tâm huyết và có công không nhỏ trong việc phát triển phong trào của môn Vovinam. Bên cạnh đó, võ sư cũng là một cây viết sắc sảo với những bài phân tích về võ thuật được nhiều người đón nhận. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng võ sư Châu Minh Hay bàn luận về danh xưng trong võ thuật.
- Sư đệ Flores gây bão: Nói Tuấn “hạc” đánh như “mèo cào”, đòi báo thù
- Saigon Kid Warriors: Năng lượng mới cho trẻ em
Giữa làn sóng thách đấu của các cao thủ võ lâm trong và ngoài nước đang có xu hướng lan rộng, thu hút một số tín đồ chuyên “hóng tin” võ thuật để “chém gió” trên không gian mạng, thì bên cạnh đó, nhiều người tỏ ra thắc mắc về danh xưng trong làng võ, đặc biệt thế nào là võ sĩ và thế nào là võ sư?
Bởi ông này là võ sư nhưng lại được đánh giá thấp hơn so với ông võ sĩ nọ… vân vân và vân vân!
Theo định nghĩa có nguồn gốc từ Hán Việt thì chữ sĩ (士) nghĩa là học trò, những người nghiên cứu học vấn đều gọi là sĩ.
Sư (師) nghĩa là dạy người ta học về đạo đức học vấn gọi là sư.
Nôm na: Sĩ là người đang học, đang nghiên cứu tìm hiểu/ Sư là người đã dạy được người khác.
Trong giới võ thuật, một số võ phái có quy định và sự ràng buộc vào trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu/phân tích… bằng việc đánh giá của hội đồng qua các cuộc thi cử. Nhưng đâu đó vẫn có không ít các cá nhân tự nhận, tự phong cho mình một danh xưng nào đó, đa phần là danh xưng võ sư với lập luận rằng “đã dạy được học trò”!
Thường thì võ sĩ là các chiến binh còn đang trong thời kì gắn bó với các đấu trường, đều gắn liền tên tuổi của mình với danh xưng võ sĩ. Nó vừa phù hợp với hoạt động của họ, lại vừa phù hợp với ý nghĩa của nó. Bởi các võ sĩ đã chọn và đang đi trên con đường lấy “va chạm” để nâng cao và hoàn thiện nghệ thuật chiến đấu của mình trước khi giã từ sàn đài để chuyển sang lĩnh vực khác, lĩnh vực đào tạo với danh xưng cao quý hơn: Võ sư.
Theo lập luận của giới chuyên môn thì võ sư là những người, ngoài việc đạt trình độ chuyên môn cao cấp. Về mặt lý thuyết thì họ đã không coi chuyện thi đấu là quan trọng nữa mà họ tập trung cho một hay nhiều đề tài nghiên cứu/phân tích hơn là thường xuyên tôi luyện thể lực, đòn thế.
Tuy nhiên, trong thực tế, những năm gần đây, khi cánh cửa thị trường rộng mở, nền thể thao cũng đưa môn võ thuật vào các cuộc tranh tài tầm cao, thì làn sóng chạy đua với danh xưng võ sư trong làng võ cũng tăng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân có một vị trí kha khá để mở võ đường, mở câu lạc bộ…
Theo đó, cùng với cơ chế thị trường thì cơ chế “mở” trong việc thi cử lấy danh hiệu/danh xưng võ sư cũng bùng nổ!
Các nhà quản lý dễ dàng “thu gọn” chương trình luyện tập cùng với tinh giảm, thậm chí gỡ bỏ những quy định chuẩn mực trước đây để người thi dễ dàng đạt được danh xưng võ sư! Bù lại thì số lượng võ sư tăng cao để đánh giá sự lớn mạnh của một môn phái (?). Chưa kể tâm lý chủ quan của các võ sư này sau đó không thích tập luyện nhiều mà chỉ thích… dạy!
Từ đó công năng, nội lực dần giảm sút, dẫn tới sự đánh giá không cao khi so sánh khả năng thực chiến với một võ sĩ thực chiến là vậy.
Thay vì nâng cấp trình độ của các võ sư để ngày càng xứng đáng hơn thì các nhà quản lý lại buông tay để đáp ứng cái gọi là phong trào, dẫn đến các võ sư rơi vào cái lập trình “nhai lại” những gì người xưa đã làm sẵn chứ không tìm ra được yếu tố mới nào tạo cho kỹ thuật luyện võ tốt hơn, khoa học hơn hay một triết lý sống cao đẹp hơn.
Sự buông lỏng này đã làm giảm sút rất nhiều về giá trị của danh xưng võ sư!
Trong lịch sử võ học Việt Nam từ thế kỷ 18, bên cạnh các khoa thi văn học, triều Lê đã cho thi võ để tuyển dụng nhân tài bảo vệ đất nước.
Nội dung các kỳ thi này gồm 3 vòng thi. Vòng thứ nhất hỏi qua 6 câu đại nghĩa trong binh pháp Tôn Tử.
Vòng thứ 2 thi các môn võ thuật và kỹ thuật chiến đấu gồm: cưỡi ngựa múa đâu mâu, bắn cung, lăn khiên, múa kiếm, đấu kích, chạy bộ múa đâu mâu. Mỗi môn chỉ thi một tao (lần).
Vòng thứ 3 thi về phương lược đánh trận và một bài thơ đường. Đầu đề do chúa nghĩ soạn.
Những người đỗ qua 3 vòng trong kỳ thi Bác cử được gọi là Tạo sĩ (tương đương với Tiến sĩ Nho học) và được ban mũ áo và hưởng các nghi lễ như sĩ tử Nho học đỗ đạt.
Qua đó cho thấy, ngày xưa tiêu chuẩn để chọn một quan võ không chỉ căn cứ vào trình độ võ thuật mà tiêu chí về kiến thức văn học, binh pháp cũng được hết sức chú trọng.
Miền Nam VN, những năm thuộc thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, khá nhiều võ phái/môn phái nổi tiếng cũng rất khắc khe trong chế độ thi cử nhằm xây dựng một đội ngũ võ sư (khuôn mẫu) chuẩn mực về cả kỹ thuật thực hành lẫn lý thuyết cho sự nghiệp phát triển lâu dài của môn phái/võ phái mình.
Nhưng, những năm gần đây, xu hướng thị trường hoá võ thuật, các định chế nghiêm ngặt này gần như đã bị gỡ bỏ, tạo ra một lỗ hổng khá lớn về sự sở hữu kiến thức võ học của những người mang đẳng cấp võ sư.
Qua các kênh thông tin báo chí và các trang mạng xã hội, người ta dễ dàng nhận ra không ít võ sư lộ rõ chất võ biền! Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của võ phái/môn phái mà trong lịch sử phát triển đã từng có quá trình đấu tranh quyết liệt nhằm xoá bỏ định kiến và đánh giá thấp kém những người đi theo nghiệp võ trong dân gian: võ biền (vai u thịt bắp, hành xử thô bạo, kém văn hoá)!
Khi các nhà quản lý chạy theo phong trào và xu hướng tiêu cực của xã hội, thì tự thân các võ sư hãy tự mình không ngừng kiện toàn về cả 2 phương diện: kiến thức và võ thuật, để xứng đáng với danh xưng võ sư. Đó là một danh xưng có cái giá trị rất cao, phải đánh đổi không chỉ bằng thời gian, mồ hôi, công sức và cả máu nữa.
Võ sư Châu Minh Hay