Đấy là chia sẻ của ông Trần Minh Tiến– Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Đa phương tiện Lasata với phóng viên vothuat.vn quanh các giải đấu võ thuật đã và đang được truyền hình Let’s Việt – VTC9 phục vụ khán giả hâm mộ cả nước..
PV vothuat.vn: Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau trở lại với Thai Fight World Battle 2014 vào đêm ngày 20/9/2014, giải Muay Thai cực kỳ đẳng cấp lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Ông rút ra được điều gì qua đêm thi đấu hoành tráng đó?
Ông Trần Minh Tiến: Nói thật là ban đầu chúng tôi cực kỳ căng thẳng khi BTC phía Thái Lan yêu cầu phải đảm bảo tối thiểu có sự hiện diện của 7.000 khán giả. Chúng tôi phát ra 15.000 vé và chỉ thông báo trên các kênh thông tin “nội bộ”. Nhưng chỉ trong 2 ngày đầu tiên, tại riêng trụ sở của Lasata (1 trong số những điểm phát vé miễn phí), đã có hơn 1.000 người xếp hàng nhận vé. Tôi rất bất ngờ và hạnh phúc với điều này. Đêm thi đấu thật sự ấn tượng. Một minh chứng cho thấy người Việt Nam rất đam mê võ thuật, vấn đề là chúng ta làm như thế nào để thu hút khán giả đến với mình thôi.
Dĩ nhiên bởi vì đó là Muay Thai, một môn thể thao đã có bản sắc và thương hiệu riêng về độ khốc liệt, mà đã khốc liệt thì gây cấn và cuốn hút khán giả. Không thể so sánh khán giả quan tâm giải Muay Thai vừa qua với những giải đấu Võ cổ truyền và Boxing mà Let’s Việt vẫn đang cố gắng duy trì tổ chức hàng tuần …
Đấy chính là điều tôi muốn nói về cách làm. Bản thân Muay Thai về điều lệ cũng cho phép đánh tự do hơn. Về đẳng cấp các võ sĩ, người ta cũng phân ra lối đánh truyền thống (quấn dây thừng) và hiện đại (dùng găng tay) ngay trong 1 đêm thi đấu để tạo sự hấp dẫn. Qua đây tôi cũng mong muốn thay đổi điều lệ thi đấu để các giải Võ cổ truyền và quyền Anh vừa có thể thức nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp tranh tài, tăng tính hấp dẫn. Với tôi, cách thi đấu nào cũng có rủi ro nhưng trên hết, chúng ta vẫn luôn tuân thủ những nguyên tắc bảo vệ sức khoẻ người võ sĩ. Phải tạo môi trường chuyên nghiệp thì võ sĩ mới sống được với nghề. Phải chuyên nghiệp thì mới có khán giả. Tôi tin rằng, người võ sĩ nào cũng mong muốn cạnh tranh ở môi trường này để khẳng định đẳng cấp và thương hiệu của mình.
Một góc nhìn khác, tôi muốn nhấn mạnh về hình ảnh một “ngôi sao võ thuật”. Nhắc đến các môn Boxing, Muay, UFC, giới mộ điệu có thể kể tên vanh vách những “ngôi sao” của đấu trường đó. Ngay cả boxing của VN trước đây cũng vậy. Bây giờ thì không còn nữa. Việt Nam rất cần những “ngôi sao võ thuật” để tạo nên sức hấp dẫn cho các môn đối kháng. Các giải Boxing, Võ cổ truyền tranh đai Let’s Việt chưa đủ thời gian để tạo ra những hình ảnh ngôi sao. Như đã nói, để được điều này, cần phải thay đổi điều lệ để tăng tính chuyên nghiệp cho từng trận đấu.
Vậy theo ông, những Nguyễn Trần Duy Nhất, Nguyễn Phú Hiển có thể gọi là những ngôi sao võ thuật Muay Thai của Việt Nam chưa?
Họ là những võ sĩ xuất sắc và tôi tin rằng với đẳng cấp của mình, Duy Nhất xứng đáng có tên trong hàng ngũ của những võ sĩ Muay Thai xuất sắc thế giới. Nhưng tôi biết, xây dựng thành công một hình ảnh “ngôi sao võ thuật” là một chặng đường dài. Tại Thái Lan, đến với Muay là những đứa trẻ 4-5 tuổi, có hẳn hoi những giải Muay cho nhi đồng. Các võ sĩ được thượng đài thường xuyên ở cấp thấp nhất tại các võ đài chùa trong những lễ hội, rồi từng bước được lên những cuộc tranh tài cấp cao hơn thông qua những “promoter”…
Trở lại với thành công từ Thai Fight World Battle 2014 vào đêm ngày 20/9/2014, được biết Let’s Việt sẽ tiếp tục trực tiếp Thai Fight World Battle vòng đấu chính thức thứ nhất với tên gọi Thai Fight 2014 Tranh Cúp Nhà Vua Và Hoàng Tử vào ngày 25/10/2014. Xin ông chia sẻ quan điểm của mình về chương trình này.
Thực chất tôi muốn thông qua Thai Fight để cổ động cho võ Việt. Giải đấu Thai Fight là một mô hình xã hội hoá cực kỳ thành công và đáng để học hỏi. Thai Fight hoạt động hoàn toàn độc lập và tách hẳn ra khỏi liên đoàn Muay Thái Lan. Họ cực kỳ mạnh và được cả Hoàng gia ủng hộ.
Ông có thể tiết lộ chi phí bản quyền của chương trình này?
Chúng tôi chia sẻ lợi nhuận quảng cáo là chính.
Và Let’s Việt – VTC9 vẫn sẽ tiếp tục là chủ giải Boxing và Võ cổ truyền thường niên?
Tiêu chí chúng tôi là luôn ủng hộ võ thuật Việt Nam. Nhưng chúng tôi cũng có yêu cầu của mình: phải từng bước xã hội hoá, phải chuyên nghiệp hoá. Một chương trình thành công là phải có khán giả đến xem. Phải chuyên nghiệp hoá mới ủng hộ phong trào được.
Nhật Vũ (thực hiện)