Võ thuật Nhất Nam – môn phái lâu đời của dân tộc Việt

Nhất Nam là 1 môn phái võ thuật có lịch sử phát triển lâu đời của dân tộc ta. Đất tổ của môn phái nằm trên vùng đất tối cổ châu Hoan, châu Ái ( tức vùng Thanh Hoá , Nghệ An hiện nay ) địa thế như gốc một chiếc quạt xoè ra.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, các môn võ , bài võ cổ đã lưu truyền ẩn hiện trong dân gian, trong các dòng họ trau dồi , sáng tạo , giao lưu tiếp thụ những tinh hoa của các môn võ của các dân tộc khác mà hình thành nên những đặc điểm riêng biệt phù hợp với thể tạng và tầm vóc của người Việt Nam.

Phái võ Nhất Nam là một môn phái võ có tính qui mô và tính tổ chức cao. Hệ thống môn công đồ sộ , toàn diện: quyền , binh khí, công phu luyện nội , ngoại … cùng với một hệ thống lý luận về tâm pháp, yếu pháp làm cơ sở và nền tảng lý luận cho người luyện tập, giao đấu và đối nhân xử thế. Hệ thống môn công của phái Nhất Nam được đúc kết, sáng tạo dựa trên sự vận hành của khí huyết , những đặc điểm tâm – sinh lý và cơ chế vận động cơ bắp của con người ; huy động tối đa sức mạnh của bản thân, lợi dụng sức mạnh của đối phương để đánh đối phương.

1.1

Phái Nhất Nam đưa ra các bài tập đặc thù có tính liên tục trong các đòn thế chuyên để luyện các môn công như: tay xà, tay trảo, tay đao, tay quyền… hoặc đặc dị hơn là các bài “ Ma quyền “ , “ Ảo quyền “ , “ Hoa quyền “ … về binh khí có 9 bài kiếm, 9 bài côn, 5 bài rìu… ngoài ra còn có một môn binh khí độc đáo nữa là “ nhung thuật ” chuyên dĩ nhu chế cương, sử dụng giải lụa 2 đầu có vật nặng để chiến đấu ; vừa có sự mềm mại uyển chuyển trói bắt binh khí dối phương, vừa có thể công phá mục tiêu với sức khó có binh khí nào đạt tới được.

Đồng thời với việc học tập và rèn luyện quyền cước , binh khí, công phu nội , ngoại… người học võ Nhất Nam cũng được học tập cả Tâm pháp ; nó là nhưng đúc kết kinh nghiệm xương máu trong chiến đấu , tập luyện và đối nhân xử thế, với nguyên tắc :

– Học lấy tinh không cần nhiều

– Hiểu cần nhiều nhưng luyện ít

– Học lõi không học vỏ, học vỏ để chứa lõi

– Giác đầu thành tay, thành chân

– Cần chí hơn lý ở đầu

2.2

Dù công hay thủ người luyện võ không được coi nhẹ môn công nào, từ bộ tay, bộ chân, thân pháp, tấn pháp, thủ pháp, công pháp đến kỹ thuật hoá giải, biến hoá chiêu thức… một thê chứa trăm vạn thế, trăm vạn thế thu vào một thế; dùng tĩnh chế động, dùng động chế tĩnh ; địch không động ta không động, địch động ta động trước, đòn đi sau nhưng đến trước ; dùng ít sức nhưng vẫn đạt hiệu quả cao…

Trong phái Nhất Nam mỗi một đòn thế đều được phân tích kỹ lưỡng để hiểu được sự hay dở, của mỗi đòn thế; trường hợp nào , khoảng cách nào thì đem lại hiệu qủa cao nhất, khi tấn công mà bị phản công thì phòng thủ ra sao… Do đó việc dạy và luyện võ của phái Nhất Nam trên tinh thần :

– Dạy chí trước môn công

– Dạy ý trước tay chân

– Dạy chế công lấy công làm gốc

– Dạy chế thủ lấy thủ làm gốc

– Biết chế chống công, biết công được chế

3.3

Trong giao đấu cũng như trong cuộc sống thường nhật kẻ luyện võ cần có những nguyên tắc, lý tưởng để chỉ đạo tư tưởng và hành động ; người luyện võ cần hiểu được Đạo của tự nhiên, trào lưu của xã hội, tâm sinh lý con người như vậy mới có thể đưa ra phương châm sử lý đúng đắn trong mọi tình huống.

“ Khéo thua không bị chết

Giỏi đánh không sợ thua

Giỏi bày trận không cần đánh

Giỏi cầm quyền không cần bày trận

Hiểu đạo không cần dụng binh .”

4.4

Người làm “sống dậy” một dòng võ cổ truyền

“Tuyên hiệu” cho một dòng võ cổ không tên

Võ sư Ngô Xuân Bính xuất thân trong một gia phái võ ở thành Vinh (Nghệ An), được thân phụ và các võ sư khác vùng Thanh – Nghệ dạy võ từ tấm bé. Sau bao năm tháng miệt mài khổ luyện, ông đã kế thừa khá hoàn đủ những tri thức võ học, cùng truyền thống thượng võ của dải đất tối cổ trên đất Việt có địa thế như gốc một chiếc quạt xoè ra.

Ngày thi đậu vào trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội, ông đã mang theo dòng chảy âm ỉ mà mãnh liệt của di sản ấy để truyền bá, trước hết là cho các bạn học. Rồi ngày 23-10-1983, lần đầu tiên làng võ Hà Nội chứng kiến cuộc ra mắt của một phái võ nghe tên thực lạ – võ Nhất Nam. Ông chính là người “tuyên hiệu” cho dòng võ cổ không tên vùng Thanh – Nghệ, với mong muốn thống nhất, đồng nhất các chi phái, gia phái để cùng vun vén về cội nguồn, hy vọng quy tụ bầu đoàn võ của vùng sông Mã, sông Lam thành một điểm võ riêng dưới trời Nam, là “một đứa con” của làng võ cổ truyền Việt Nam.Những nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, dân tộc học … từ lâu đã tìm thấy ở vùng lưu vực sông Mã, sông Lam (châu Á, châu Hoan cổ) những bằng chứng về sự tồn tại của một dòng võ dân gian, hình thành và tồn tại từ hàng ngàn năm trước trong cuộc đấu tranh sinh tồn với giặc giã, muông thú của dân địa phương. Theo ông Mai Văn Muôn (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT) thì dòng võ này có nguồn gốc vào loại xa xưa nhất Việt Nam, không lẫn với bất cứ môn phái võ nào, dân gian gọi là võ “Hét” hoặc “Héc” (theo khẩu âm của người địa phương). Trong số các Tạo sĩ, Tạo toát (tiến sĩ võ) thời Lê Trung Hưng có nhiều người quê ở các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hoá, nhất là ở các huyện Kỳ Hoa, Tống Sơn, Thạch Hà của vùng Thanh – Nghệ, trong đó nổi bật lên là các họ Võ Tá, Nguyễn Đình, Ngô Phúc, Phạm Phúc, Văn Đình… có nhiều đời đỗ đạt cao.

5.5

Lịch sử dân tộc ta đã trải qua hàng trăm cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của phong kiến phương Bắc. Khi vũ khí chưa phát triển thì võ thuật là sức mạnh vật chất có tính khởi phát giúp tổ tiên ta đánh giặc. Nhưng thắng giặc bằng cách nào, khi mà tương quan về thể lực người phương Bắc to khoẻ hơn hẳn chúng ta?. Thực tế cho thấy ta không thể đối kháng với họ theo lối đối đòn và trả miếng bằng sức mạnh cơ bắp. Muốn khắc chế được võ Tầu, người Việt cổ đã tìm ra một thế mạnh riêng, đó là tập luyện cho thân pháp cực kỳ mau lẹ, tránh né cho thật thuần thục để những đòn đánh cương mãnh của đối phương không trúng đích, rồi chọn cơ hội nhắm vào các điểm hở, điểm yếu, chỗ hiểm của địch mà ra đòn tấn công dứt điểm. Đây chính là tinh diệu của nghệ thuật quân sự Việt Nam: “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”. Nói như các võ sư Héc là: “học đạt cái tinh để chế cái nhiều, cái tĩnh để chế cái động, cái đột để phá cái ì, cái cong để chống cái cứng, cái thẳng để chống cái vòng…. tất cả đều phải đạt đến độ quyền biến, tức tới mức thần quyền”. Do đó về kỹ thuật cần tập trung vào các thế tấn thật cơ động, có độ biến ảo cao. Để đánh điểm huyệt đối phương và chữa chạy cho mình hữu hiệu, dòng võ này nghiên cứu kỹ hệ thống các huyệt trên cơ thể người và những bài thuốc chế từ cây cỏ, muông thú sẵn có ở địa phương.

6.6

Cùng với thời gian, lớp người trước truyền lớp người sau, đã không ngừng gạn lọc, vun bồi và phát triển môn quyền ấy thành một dòng võ đặc dị, có tính quy mô và tổ chức cao, với một hệ thống môn công đồ sộ, toàn diện từ quyền cước, binh khí, ám khí đến châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh, công phu luyện nội, ngoại công… cùng lý luận về tâm pháp, yếu pháp làm nền tảng lý luận cho người luyện tập, giao đấu và đối nhân xử thế.

Về binh khí võ Nhất Nam coi đó là phương tiện “nối” cho tay thêm dài, thêm sắc, thêm cứng, thêm dẻo và ảo hoạt, nên các võ sư đã kết hợp tính đặc dị của các thế, miếng trong các bài quyền với tính năng sử dụng của từng loại binh khí mà sáng tạo ra những bài võ binh khí khác nhau với hàng trăm nghìn thế đánh, kết hợp nhuần nhuyễn giữa công và thủ. Võ Nhất Nam xưa có 12 đẳng, ứng với 12 vạch, nhưng nay đã thất truyền khoảng 30 – 40 %, chỉ còn lại 9 đẳng. Lịch sử võ Nhất Nam đã trải qua bao thăng trầm, gắn với những biến động trong đời sống chính trị nước ta thời kỳ phong kiến.

Mộng Ly (tổng hợp)