Vì sao nhà vô địch WBC chuyên nghiệp Trần Văn Thảo sớm thất bại tại đấu trường nghiệp dư ASIAD?

(VoThuat.vn) – Chắc hẳn nhiều fan hâm mộ sẽ cảm thấy bất ngờ trước trận thua của nhà vô địch WBC châu Á Trần Văn Thảo tại ASIAD 2018 nhưng theo nhận định của nhiều người thì đây là điều hoàn toàn có thể lý giải được.

Trong trận đấu ở vòng loại ASIAD 2018 hạng cân 52kg, nhà vô địch WBC châu Á Trần Văn Thảo đã sớm nhận thất bại trước tay đấm người Trung Quốc Hu Jianguan với tỷ số áp đảo 0-5.

Một trong những điều kiện tối thiểu để trở thành một võ sĩ Boxing chuyên nghiệp là võ sĩ phải có thời gian thi đấu lâu dài và có thành tích nhất định ở Boxing nghiệp dư. Do đó có thể hiểu được rằng Boxing nghiệp dư chính là chiếc chìa khoá nhanh nhất để mở cánh cửa đến với thi đấu Boxing chuyên nghiệp. Tiền bạc và chiếc đai vô địch chuyên nghiệp là điều mà bất kỳ một võ sĩ Boxing nào cũng muốn vươn đến, thế nên Boxing nghiệp dư sẽ là bước đệm để họ đạt được điều đó.

Tuy là đấu trường nghiệp dư nhưng ASIAD là đại hội thể thao lớn nhất ở châu Á. Vê quy mô và tính khốc liệt nó chỉ đứng sau Olympic. Ở hạng cân của Trần Văn Thảo có đến hơn 30 tay đấm tham gia tranh tài, và họ cũng chính là những tay đấm xuất sắc nhất được lựa chọn khắt khe ở quốc gia của mình.

Nếu Trần Văn Thảo đang ‘làm mưa làm gió’ tại đấu trường WBC châu Á thì đối thủ của anh, Hu Jianguan, cũng không phải ‘dạng vừa’. Hu Jianguan là một tay đấm tên tuổi ở đất nước ‘tỷ dân’ Trung Quốc với bảng thành tích dày dặn ở đấu trường trong nước cũng như quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất chính là tấm HCĐ tại đấu trường nghiệp dư Olympic Rio de Janeiro năm 2016.

Trong vài năm trở lại đây, các nước châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines… đều rất chú trọng đến đầu tư và phát triển Boxing. Họ có những nhà vô địch Boxing mang tầm cỡ thế giới và cả những ứng cử viên sáng giá tại Olympic. Tại vòng chung kết các kỳ Olympic gần đây luôn có sự góp mặt của các tay đấm châu Á như: Thái Lan, Hàn Quốc, Kazakhstan và Nhật Bản.

Còn đối với Việt Nam, ước mơ để Boxing Việt Nam có thể vươn tầm thế giới là điều hoàn toàn không dễ dàng có thể thực hiện được. Có nhiều ý kiến cho rằng, người Việt Nam không quen với những môn thể thao có tính sát thương cao hay những môn thể thao gây đổ máu.

Do đó, boxing không thật sự được phổ biến và cũng không được xem là môn thể thao thế mạnh nên Boxing không nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư như bóng đá, tennis, bóng rổ…

Việc giành tấm HCV ở đấu trường SEA Games đã là một điều khó khăn thì tấm HCV ở ASIAD lại khó khăn hơn gấp trăm lần. Trong khi các nước láng giềng như Thái Lan, Philippines đã có những nhà vô địch thế giới thì số lượng võ sĩ Boxing Việt Nam thi đấu chuyên nghiệp vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Trong thời gian tới, cần phải có nhiều hơn những thay đổi, những bước đột phá để gíup Boxing Việt Nam có thể nghĩ tới tấm HCV tại đấu trường nghiệp dư ASIAD.

https://youtu.be/NJxJAU4rhbo

Anh Thư