(VoThuat.vn) – Ngộ được chữ “nhẫn” còn hơn mọi đòn thế. Mục đích lớn nhất của võ chính là vừa giúp mình, vừa cứu cả đối thủ, trong khi tránh được bao rắc rối nảy sinh sau đó. Cao hơn nữa đó là sự khuất phục đối thủ, chứ không chỉ dừng lại ở việc thắng người.
Án tử hình cho cựu võ sư Nguyễn Văn Vạn trong phiên xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao đã khép lại “vụ án giết người tại quán cà phê Linda quận 4”.
Một vụ án gây xôn xao dư luận cả nước, có thời gian điều tra, truy tố, xét xử kéo dài qua hai thế kỷ, từ 1996 – 2004.
Từ mâu thuẫn của người thân với một quán cà phê đã dẫn đến việc ông Vạn tay cầm kiếm Nhật, hùng hổ kéo thêm người đi giải quyết ân oán. Sau trận loạn đả bằng dao kiếm, đối thủ có người gục chết, người bị thương, còn cha con ông Vạn thì vào tù.
Nhưng điểm gây bàng hoàng dư luận của vụ án này là ở chỗ: kẻ thủ ác lại là một võ sư tên tuổi từng đảm nhiệm trọng trách huấn luyện viên trưởng đội tuyển taekwondo quốc gia Việt Nam, đã rèn luyện nhiều thế hệ, tên tuổi võ sĩ vinh dự bước lên đài quốc tế. Nguyễn Văn Vạn kháng án chung thân của tòa sơ thẩm, nhưng tòa phúc thẩm lại tăng lên khung cao nhất.
Nấm mồ của nạn nhân nay đã qua bao mùa cỏ xanh, tàn. Kẻ gây ác cũng chuẩn bị đền tội. Nhưng dư luận chung vẫn khó quên một nhân vật như vậy lại hành xử côn đồ để phải nhận kết cục bi thảm. Còn giới võ thì ám ảnh chuyện một vị võ sư lừng danh tay cầm kiếm Nhật, kéo con cháu (phần lớn biết võ) đi chém người yếu thế.
Pháp luật đã lý giải theo pháp luật, nhưng võ cũng có cách lý giải của mình. Trong sâu xa võ có hai phần: thuật và đạo. Thuật chỉ đủ để giúp người ta biết võ. Còn đạo mới đưa người ta đến tận cùng của cái biết võ mà hành võ. Đạo chính là đẳng cấp cao nhất mà người tập võ chân chính phải phấn đấu đạt đến.
Có ai bước vào nghề võ mà không vài lần nghe thầy dạy bảo: “Khi mới học võ, tôi chỉ có mong muốn là nắm được đòn thế cao siêu. Lên được đai đen, đai đỏ, tôi lại muốn mình phải thật giỏi để đánh thắng người khác. Nhưng bây giờ, mục đích lớn nhất của tôi chính là phải chiến thắng chính bản thân mình”.
Trên các bức tường của võ đường hay treo đại tự “Nhẫn”. Bởi chính đó là nền tảng hun đúc nên tinh thần thượng võ. Chuyện võ kể rằng: Có một đại cung thủ đã đạt đến mức độ thượng thừa có thể “bách bộ xuyên dương”, đi trăm bước ngoảnh đầu lại bắn trúng lá liễu. Cả đời cung thủ này chỉ có một tâm nguyện duy nhất là tìm người để được thua.
Ngày kia, theo lời chỉ dẫn của giới võ lâm, anh quyết lên ngọn Hoa sơn thi thố tài năng với một đại sư lừng danh đã ẩn tu. Vị đại sư đồng ý cùng anh leo lên một mỏm đá cheo leo cao nhất. Giữa cuồng phong gào rít, cung thủ chỉ đứng không đã muốn té, nói gì giương cung, lắp tên thi bắn đại bàng. Cuối cùng anh chịu thua và chuyển cung cho vị đại sư trổ tài.
Thật bất ngờ, đại sư lại vứt cung xuống vực rồi bình thản nói: “Tôi đã bỏ tiền ra mua được một con đại bàng thật đẹp, thì khổ chi phải leo lên tận đây chịu nguy hiểm để bắn nữa…”. Như tuyết rơi giữa mùa hè. Như tia chớp lóe sáng ngay buổi bình minh. Đầu óc cuồng mê bất bại của cung thủ ngỡ ngàng đại ngộ. Anh lặng lẽ xuống núi, bẻ cung, ngồi thiền và viết ra dòng chữ “Dụng ý bất dụng lực”.
40 năm trước, võ sư Watanabe (Hiệp khí đạo và Nhu đạo) trả lời một đệ tử đòi ông dạy thêm vài miếng karate để phòng thân: “Tam thập lục chước, không gì bằng bỏ chạy. Bởi thế Hiệp khí đạo cốt yếu là bộ sariwaza giúp người ta an toàn thoát thân trong danh dự. Đấy, anh cứ đánh tôi đi xem có đánh trúng được hay không!”.
Xưa nay các môn võ phương Đông dù khác nhau ở chiêu thức, nhưng đều có điểm giống nhau ở môn quy: không phản môn, phản thầy; không khoe tài, không ỷ lực hiếp người; không háo sắc, loạn dâm; không thắng vui, thua buồn… Tuy nhiên, người đạt đến đạo của võ chắc không cần phải nhớ những điều cụ thể này nữa bởi họ đã hiểu tận cùng chữ “nhẫn” của nhà võ, và tự nó bao trùm tất cả.
Ngộ được chữ “nhẫn” còn hơn mọi đòn thế. Mục đích lớn nhất của võ chính là vừa giúp mình, vừa cứu cả đối thủ, trong khi tránh được bao rắc rối nảy sinh sau đó. Cao hơn nữa đó là sự khuất phục đối thủ, chứ không chỉ dừng lại ở việc thắng người.
Ngày nay nhiều môn võ được đưa ra thi đấu quốc tế tranh hơn thua. Mặt tích cực của nó là giúp người luyện võ tinh thần phấn đấu, rèn luyện sức khỏe, võ thuật. Nhưng nếu chỉ chú tâm vào chiến tích thấy được, e dễ rơi vào cuồng vọng thắng người mà quên mất phải tự thắng chính mình, sự chiến thắng thượng thừa nhất của người luyện võ.
Kiếm và võ không có tội. Chỉ người dùng nó có tội, một khi chỉ biết và sử dụng một nửa trần trụi, đơn giản nhất của võ. Thuật và đạo đều nằm trong con đường luyện võ, nhưng không phải ai cũng lĩnh ngộ được tất cả…
Có khi bản án lớn nhất trong trường hợp này không hẳn đã là án tử hình, mà chính là bản án chung thân để đương sự ngày ngày đối diện với chữ “nhẫn” mà lẽ ra phải ngộ được từ lâu rồi.
Anh Thư