(VoThuat.vn) – Múa lân sư rồng là một hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian trong cộng đồng người Việt ở hầu khắp mọi miền đất nước. Mỗi độ lễ Tết là dịp các đoàn lân sư rồng tích cực luyện tập để biểu diễn.
- “Võ sư điện” Trung Quốc gặp cao thủ: Đang giật đùng đùng thì tắt điện
- 5 nguyên lý khoa học giúp Vịnh Xuân Quyền luôn là khắc tinh của các danh phái
Múa lân sư rồng thường thấy trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu, vì ba con vật này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc…
Các bài hay được biểu diễn là: Chào khách, xông đất, đón bạn, đi đường, khuất phục, thế võ, trồng người. Múa lân sư rồng không những là nghệ thuật trong dân gian mà còn là sự tranh tài với nhau giữa các đội múa. Tùy theo không gian rộng hay hẹp, tùy theo ý nghĩa của dịp lễ hội, các đội có thể thể hiện từng bài, từng cách múa phù hợp. Có mặt tại một số điểm luyện tập và biểu diễn của các đội lân sư rồng tại TP.HCM, phóng viên mới hiểu được cái nghiệp Lân “mang may mắn” cho đời này…
Không chỉ là công việc, lân sư rồng là niềm đam mê bất tận…
Đó là câu nói mang đầy nhiệt thành của ông Tăng Kỷ Quang, đệ tử của cố võ sư Lâm Minh Hào (đại cao thủ Nam Hồng quyền và là người sáng lập võ đường, đội lân Kim sư Thanh Liên lừng lẫy Chợ Lớn những năm 50), hiện là trưởng đoàn lân sư rồng Hải Nam Hào Quang Đường. Ông cũng là kỷ lục gia về thiết đầu công tại Việt Nam.
Ông Tăng Kỷ Quang cho biết: “Đội lân sư rồng là tập hợp của đủ lứa tuổi, đủ thành phần trong xã hội. Có em còn rất nhỏ, đang theo học tiểu học, có người đã hơn 60 xuân xanh nhưng vẫn rất nhiệt thành. Với môn nghệ thuật này, ai cũng có thể tham gia. Chính vì thế chúng tôi nuôi dưỡng được “niềm đam mê bất tận” để truyền lại cho lớp hậu bối sau này”.
Thời gian tập luyện của các đội lân sư rồng vào lúc chiều tối, lúc luyện tập không tránh khỏi sự “náo nhiệt” nên thường gặp khó bởi có thể gây ảnh hưởng đến người dân. Các đoàn nhỏ thì thường chọn bãi đất trống, thưa người hoặc công viên có khuôn viên rộng để tập luyện. Các đoàn lớn hơn, có kinh phí thì lựa chọn những phòng tập riêng, được khu biệt để “luyện công”.
Ông Lâm Chiếu Thích, trưởng đoàn lân sư rồng Hải Thiên (Q.5) tâm sự: “Thời điểm Tết Nguyên đán cận kề là lúc các đoàn lân sư rồng phải căng mình tập luyện và chạy “sô”. Nhiều lúc khách đặt lịch từ rất sớm nhưng đã kín lịch nên chúng tôi phải “nói khéo” với khách hàng”.
“Đoàn của chúng tôi cũng thường xuyên giao lưu các cuộc thi về múa lân sư rồng quốc tế để các bạn trong đội có được thêm kinh nghiệm, trau dồi thêm cho mình kỹ năng. Bên cạnh đó cũng đem lại niềm tự hào cho chúng tôi khi đạt được thành tích trong các cuộc thi, khẳng định được nỗ lực và sự cố gắng không ngừng nghỉ của các anh em trong đội” – ông Lâm Chiếu Thích cho biết thêm.
Ngày xuân kể chuyện lân sư rồng…
Có thể thấy một thực tế là càng hiện đại và phát triển, con người lại càng rời xa những giá trị và bản sắc lâu đời. Thế nhưng ngược lại, múa lân sư rồng vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người. Ngoài mang trong mình vẻ đẹp văn hóa, lân sư rồng còn mang lại điều may mắn cho mọi người theo quan niệm của dân gian.
“Mỗi độ xuân về, nghe tiếng của các đội lân sư thì mới thực sự có cái gọi là không khí Tết. Cả gia đình tôi đều rất thích xem họ biểu diễn. Sự sôi động, “máu lửa” của các nghệ nhân lân sư rồng làm cho chúng tôi có một cái Tết trọn vẹn và hạnh phúc hơn” – anh Anh Đức (ngụ quận 1, TP.HCM) chia sẻ.
Ông Tăng Kỷ Quang cho biết: “Người múa lân sư rồng thực sự là những nghệ nhân bởi để thuần thục họ phải khổ luyện hết sức vất vả. Múa lân sư rồng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng trong từng động tác. Nếu là múa trên mặt đất thì sẽ đi như hổ, nếu múa trên cọc thì phải nhẹ nhàng như mèo. Người học múa lân sư rồng phải có tố chất của “con nhà võ”, như vậy việc luyện tập sẽ tiến hành nhanh và hiệu quả hơn”.
Nói đến độ khó khi biểu diễn thì bài múa “lân lên Mai Hoa Thung” đòi hỏi kỹ thuật cao nhất. Người đầu người đuôi gần như phải ăn khớp từng nhịp thở. Khi thực hiện bài múa, lân phải nhảy, nhào lộn trên dàn Mai Hoa Thung với 24 cọc sắt cao từ 1,2-3m, chiều dài không quá 15m và thời gian biểu diễn trong vòng 15 phút. Những bài này đòi hỏi người biểu diễn không được phép sơ suất vì độ nguy hiểm rất cao. Để làm được những điều này các thành viên của đoàn lân đã phải chuyên tâm khổ luyện võ thuật từ nhỏ bởi không ít người diễn đã gặp phải những tai nạn đáng tiếc khi biểu diễn bài múa hết sức “khó nhằn” này.
Trong một bài múa, những bước nhảy thể hiện sự uyển chuyển nhịp nhàng tượng trưng cho “ngoại hình” còn tiếng trống dồn dập, rền vang giữ vai trò như “linh hồn” của cả tiết mục. Người đánh trống phải có “thẩm âm” cực tốt, phối hợp với các điệu múa như lạy, nằm, leo lên, tuột xuống, một cách nhuần nhuyễn thì mới thể hiện được một cách hoàn hảo “khí thế” của lân, của rồng. Bởi vậy nhiều người mới ví “nghe tiếng trống lân sư là biết mỗi độ xuân về”…
Theo Tuệ Minh