Vịnh Xuân quyền – môn võ của mùa xuân

Vịnh Xuân quyền (詠春拳, Wing Chun, ving tsun, Wing Tsun, Wing Chun kuen, Wingchun-kuen) còn được biết đến dưới tên gọi là Vĩnh Xuân quyền (永春拳), Vịnh Xuân Công Phu (詠春功夫) hay Vịnh Xuân phái (詠春派), là một môn võ thuật có nguồn gốc từ Nam Thiếu Lâm tại tỉnh Phúc KiếnTrung Quốc. Bên cạnh thiểu số cho rằng rất có thể môn phái đã có lịch sử không dưới 400 năm, hầu hết đều khẳng định nguyên khởi Vịnh Xuân quyền từ phong trào Phản Thanh phục Minh cách đây chừng 2 thế kỷ. Môn phái đã du nhập đến các quốc gia lân cận và phương Tây trong thời hiện đại, sau khi sự thành đạt của Lý Tiểu Long trên màn ảnh những thập niên 70 đã giúp phát dương quang đại hình ảnh môn phái khắp thế giới, đưa Vịnh Xuân quyền từ chỗ chỉ được truyền dạy âm thầm trong các gia tộc trở thành một trong những phái võ thuật được nhiều người biết đến và say mê luyện tập nhất, với hàng triệu đệ tử và hàng chục hệ phái trên toàn thế giới.

55591347-1385031408-lee_ipman
Tôn sư Diệp Vấn và học trò xuất sắc Lý Tiểu Long

 

Cho đến nay, những cứ liệu lịch sử chính xác về quá trình hình thành, phát triển của môn phái vẫn còn chìm trong mây mù của thời gian. Hầu hết thông tin lịch sử môn phái đều được truyền miệng giữa các đời truyền nhân nên có nhiều khác biệt giữa thực tế và giai thoại mang tính truyền thuyết.[1]

Một trong những thuyết phổ biến nhất do Đại tôn sư Vịnh Xuân Diệp Vấn truyền lại là danh xưng môn phái bắt nguồn từ tên của vị tổ sư môn phái là Nghiêm Vịnh Xuân, con gái của Nghiêm Nhị, học trò của Ngũ Mai lão sư thái. Sau đó Nghiêm Vịnh Xuân truyền lại cho chồng là Lương Bác Trù. Lương Bác Trù sau đó phát triển môn võ và đặt tên là Vịnh Xuân Quyền [2].

Nhưng có một điểm hầu hết các thuyết đều thống nhất, đó là thời gian ra đời của môn phái nằm trong khoảng giai đoạn phong trào phản Thanh phục Minh ở Hoa lục, cách ngày nay trên dưới 200 năm, đang phát triển rầm rộ. Chi tiết hơn về niên đại, Vương Thái trong Sổ tay Võ thuật còn viết: “Võ phái Vịnh Xuân ra đời gần 2 thế kỷ, vào năm Gia Khánh đời Thanh (1810), thuộc Nam Phái Thiếu Lâm[3].

1270258090-diep-van--13-
Chân Tử Đan trong vai Diệp Vấn – một đại cao đồ phái Vĩnh Xuân

Một số học thuyết về lịch sử môn phái đã nhấn mạnh vai trò sáng tổ của các nhân vật có liên quan đến phong trào khởi nghĩa dưới ngọn cờ khôi phục Minh triều thông qua việc chiết tự tên môn phái. Theo đó, chữ Xuân 春 được hiểu bao gồm 3 chữ Đại (大), Thiên (天) và Nhật (日) (ánh sáng bao la khắp gầm trời) ngầm ý chỉ nhà Minh (明), và chữ Vĩnh (永) với ý nghĩa mãi mãi, hoặc chữ Vịnh (詠) có ý nghĩa ca ngợi.

Một thuyết nữa cho rằng môn phái Vĩnh Xuân bắt nguồn từ một cao tăng của chùa Thiếu Lâm là Chí Thiện. Sau khi chùa bị nhà Thanh đốt phá, ông đã trốn xuống phía nam và ở ẩn trong đoàn Hồng Thuyền. Về sau, ông phát triển một kỹ thuật chiến đấu cận chiến đặc biệt, đặt trọng tâm vào tốc độ, xung lực và mượn lực, gần giống Thái Cực Quyền, vận động theo các vòng xoáy và cuốn, nhưng với biên độ nhỏ hơn rất nhiều để tăng cường tốc độ. Hệ thống kỹ thuật mới này được ông gọi là Vĩnh Xuân, theo tên của tòa Vĩnh Xuân điện trong chùa Thiếu Lâm.

Một thuyết khác lại cho rằng, Vịnh Xuân Quyền bắt nguồn từ một người hát kịch và giỏi võ thuật dưới triều Hoàng Đế Ung Chính (1723-1736) tên là Trương Ngũ, tự Than Thủ Ngũ ở Hồ Nam đến Phật Sơn truyền lại môn võ này và rồi truyền từ Than Thủ Ngũ tới Hoàng Hoa BảoLương Nhị Để và Đại Hoa Diện Cẩm (A Cẩm).

HT (tổng hợp)