(VoThuat.vn) – Liên quan đến vụ võ sư Nam Anh Kiệt (phái Vịnh Xuân Nam Anh) đánh người, hành hung võ sư Nam Nguyên Khánh, mới đây, công an đã chính thức đưa ra án phạt cho hành vi này.
- Chỉ có “Đại bàng Nga” hoặc “Kẻ điên” mới có thể khiến GSP trở lại sàn đấu
- Liệu ring girls có biến mất khỏi UFC?
Cách đây vài tháng, làng võ Việt Nam đã “dậy sóng” vì vụ ẩu đả của võ sư Nam Anh Kiệt phái Vịnh Xuân Nam Anh với võ sư Nam Nguyên Khánh – Trưởng phái Vịnh Xuân Quyền Nam Bắc. Sau vụ việc, võ sư Nam Nguyên Khánh đã làm đơn kiện Nam Anh Kiệt vì hành vi hành hung, xâm nhập gia cư bất hợp pháp.
Ngoài ra, giữa hai người cũng liên tục xảy ra khẩu chiến trên mạng xã hội. Nam Nguyên Khánh cho rằng Nam Anh Kiệt cố tình đánh hội đồng rồi quay clip tung lên mạng để hạ thấp uy tín của ông. Trong khi đó, Nam Anh Kiệt lại cho rằng mình làm đúng và hành động đó là nhằm thanh lí môn hộ. Tuy nhiên, khi đoạn clip phát tán thì phần đông lại tỏ ra phẫn nộ vì hành vi đánh người kiểu côn đồ của Nam Anh Kiệt.
Mới đây, sau vài tháng thụ lí, Công an Quận 3, TP.HCM đã chính thức đưa ra án phạt cho hành vi của Nam Anh Kiệt. Cụ thể, võ sư Nam Anh Kiệt chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền là 750.000 đồng, căn cứ theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nam Anh Kiệt hiện đã đóng phạt đầy đủ. Tuy nhiên, võ sư này vẫn tỏ ra bất bình và khẳng định sẽ kiện ngược lại Nam Nguyên Khánh vì cho rằng ông này vu khống, bôi nhọ danh dự của mình.
Ngoài án phạt từ cơ quan chức năng, trước đó, phái Vịnh Xuân Nam Anh cũng đã có hình phạt dành cho Nam Anh Kiệt là cách chức Tổng đàn chủ.
Mức án phạt dành cho Nam Anh Kiệt bị nhiều người cho là quá nhẹ và hiện vẫn đang tạo ra một làn sóng tranh cãi. Hơn nữa, thái độ không phục, thách thức của Nam Anh Kiệt càng khiến người ta phẫn nộ. Có lẽ, án phạt hành chính trên vẫn chưa thỏa đáng tuy nhiên, Nam Anh Kiệt cũng đã phải nhận hình phạt nặng nhất chính là sự quay lưng, chỉ trích, xem thường từ phía dư luận.
Một cao đồ, giữ chức vụ quan trọng của một môn phái mà lại có lối hành xử cao ngạo, côn đồ, bất chấp luân thường đạo lí thì quả thật đáng lên án. Đầu tiên là những phát ngôn thách đấu “tôi muốn chấp 1 tay 1 chân, nhưng ông Khánh không chịu” rồi sau đó là đến tận võ đường để hành hung võ sư Nam Nguyên Khánh. Để biện hộ cho hành động côn đồ của mình là cách nói rất “bề trên” của ông Kiệt, nhằm “dạy dỗ” ông Khánh trong khi võ sư Khánh lớn tuổi hơn và ông Kiệt cũng trẻ hơn, khỏe hơn ông Khánh rất nhiều.
Xâm nhập võ đường môn phái khác là một hành động không thể chấp nhận được vậy mà sau khi đánh người, Nam Anh Kiệt vẫn chưa chịu dừng lại ở đó mà còn hung hăng cố đẩy cửa xông vào khi mà Nam Nguyên Khánh đã chạy vào nhà và đóng cửa.
Cách đây 15 năm, vào ngày 15.4.2004 Tòa phúc thẩm TAND Tối cao phía Nam đã tuyên mức án tử hình đối với võ sư Nguyễn Văn Vạn – một võ sư có đẳng cấp và nổi tiếng, từng là HLV Đội tuyển Taekwondo quốc gia Việt Nam.
Năm 1996, con trai của võ sư Vạn là Nguyễn Thanh Vân (cựu VĐV Taekwondo Việt Nam) có xích mích với Phạm Văn Sơn tại quán Linda (Quận 4, TPHCM). Hai bên ẩu đả. Sau đó, Vân về gọi người nhà đến truy tìm đối thủ. Cầm đầu nhóm này có võ sư Nguyễn Văn Vạn cùng con cháu. Không tìm ra Sơn, nhóm này đã đập phá đồ đạc trong quán và đánh người vì cho rằng phía quán đã đưa dao cho Sơn đâm trúng tay Vân chảy máu.
Với sự hung hăng và côn đồ được cầm đầu bởi một võ sư nổi tiếng đã mất đi hoàn toàn sự kiềm chế và đạo khiêm cung của con nhà võ, từ việc truy tìm kiếm đối thủ đã biến thành truy sát và hậu quả kinh hoàng xảy ra là nhóm của Vạn đã đâm chết anh Lê Hồng Quân (cậu của chủ quán Linda) và chủ quán Nguyễn Phương Nam thì bị chém đứt lìa bàn tay chịu thương tật vĩnh viễn 41%.
Cách đây không lâu, sau vụ Nam Anh Kiệt, một võ sư ở Hà Nội là Nguyễn Xuân Vinh cũng đã tạo nên làn sóng phẫn nộ dữ dội khi đánh vợ. Ông này lớn tiếng thách thức và dọa sẵn sàng đi tù. Kết quả, dư luận phản ánh kịch liệt, công an vào cuộc, tạm giữ võ sư trên. Sức ép từ dư luận khiến võ sư Vinh phải xin lỗi và hứa khắc phục hậu quả.
Có thể nói, một võ sư, VĐV, HLV võ thuật đã là mang trên mình một “vũ khí”. Hơn ai hết, chính họ phải biết dùng thứ vũ khí đó đúng nơi, đúng chỗ. Là một người võ sư, võ đức phải là vấn đề được đặt lên trên hết, phải biết kiềm chế, kiểm soát hành vi của mình sao cho đúng lẽ. Nếu không, người võ sư đó chẳng khác gì một kẻ giang hồ chợ búa, chẳng bao giờ đáng được gọi là “võ sư”. Vụ võ sư Nguyễn Văn Vạn ngày trước sẽ là bài học đắt giá để võ sư Nam Anh Kiệt lấy đó mà tu thân.
Hoài Phương – Anh Thư