(VoThuat.vn) – Năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh là tỉnh Sóc Trăng (Ba Xuyên), tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới là Hậu Giang. Đến tháng 12-1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. 

Hiện nay, với diện tích 3.311,87 km², tỉnh Sóc Trăng có dân số đạt 1.199.653 người (thống kê 1-4-2019). Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm và 8 huyện: Châu Thành, Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Trần Đề) và 109 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 80 xã, 17 phường, 12 thị trấn). (Tóm lược từ Wikipedia).

Vovinam Ba Xuyên giai đoạn 1968-1975

Tại Sóc Trăng – tỉnh lỵ của Ba Xuyên (tên của tỉnh Sóc Trăng trước năm 1975), HLV Nguyễn Văn Đức mở lớp tại trường Bồ Đề và nhà riêng từ năm 1968. Theo võ sư Lâm Tấn Đấu (sinh năm 1958, tập với HLV Nguyễn Văn Đức khoảng năm 1970), một số môn sinh những lớp đầu tiên có anh Tuấn cao, Tuấn lùn, Hồng Ba…Khoảng năm 1972, võ sư Nguyễn Văn Sen về đây tham gia phong trào, tiếp theo là võ sư Dương Minh Nhơn, HLV Trần Phước Thiện. 

Đến năm 1973, Vovinam Ba Xuyên đào tạo được một số môn sinh đạt đẳng cấp Hoàng đai I là người địa phương như Hà Thanh Bình, Quách Văn Văn, Lâm Tấn Đấu, Võ Văn Nuôi, Trương Anh Dũng. Bên cạnh đó còn có các HLV xuất thân từ lớp đào tạo cấp tốc XDNT như Lý Cường (Sến), Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Tòng, Lâm Bình Chi, Nguyễn Văn Nhiêu. Lúc cao điểm, Vovinam Ba Xuyên có khoảng vài trăm võ sinh tập luyện tại Ty Thanh niên, Trường Nông Lâm Súc, huyện Mỹ Xuyên, v.v.

Vovinam Sóc Trăng từ năm 1976 đến nay

Năm 1976, HLV Hà Thanh Bình đã mở lại lớp tập tại Phòng TDTT thị xã Sóc Trăng (thuộc tỉnh Hậu Giang) và cụm sân quần vợt, mỗi nơi 1 lớp vài chục em. Từ thời điểm này trở về sau, phong trào Vovinam Sóc Trăng trải qua một số cột mốc đáng chú ý. 

Thập niên 1990, một số học trò của võ sư Hà Thanh Bình tham gia huấn luyện như HLV Lương Duy Đạt và HLV Trần Vũ Bảo mở lớp phong trào tại Sở TDTT tỉnh Sóc Trăng (nay Trung tâm Văn hóa Thể thao tỉnh); HLV Hà Thanh Sơn dạy ở Trường Cao đẳng cộng đồng và xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên; HLV Dương Hoa Lư dạy ở trường THCS Mạc Đĩnh Chi… Năm 1993, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Giải Vovinam mở rộng và các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… đã cử HLV, VĐV về tham dự. Năm 1996, võ sư Hà Thanh Bình đào tạo HLV, mở lớp lan rộng đến các huyện Mỹ Tú, Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Thạnh Trị. Từ thời điểm này, phong trào mới khá lên so với trước đây chỉ xoay quanh thị xã Sóc Trăng. 

Năm 2004, võ sư Hà Thanh Bình bận công việc cơ quan nên quản lý chung, giao lớp cho các HLV Trần Vũ Bão, Trần Hoàng Long, Trần Hoàng Phi trực tiếp hướng dẫn… Đây là giai đoạn khó khăn do sân bãi không có phải di chuyển từ điểm này sang điểm khác nên lượng học viên tham gia không nhiều. Dù vậy, một số HLV cũng được đào tạo và tham gia phát triển phong trào sau này như Trần Vũ Phương, Lý Nguyệt Hằng, Lý Huỳnh Châu, Cao Thanh Nhã, Trương Quốc Sử… Đặc biệt, từ năm 2000 Vovinam Sóc Trăng được Sở TDTT hỗ trợ kinh phí tham dự một số Giải Đồng bằng sông Cửu Long, Giải Vovinam Đại hội TDTT Đồng bằng sông Cửu Long và giành được huy chương.  

Năm 2008, võ sư Hà Thanh Bình vận động được một số môn sinh trước năm 1975 trở lại ôn luyện và tham gia hoạt động như Lâm Tấn Đấu, Nguyễn Văn Tiến, Lâm Bình Chi, Nguyễn Văn Thắng… 

Năm 2011, Vovinam được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cử 11 VĐV tham dự Giải trẻ toàn quốc tại Quảng Ngãi. Kết quả đạt được 1 HCB, 2 HCĐ; năm 2012 dự Giải trẻ toàn quốc ở Cà Mau…

Từ năm 2017 – 2019, Vovinam Sóc Trăng được phối hợp với Liên đoàn Vovinam Cần Thơ tổ chức thi thăng cấp Trung đẳng tại Sóc Trăng. Những năm trước đều phải thi tại Cần Thơ.   

 

Được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng năm Vovinam đều tổ chức giải vô địch tỉnh thu hút trên 100 VĐV tham gia. Các kỳ Đại hội TDTT tỉnh đều có môn Vovinam góp mặt.

Song song đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các võ sư, HLV nhằm đảm bào giảng dạy đúng theo giáo án và hướng dẫn của Liên đoàn Vovinam Việt Nam.

Kinh phí dành cho bộ môn Vovinam tổ chức giải, tham dự và mở các lớp tập huấn vào khoảng trên 250.000.000đ/năm.

Hiện nay, phong trào Vovinam Sóc Trăng đã được quảng bá đến 10/11 thành phố, thị xã, huyện trong toàn tỉnh (còn thiếu huyện Cù Lao Dung) với 26 CLB và hơn 1200 võ sinh tập luyện thường xuyên.

VoThuat.vn


 Tin liên quan: