Lịch sử của những chiếc đai trong Kyokushin Karate, hệ phái mạnh nhất của Karate

(VoThuat.vn) – Trải qua nhiều thay đổi và chịu ảnh hưởng từ các môn võ khác, hệ thống đai trong Kyokushin Karate được chia ra làm 10 Kyu (cấp) và cao hơn là 10 Dan (đẳng), trong đó mỗi đai màu có hai cấp nhỏ đại diện bởi một vạch ở phần cuối đai.

Đai màu và võ phục đều bắt nguồn từ Judo. Trong hệ phái Kyokushin, thứ tự các đai khác nhau ở nhiều nơi như việc thay đai màu cam bằng màu đỏ, nhưng gần như tất cả đều tuân thủ việc phân chia theo Kyu. Khác với suy nghĩ của nhiều người, sử dụng đai màu để biểu thị cấp bậc và khả năng võ thuật chỉ mới bắt đầu từ đầu thế kỷ 20.

Cha đẻ của Judo, võ sư Kano Jigoro, bên cạnh công tạo nên võ phục hiện đại, ông cũng là người đầu tiên trao cho hai học trò Tomita Tsunejiro và Saigo Shiro hai đai ở cấp Shodan (sơ đẳng), cấp thấp nhất trong hệ thống xếp bậc.

Có rất nhiều giai thoại về các màu đai, ví dụ như câu chuyện về một môn sinh Karate được trao đai trắng. Theo thời gian, chiếc đai trở nên ố và tối dần, chuyển sang màu nâu, đen và rồi quay lại trắng. Sự thật là, vào năm 1907, đại sư Jigoro giới thiệu võ phục ngày nay và đai đeo với hai màu trắng và đen.

Cụ thể, đai trắng dành cho người ít kinh nghiệm, còn đai đen được người tập đã lâu đeo. Trong đó, màu trắng thể hiện sự đơn sơ hoặc thuần khiết, lúc này môn sinh như một tờ giấy trắng và dần dần được tô điểm bởi tri thức. Trước đó, căn cứ về trình độ và chứng nhận giảng dạy của các võ sĩ lâu năm đều dựa trên nhiều loại giấy tờ cá nhân.

Một giáo viên dạy Judo tại Pháp, Mikonosuke Kawaishi, được cho là đã kết hợp các màu khác nhau vào võ phục thời điểm năm 1935, như một cách để khuyến khích học trò đạt thành tích cao hơn. Điều này cũng được đại sư Gichin Funakoshi, người sáng lập môn phái Shotokan Karate, học hỏi nhằm thu hút người dân học Karate theo phong cách Okinawa. Về phía Kyokushin, cha đẻ Masutatsu ‘Mas’ Oyama, đồng thời là học trò của đại sư Gichin Funakoshi, cũng đưa ra cách xếp hạng đai.

Mas Oyama, võ sư sáng lập Kyokushin Karate

Có tất cả 10 cấp, sau khi đã vượt qua 10 cấp này, người tập phải trải qua 10 đẳng. Mỗi đai màu có hai cấp nhỏ hơn, được thể hiện bằng một vạch tại phần cuối của đai. Tuy nhiên, đai trắng không đại diện bất cứ cấp nào và người mang đai này chưa được phân cấp.

Dưới thời Mas Oyama từ những năm 60, đai đỏ không được sử dụng cho tới khoảng thời gian cuối cùng trước khi ông mất, thay thế đai trắng trước đây bằng một và hai vạch đỏ cho cùng một cấp. Khác với một số võ đường dùng đai đỏ khi thăng đẳng, thầy Oyama chỉ đeo duy nhất đai đen toàn bộ.

Xét về thời gian tập, một người cần ít nhất 2 đến 3 lần tập hàng tuần liên tục trong 5 năm để đạt được đai đen, tương đương với Nhất đẳng. Đây được coi là khởi đầu trong các đẳng, trong khi Thất đẳng thường thuộc về các đại sư đứng đầu hệ phái. Dưới đây là một đoạn trích giải thích ý nghĩa về đai từ tác phẩm The Budo Karate of Mas Oyama, do môn sinh Cameron Quinn ghi lại.

Đai trắng: Sự thuần khiết và tiềm năng

Môn sinh mới, chưa nhận thức được các yêu cầu và thiếu nhiều kinh nghiệm. Màu trắng là sắc màu hy vọng, từ đó sự nhiệt tình học hỏi được ươm mầm.

Đai da cam/ đai đỏ: Sự ổn định

Đây là màu của đất, ở cấp này, môn sinh tập trung vào việc hiểu các nguyên lý căn bản. Sức mạnh và sự tiến bộ được xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Các thế tấn được củng cố và cần được hoàn thiện. Người tập nên duy trì lối sống lành mạnh, hoài bão, lòng biết ơn, sự kiên trì và khí lực bản thân. Bên cạnh đó, môn sinh cần chiến thắng cuộc đấu tranh nội tâm nhằm vượt qua sự cố chấp để học hỏi. Sắc cam như ngọn lửa nhiệt huyết và niềm tin mãnh liệt trong tập luyện.

Đai xanh da trời: Sự linh hoạt để thích ứng

Được so sánh với nước, có khả năng điều chỉnh hình dạng với bất kỳ vật nào chứa nó, môn sinh cần phát triển tính thích nghi thông qua kumite (đấu tập). Từ đó, việc luyện tập trở nên phù hợp hơn với từng điểm mạnh và điểm yếu của mỗi người. Cơ thể cần được rèn luyện để đạt được sức mạnh, đặc biệt ở thân giữa và cánh tay. Ngoài ra, cấp độ này yêu cầu tập luyện ép dẻo thường xuyên.

Đôi khi, suy nghĩ muốn từ bỏ xuất hiện. Đây hoàn toàn là điều bình thường, nhưng hãy tìm ra thứ gì cản trở bản thân để vượt lên. Luôn giữ bình tĩnh trong đấu tập lẫn ở cuộc chiến nội tâm.

Đai vàng: Sự tự khẳng định

Ngoài cải thiện các kỹ năng thể chất (thăng bằng, sự ổn định, phối hợp mắt – tay, kỹ thuật), đai vàng đòi hỏi sự xem xét cẩn thận các khía cạnh tâm lý, như cảm nhận, nhận thức, cùng một số biểu hiện khác từ ý chí. Môn sinh phải phối hợp được hai mặt thể lực và tiềm năng lớn của tâm trí. Luôn tự tin, đối mặt với nỗi sợ và hành động quyết đoán. Hãy cố hết sức để rèn luyện bản thân. Các kỹ thuật phải được thực hiện chính xác mà không gặp nhiều khó khăn.

Đai xanh lá: Cảm xúc và sự nhạy cảm

Đây là màu đầu tiên trong các đai màu cấp cao. Trưởng môn Mas Oyama từng nói: “Sức mạnh không phải do công lý thực thi mang tính bạo lực, còn công lý không có sức mạnh chỉ thể hiện sự bất lực”. Người tập cần hoàn toàn làm chủ kỹ thuật căn bản và thực hiện được các kata (bài quyền) ở cấp này. Bên cạnh kỹ thuật, phải chú trọng cả về mặt tốc độ và sức mạnh.

Môn sinh được cho là phải “đọc” được đối thủ. Giờ đây, người tập cần tự tìm hiểu những khái niệm và kỹ thuật nâng cao, cũng như học hỏi từ một cá nhân ưa thích với mục đích phát triển phong cách Karate cho riêng mình. Hãy ghi nhớ “zanshin”, hay khả năng hành động hoàn toàn tự nhiên mà không đòi hỏi nỗ lực có ý thức. Người mang đai xanh lá nên áp dụng toàn bộ những gì học được cùng thái độ bình tĩnh, không nao núng một cách thực tế vào tự vệ và cả trong cuộc sống.

Đai nâu: Sự thực tiễn và sáng tạo

Cấp độ này vô cùng quan trọng và nên được để tâm một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và chín chắn. Môn sinh đai nâu sở hữu thể lực rất tốt và không gặp chút khó khăn nào khi thực hiện toàn bộ kỹ thuật, trong khi tiếp tục phấn đấu hoàn thiện kỹ năng. Đai nâu có khả năng kiểm soát đối thủ trình độ thấp hơn qua thời gian, khoảng cách và độ nhạy, và giành được sự tôn trọng cũng như tin tưởng từ phía họ.

Luôn soi xét kỹ bản thân để đảm bảo mình hoàn toàn làm chủ được tính cách và tâm trí. Hơn nữa, các giải đấu là nơi để nâng cao kỹ thuật. Đây cũng là dịp thích hợp nhằm chứng minh tính hiệu quả trong tập luyện. Đừng vội tự mãn với chiếc đai này mà cần duy trì tinh thần học hỏi để hướng tới cấp độ tiếp theo. Trích lời cha đẻ Kyokushin Karate: “Nhờ hết mình tập luyện, dù tắm trong mồ hôi do vất vả, tôi vượt qua được ranh giới của cả sự sống và cái chết”. Vì vậy, không được ngừng hành trình tập luyện, đặc biệt là khi đã tiến xa đến đây.

 

 

VoThuat.vn


Tin liên quan: